Nơi Nghị định 98 của Chính phủ 'đi vào lòng dân'

Bình luận · 207 Lượt xem

Chuỗi liên kết sản xuất ở Tiền Giang bước đầu hiệu quả, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về nguồn lực tài chính lẫn kinh nghiệm xử lý các thủ tục dự án cần được khắc phục sớm.

Trên 1.300 nông hộ tham gia 29 chuỗi giá trị liên kết

Trong 5 năm (2018 - 2023), thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 98) về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nông nghiệp tỉnh Tiền Giang có 109 danh mục dự án hoặc kế hoạch liên kết (gọi chung là dự án) được phê duyệt.

 

Tính đến tháng 7/2023, có 29 dự án được triển khai, chủ yếu trên cây lúa (15 dự án), còn lại trên rau màu và chăn nuôi. Các chuỗi giá trị huy động 29 HTX nông nghiệp, 55 doanh nghiệp và 1.320 hộ nông dân tham gia liên kết. Đáng quan tâm, có đến 28 HTX làm chủ trì chuỗi liên kết.

 

Về quy mô, cây lúa có lợi thế lớn với diện tích bình quân gần 40ha với khoảng 50 nông hộ. Kế đến là cây ăn trái với diện tích bình quân 26ha cũng khoảng 50 nông hộ. Tiếp theo, cây rau màu với khoảng 17ha của 40 hộ. Cuối cùng là chăn nuôi với quy mô chỉ khoảng 10 hộ.

 

Các chủ thể liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hay có thêm cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào.

 

Mô hình liên kết điển hình có thể kể đến là liên kết sản xuất giống lúa ST24, Nàng hoa 9 theo hướng an toàn hữu cơ ở HTX Mỹ Quới (Cái Bè), quy mô 200 - 300 ha/năm. Ngoài ra còn có liên kết tiêu thụ lúa ở HTX Hòa Hưng (Gò Công Tây) với quy mô khoảng 35ha, liên kết tiêu thụ gà của HTX Chăn nuôi thủy sản Gò Công xây dựng thương hiệu gà ta Gò Công sản lượng 100.000 - 120.000 con/năm…

 

Ông Mai Văn Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hòa Hưng cho hay, trong liên kết, nông dân tham gia được hỗ trợ 4.750.000 đồng/ha lúa hàng hóa và 4.850.000 đồng/ha lúa giống. Bà con được hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác và bao tiêu 100% sản phẩm lúa cho Công ty Vinh Hiển và Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang với giá cao hơn thị trường từ 200 - 300 đồng/kg. Trong quá trình sản xuất, công ty đặt cọc trước cho nông dân 2 triệu đồng/ha, sau khi thu hoạch thanh toán hoàn lại tiền cọc.

 

“Nông dân sản xuất lúa theo yêu cầu thị trường, biết trước giá bán, tính toán được lãi của vụ sản xuất, không lo sợ về đầu ra tiêu thụ, không sợ chèn ép giá. Đây được xem là một chuỗi sản xuất theo kế hoạch tối ưu, là bước đầu cho việc thay đổi tư duy nhận thức của người dân, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, cơ chế trên cần được phát huy”, ông Mai Văn Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hòa Hưng đánh giá và khẳng định đây là Nghị quyết đi vào lòng dân.

 

Những khó khăn cần được tháo gỡ

Tổng nguồn vốn thực hiện hỗ trợ cho 29 dự án trên 107 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 19 tỷ đồng cho các hoạt động tư vấn xây dựng liên kết; xây dựng hạ tầng; khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm. Tuy nhiên, vì vướng nhiều khó khăn nên đến cuối năm 2022 mới giải ngân được gần 7 tỷ đồng.

 

Doanh nghiệp, HTX cho biết có nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án. Theo đó, chính sách hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết có tỷ lệ đối ứng cao (70%) nên nhiều chủ thể không có khả năng đối ứng. Các hỗ trợ theo Nghị định số 98 như hạ tầng, giống, vật tư, bao bì… được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu nên các chủ thể chưa nắm bắt hoặc không đủ năng lực để thực hiện được các thủ tục hồ sơ về đấu thầu, đầu tư xây dựng cũng như các thủ tục quyết toán. Tình hình dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp nên một số nơi xin dừng dự án.

