Cùng với xu hướng phát triển của lĩnh vực nông nghiệp, nhu cầu nguồn lao động để phục vụ ngành Nông nghiệp Công nghệ cao hiện nay rất lớn.
Khoa Nông học của Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) là một trong những đơn vị đào tạo ngành Nông nghiệp Công nghệ cao từ năm 2020.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Dương Thanh Thủy - Trưởng Bộ môn Nông nghiệp Công nghệ cao, Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) cho biết, ngành Nông nghiệp Công nghệ cao được ứng dụng kết hợp nông nghiệp với những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.
"Ngành Nông nghiệp Công nghệ cao được tuyển sinh lần đầu tiên vào năm 2020. Tuy nhiên, từ những điều tra sơ bộ và tiếp cận với học sinh trường phổ thông qua việc chia sẻ, hướng nghiệp cho thấy, tâm lý chung của học sinh là không nhiều hứng thú khi nghe đến học nông nghiệp.
Thông thường, chỉ cần nghe đến “nông nghiệp”, nhiều người nghĩ rằng khi sinh viên tốt nghiệp sẽ làm các công việc chân lấm tay bùn, cực nhọc. Cùng với đó, thuật ngữ “công nghệ cao” tương đối mới, khó hình dung đối với học sinh và phụ huynh. Điều này cũng khiến nhiều phụ huynh định hướng cho con chọn ngành khác với hy vọng con mình sẽ đỡ vất vả hơn”, cô Thủy chia sẻ.
Theo cô Thủy, với thời gian đào tạo 4,5 năm (trình độ kỹ sư), chương trình học của ngành Nông nghiệp Công nghệ cao trang bị cho sinh viên kiến thức lý thuyết toàn diện và kiến thức thực tế vững chắc, chuyên sâu về ngành học. Các em có kỹ năng thực hành nghề nghiệp, làm việc độc lập hoặc theo nhóm, có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Về đổi mới chương trình đào tạo của ngành Nông nghiệp Công nghệ cao, cô Thủy cho biết, hiện tại, các môn học trong từng năm đều được cập nhật và rà soát thường xuyên (được thay đổi 20% nội dung kiến thức/môn học/năm học).
"Chương trình đào tạo của ngành Nông nghiệp Công nghệ cao tập trung vào đổi mới kiến thức và kỹ năng dựa trên phản hồi đa chiều của người học, giảng viên, doanh nghiệp và nhà tuyển dụng. Nhiều môn học được rà soát, cập nhật nhằm phù hợp hơn với vị trí việc làm của sinh viên sau ra trường và định hướng phát triển của nền nông nghiệp 4.0 như: các môn học về điện tử, tự động hóa, công nghệ sinh học", cô Thủy chia sẻ.
Chia sẻ thêm về ngành Nông nghiệp Công nghệ cao hiện nay, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Thái Hòa - Trưởng Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) cho biết, thuận lợi nổi bật là chương trình học của ngành Nông Nghiệp Công nghệ cao bên cạnh các học phần lý thuyết còn chú trọng cho sinh viên tiếp cận với việc làm từ sớm thông qua 3 học phần là: tiếp cận nghề, thao tác nghề, thực tế nghề. Nhờ đó, sinh viên được thực tập nghề và làm việc ở các đơn vị chuyên về nông nghiệp công nghệ cao.
"Với học phần thực tế nghề, sinh viên được đến một số công ty, doanh nghiệp trong thời gian 3 tháng, hoặc đi sang một số nước có nền sản xuất nông nghiệp tiên tiến (như Đan Mạch, Nhật Bản, Israel,.. với thời gian là 10-12 tháng) để tham gia làm việc tại các cơ sở này. Khi đi học thực tế nghề, sinh viên cũng được hưởng lương/hỗ trợ nhất định. Tuy nhiên để đảm bảo các mục tiêu đào tạo, sinh viên đi thực tế nghề đều sẽ có giảng viên trong Khoa và cán bộ tại các doanh nghiệp hướng dẫn", cô Hòa chia sẻ.
