Tăng khả năng liên kết chuỗi trong hợp tác xã nông nghiệp

Bình luận · 197 Lượt xem

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là vùng có tỷ lệ hợp tác xã (HTX) tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên lớn nhất cả nước.

Ðã có nhiều mô hình HTX nông nghiệp tiêu biểu thành công trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, năng lực của các HTX nông nghiệp trong vùng nhìn chung còn hạn chế về vốn, tài sản, trình độ... Do đó, cần có những đột phá về cơ chế, chính sách để thúc đẩy các HTX tham gia liên kết chuỗi, từ đó tăng giá trị cho nông sản, thúc đẩy kinh tế nông thôn.

 

Vùng ÐBSCL có 1.136 HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên, chiếm 46,73% tổng số HTX nông nghiệp cả vùng. Ðây là vùng có tỷ lệ HTX tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên lớn nhất cả nước, có nhiều mô hình điển hình trong liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

 

Tăng thế mạnh cho nông sản địa phương

 

HTX nông nghiệp Gò Gòn, ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, là đơn vị chủ lực của địa phương về xây dựng cánh đồng mẫu lớn, liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông), kết hợp với thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để cải thiện tình trạng tổ chức sản xuất vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán của người dân.

 

Giám đốc HTX Gò Gòn Trương Hữu Trí cho biết, để gia tăng giá trị nông sản địa phương, Ban giám đốc đã phối hợp với các cơ quan chức năng trang bị cho từng thành viên về quy trình, kiến thức và kỹ thuật để có thể thực hiện sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo quy trình VietGAP và hướng hữu cơ. Năm 2020, HTX nông nghiệp Gò Gòn đã thành công xây dựng thương hiệu gạo Gốc Tím. Hiện nay, HTX Gò Gòn có 120 thành viên chính thức là các hộ sản xuất liên ấp tại xã Hưng Thịnh, với tổng diện tích sản xuất nông nghiệp lên đến 564 ha. Với sự thành công trong việc đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX đã xây dựng quy trình sản xuất lúa đạt chuẩn VietGAP và đang từng bước sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. HTX không chỉ chăm lo cho các hộ thành viên mà còn là đơn vị tiên phong trong các hoạt động liên kết chuỗi giá trị, hoạt động vì lợi ích của người sản xuất trong xã, trong huyện.

 

Liên kết sản xuất để đi đường dài trong phát triển kinh tế nông thôn cũng là cách lựa chọn của HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công, ấp Cộng Lạc, xã Bình Ðông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Quyết định phát triển kinh tế thông qua chuỗi sản xuất là "Mua chung-Nuôi chung-Bán chung" đã trở thành lựa chọn sáng suốt của Ban giám đốc HTX.

 

Theo lý giải của ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc HTX, hình thức này đã tăng tính công khai, minh bạch không chỉ về quy trình con giống, thức ăn và giá bán mà còn cả nguồn vốn đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất của HTX, nhờ vậy giá trị thành phẩm của HTX luôn đạt mức cao và được người tiêu dùng tín nhiệm. Chỉ tính riêng năm 2021, HTX đã đạt doanh thu hơn 16 tỷ đồng, sản lượng 86.000 con gà lông, 50 tấn gà thịt, đem lại thu nhập 20 triệu đồng/1.000 con gà. Hiện HTX đang sở hữu sản phẩm gà tươi OCOP 4 sao và đang xây dựng hồ sơ OCOP cho các sản phẩm chế biến khác của HTX… Sự thành công từ mô hình 3 chung đã đưa HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

 

Cần cơ chế thúc đẩy liên kết chuỗi

 

Hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa HTX với doanh nghiệp ở vùng ÐBSCL đã trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, bên cạnh những HTX thành công trong tổ chức sản xuất liên kết chuỗi, vẫn còn 76% trên tổng số HTX trong toàn vùng có liên kết nhưng còn lỏng lẻo, chưa tạo thành chuỗi giá trị; một số HTX trước đây có liên kết nhưng khi tham gia thí điểm thì lại không ký kết được hợp đồng liên kết.

 

Vì vậy, để tạo sức mạnh liên kết toàn vùng ÐBSCL, Cục Kinh tế hợp tác và các chuyên gia kinh tế khẳng định, cần có những đột phá về cơ chế, chính sách để HTX có thể phát huy tốt vai trò gắn kết giữa các hộ nông dân thành viên mà còn là mắt xích quan trọng trong thúc đẩy liên kết dọc với doanh nghiệp để điều phối, giám sát thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, từ đó gia tăng giá trị nông sản.

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Tiền Giang, để đẩy mạnh liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã phê duyệt đề án liên kết giai đoạn 2021-2025 với 109 danh mục/ dự án trên các lĩnh vực lúa, rau và chăn nuôi. Chỉ tính riêng giai đoạn 2020-2023, tổng nguồn vốn thực hiện hỗ trợ cho 21 dự án/kế hoạch liên kết là 68,9 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 14,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, do đặc thù của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn nhỏ lẻ, manh mún, lại thiếu chiến lược kinh doanh bài bản cho nên hầu hết các HTX khó tiếp cận được nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết.

 

Còn theo lãnh đạo Sở NN và PTNT tỉnh Vĩnh Long, nút thắt trong tiếp cận nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết chính là yêu cầu doanh nghiệp, HTX phải có vốn đối ứng (tỷ lệ đối ứng lên đến 70%) so với vốn vay cho nên nhiều doanh nghiệp, HTX chưa mặn mà, thậm chí không có khả năng đối ứng. Chưa kể sự hạn chế về nguồn nhân lực khiến cho những thủ tục về đấu thầu, đầu tư, chuẩn bị hồ sơ thanh quyết toán để giải ngân dự án không thể thực hiện. Do đó nhiều doanh nghiệp, HTX còn chưa mạnh dạn tham gia dự án liên kết.

 

Vì vậy, để thúc đẩy liên kết chuỗi, tăng giá trị nông sản địa phương cần có những đột phá về cơ chế, chính sách. Cụ thể, chỉnh sửa quy định bắt buộc về nguồn vốn đối ứng, chính sách bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp cần rõ ràng giữa các bên liên quan. Ðồng thời, tiếp tục triển khai hỗ trợ các chính sách theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm cho các sản phẩm có tham gia liên kết như trưng bày, quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP địa phương.

 

Theo Bộ NN và PTNT, Bộ đang lên kế hoạch đề nghị Chính phủ bổ sung chính sách hỗ trợ cụ thể trực tiếp cho các HTX nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số, xây dựng mô hình nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao năng lực hoạt động HTX để thực hiện tốt liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Như vậy, với sự linh hoạt của địa phương, Bộ NN và PTNT trong thúc đẩy thực hiện liên kết chuỗi, vùng ÐBSCL sẽ có thể tiếp tục là điểm sáng trong phát triển nông nghiệp của cả nước.

Bình luận