 

Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH thương mại HK Green (TP Mỹ Tho) cho biết: “Dự án liên kết tiêu thụ lúa gạo của Công ty HK Green không thực hiện nội dung hỗ trợ đầu tư nhà xưởng do vướng trong thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Một số liên kết sản xuất lúa không thực hiện được do các địa phương chưa hỗ trợ”.

 

Ngoài ra, các chủ thể chưa nắm rõ nội dung, chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh Tiền Giang. Chủ thể là HTX nông nghiệp hoạt động trung bình, yếu, hoạt động liên kết trong sản xuất, tiêu thụ chưa ổn định… nên gặp khó khăn, ngán ngại trong triển khai lập dự án.

 

Về phía địa phương, công tác phối hợp giữa Phòng NN-PTNT và Phòng Tài chính huyện, thị xã chưa chặt chẽ, chưa chủ động trong việc hướng dẫn chủ thể triển khai lập dự án. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện chưa phát huy vai trò trong thực hiện nhiệm vụ tư vấn, viết dự án.

 

Quan trọng hơn, đầu ra sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định, thiếu doanh nghiệp liên kết tiêu thụ, phần lớn là các thương lái ở địa phương…

 

Tổ chức lại sản xuất, phát động hợp tác tiêu thụ

“Khi đại dịch xảy ra thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của liên doanh, liên kết. Vì vậy, cần tiếp cận các nguồn quỹ để tạo vốn phát triển sản xuất. Phát triển đặc sản Tiền Giang đang giảm sâu như vú sữa Lò Rèn, sơ ri Gò Công do làm ăn nhỏ lẻ. Cần tổ chức lại sản xuất, để phát động hợp tác, tiêu thụ…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng chia sẻ.

 

Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, giai đoạn 2021 - 2025 phải hoàn thành 109 dự án đã được phê duyệt, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 29 dự án được thực hiện. Thời gian tới, cần có sự phối hợp tốt của lãnh đạo các Sở, ngành liên quan. Phòng Kinh tế, Phòng NN-PTNT cần liên kết để sớm thực hiện. Đặc biệt, lãnh đạo địa phương cần quan tâm tháo gỡ khó khăn.

 

Ngành NN-PTNT sẽ tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về tinh thần hợp tác của người dân, cán bộ cơ sở về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

 

Ngoài ra, Sở NN-PTNT tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ HTX nông nghiệp nâng cao năng lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, đạt chất lượng, có truy xuất nguồn gốc và tham gia liên kết tiêu thụ theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra.

 

Cùng với đó, đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao cho cánh đồng liên kết sản xuất, đặc biệt là thiết kế lại đồng ruộng để thuận lợi cho cơ giới hóa. Triển khai các chính sách hỗ trợ theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm cho các sản phẩm (OCOP) có tham gia liên kết như trưng bày, quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, tham gia hoạt động số hóa, chống giả…

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho rằng, trong việc thực hiện các dự án còn khó khăn, vướng mắc cần sớm đưa ra định hướng, khắc phục. Nghị định 98 hết sức ý nghĩa và phù hợp với tình hình địa phương do đó ông đã chỉ đạo các Sở, ngành, UBND huyện tiếp tục nghiên cứu Nghị định 98 và các nghị quyết liên quan của UBND tỉnh, HĐND tỉnh. Các chủ thể tham gia dự án cần mở rộng liên kết.

 

Định hướng sắp tới, ông Phạm Văn Trọng cho biết, tỉnh Tiền Giang tiếp tục thực hiện Nghị định 98, các cơ quan chuyên môn, chủ lực là ngành NN-PTNT cần đánh giá lại những khó khăn để có hướng tháo gỡ do Nghị định ban hành từ 2018, có thể không phù hợp nên cần được kiến nghị, sửa đổi cho phù hợp…

Bình luận