Tuy nhiên cũng không ít khó khăn, theo cô Hòa, thứ nhất, thách thức đối với nông nghiệp của khu vực miền Trung là chịu ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, lũ lụt, bão. Điều này đã được Khoa nỗ lực khắc phục để đào tạo các kỹ sư có thể ứng dụng kiến thức của mình “thích ứng” vào phát triển nông nghiệp phù hợp cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Thứ hai, một trong những khó khăn đối với ngành Nông nghiệp Công nghệ cao là số lượng sinh viên nhập học chưa nhiều so với yêu cầu về phát triển nguồn nhân lực của xã hội, đặc biệt khi nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới. Nguyên nhân là do học sinh và phụ huynh chưa hiểu sâu về ngành học này.
"Để thu hút được sinh viên theo học ngành Nông nghiệp Công nghệ cao, theo tôi, nhất thiết cần thay đổi suy nghĩ và nhận thức đúng về khối ngành nông nghiệp, tầm quan trọng của nông nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội và an ninh lương thực. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa chương trình giáo dục nông nghiệp vào công tác hướng nghiệp cho học sinh trung học trong thời gian tới", cô Hòa chia sẻ.
Cùng trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á cho biết, khu vực miền Trung – Tây Nguyên có nhu cầu phát triển và tuyển dụng nhân lực ngành Nông nghiệp Công nghệ cao nhưng thực tế số lượng sinh viên vào học chưa đáp ứng được.
Theo thầy Tuấn, đối tượng sinh viên học ngành Nông nghiệp Công nghệ cao của trường chủ yếu ở vùng nông thôn, gia đình có sẵn đất trồng, trang trại. Do đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Nông nghiệp Công nghệ cao có khả năng sáng tạo, áp dụng kỹ thuật máy móc hiện đại vào nông nghiệp để tự khởi nghiệp ngay trên chính mảnh đất, ruộng nương của gia đình.
Nhà trường bắt đầu tuyển sinh ngành Nông nghiệp Công nghệ cao năm 2021. Mỗi năm, ngành tuyển 50 chỉ tiêu. Năm đầu, ngành tuyển được vài chục sinh viên (48 sinh viên, chưa đạt 50 chỉ tiêu). Các năm sau, ngành tuyển được trên dưới 10 sinh viên.
Theo thầy Tuấn, cùng với việc xã hội nhận thức đúng về ngành, khi nào phải có sinh viên ra trường, đi làm và thu nhập nhất định thì ngành học mới thu hút được nhiều người học.
Nhà trường có chính sách hỗ trợ 20-30% học phí cho sinh viên ngành Nông nghiệp Công nghệ cao và yêu cầu tất cả giảng viên ngành này đều phải đạt trình độ tiến sĩ. Ngoài ra, trường mời giảng viên cao cấp ở các cơ sở đào tạo uy tín đến giảng dạy cho sinh viên.
Về tổ chức thực tập, hiện nay, nhà trường ký kết hợp tác nhiều doanh nghiệp theo từng môn học để đưa sinh viên ngành Nông nghiệp Công nghệ cao đến thực tập và làm việc.
Ngoài ra, trường cũng đưa sinh viên năm cuối đi thực tập ở nước ngoài (12 tháng), trong đó có Nhật Bản.
Khó khăn nhất trong đào tạo ngành hiện nay được thầy Tuấn chỉ ra căn bản là học sinh nhận thức chưa đúng về ngành học, và hoạt động hướng nghiệp chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, sinh viên ngại học các môn thí nghiệm, kỹ thuật so với quản trị kinh doanh, kinh tế,... cũng là khó khăn trong tuyển sinh ngành Nông nghiệp Công nghệ cao.
Theo thầy Tuấn, nước ta là nước nông nghiệp nhưng sinh viên khối ngành nông nghiệp lại không có hỗ trợ từ nhà nước. Do vậy, thầy Tuấn kiến nghị, nên có hỗ trợ cho sinh viên khối ngành nông nghiệp, từ đó tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh.