Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vừa ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững giai đoạn 2023 - 20

Bình luận · 184 Lượt xem

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vừa ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn 2050.

Quan điểm xanh và bền vững

Theo ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), tập đoàn luôn xác định vai trò tiên phong và điển hình trong việc phát triển bền vững ngành cao su. Chiến lược Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là một trong những chủ trương quan trọng của tập đoàn nhằm thực hiện đồng thời 3 mục tiêu: Phát triển kinh tế - Bảo vệ môi trường - Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

 

Theo đó, chiến lược được xây dựng nhằm đáp ứng xu thế phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới, góp phần đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính để hướng tới nền kinh tế trung hòa các bon trong dài hạn.

 

Trong quá trình xây dựng, chiến lược lấy con người làm trung tâm, cam kết thực hiện trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp và người dân, đảm bảo rằng người dân trong vùng dự án và khu vực lân cận được hưởng lợi từ các dự án, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống con người về văn hóa, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe.

 

Chiến lược tập trung đẩy mạnh thực hiện các chứng nhận quốc gia và quốc tế về phát triển bền vững nhằm hướng đến mục tiêu doanh nghiệp cam kết cung ứng bền vững, có các chính sách truy xuất nguồn gốc minh bạch và nâng cao chuẩn mực kinh doanh để hội nhập quốc tế.

 

Tập đoàn cũng xác định rằng, chiến lược định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, tăng cường kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và không ngừng cải tiến hệ thống quản trị phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế.

 

Đây là những yếu tố rất quan trọng trong bối cảnh Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR) sắp có hiệu lực. Mục tiêu của quy định này là tăng nhu cầu và mua bán các mặt hàng, sản phẩm hợp pháp và “không gây mất rừng”.

 

Theo đó, 7 nhóm sản phẩm được lựa chọn để triển khai, gồm dầu cọ, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cà phê, cao su và một số sản phẩm có nguồn gốc từ đó. Danh sách những sản phẩm, có liên quan sẽ tiếp tục được EU cập nhật 2 năm/lần.

 

EUDR yêu cầu các nhà nhập khẩu và đối tác trong chuỗi cung ứng phải chứng minh sản phẩm của họ không liên quan đến phá rừng hay suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020.

 

Thông qua Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục phát huy các hoạt động phát triển bền vững đã triển khai thành công trong bốn năm từ năm 2019 - 2023.

 

Bên cạnh đó, mở rộng từng bước một số hoạt động phù hợp đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia đã cam kết với Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc đến năm 2030.

 

Tuyệt đối tuân thủ chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đạt được tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, tiến tới góp phần xây dựng nền kinh tế các bon thấp, giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính.

 

Xanh hóa chuỗi cung ứng

Trong chiến lược này, mục tiêu đến năm 2030 là giảm mức phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng ít nhất 15% so với năm 2023. Và đến năm 2050, giảm mức phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng ít nhất 30% so với năm 2023.

 

Từ đó, có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và khắt khe của khách hàng, đặc biệt là yêu cầu của các nhà sản xuất lốp xe, chế biến gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su,... cũng như đáp ứng các chính sách chỉ thu mua cao su thiên nhiên từ các công ty cam kết đảm bảo tính bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

 

Tiếp tục triển khai thực hiện các chứng nhận quốc gia và quốc tế về phát triển bền vững nhằm hướng đến mục tiêu doanh nghiệp cam kết cung ứng bền vững, có các chính sách truy xuất nguồn gốc minh bạch, hoàn chỉnh hệ thống quản lý và nâng cao chuẩn mực kinh doanh hội nhập quốc tế.

 

Đồng thời yêu cầu đối tác cung ứng áp dụng các quy trình tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đồng bộ hóa mục tiêu tăng trưởng xanh trong chuỗi cung ứng.

 

Liên quan chuỗi cung ứng, tập đoàn đặt mục tiêu đến năm 2030 có 60% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC/FSC...) và 100% nhà máy chế biến mủ cao su có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.

 

Đến năm 2050, toàn tập đoàn có 100% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC/FSC...) và 100% nhà máy sản xuất (mủ, gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su...) có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.

 

Ngoài ra, tùy tình hình thực tế và nhu cầu thị trường trong tương lai, tập đoàn sẽ nghiên cứu triển khai thực hiện các chứng nhận về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững phù hợp với điều kiện trong nước và bối cảnh quốc tế nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh.

 

Cập nhật liên tục và hoàn chỉnh các hệ thống quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thông qua các hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

 

Sẵn sàng từ cơ sở

Các quy định của EUDR ảnh hưởng trực tiếp đến 7 nhóm mặt hàng xuất khẩu vào châu Âu, trong đó có cao su. Sớm nhận biết vấn đề này, ngay từ lúc Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất EUDR vào giữa tháng 11/2021, Bộ NN-PTNT và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung giám sát, kiểm soát diện tích vùng trồng nhằm không gây mất rừng và làm suy thoái rừng.

 

Dựa trên định hướng này, Công ty TNHH MTV cao su Ea H'leo (Đắk Lắk) bước đầu thực hiện các biện pháp tích cực tại các vùng trồng nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Năm 2022, công ty hoàn thành chứng nhận FSC-CoC. Đây là chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm FSC, chứng minh doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến, kinh doanh… các sản phẩm có nguồn gốc từ rừng.

 

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cao su Ea H’leo chia sẻ: “Trước những yêu cầu ngày càng cao của thị trường, chúng tôi cam kết nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư để chinh phục thị trường khó tính”.

 

Theo ông Tuấn, công ty đã đề ra 3 giải pháp chính. Thứ nhất, phấn đấu nâng cao diện tích trồng cao su đạt các chứng nhận quản lý rừng bền vững như FSC, PEFC… Do đặc tính trắng đẹp, có thể làm được đồ nội thất cao cấp, gỗ cao su có thể nâng cao giá trị thêm khoảng 20% nếu có FSC. Cùng với đó, giá mủ cao su cũng sẽ tăng theo.

 

Biện pháp thứ hai của Công ty Cao su Ea H’leo là phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương, cụ thể là UBND tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện Ea H’leo. Trên cơ sở này, công ty sẽ tăng cường quản lý rủi ro liên quan tới các khía cạnh tuân thủ, hài hòa lợi ích đối với người dân bản địa trong các khâu của chuỗi cung ứng.

 

Cuối cùng, doanh nghiệp mong muốn tham gia sâu hơn vào hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đây cũng là định hướng của huyện Ea H’leo trong mục tiêu đưa địa bàn trở thành động lực tăng trưởng chính của tỉnh tại cửa ngõ phía bắc.

 

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Ea H'Leo, Đắk Lắk cho biết, địa phương có dư địa phát triển nông nghiệp rất tốt, đặc biệt là những cây công nghiệp vì có khoảng 80.000ha đất đỏ bazan.

 

"Vừa qua, khi châu Âu có quy định mới về các sản phẩm nông sản liên quan đến phá rừng hay xâm hại rừng (EUDR), địa phương đã nắm bắt và tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ cho bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp thu mua, chế biến", ông Nguyễn Văn Hà cho biết.

 

Cụ thể, huyện đề xuất các công ty thu mua không tiếp nhận các nông sản có nguồn gốc liên quan đến đất rừng. Tuy nhiên, để giúp bà con yên tâm sản xuất, huyện Ea H'Leo cũng đã có giải pháp để đảm bảo được quy định mới này của châu Âu.

Bình luận