Thành lập Viện Nghiên cứu đào tạo chăn nuôi Việt Nam - Hàn Quốc

Bình luận · 184 Lượt xem

Quá trình xây dựng, thành lập đơn vị này là một trong 5 hợp phần của dự án nâng cao nguồn nhân lực ngành chăn nuôi đầu tư tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Dự án “Chương trình nâng cao năng lực đào tạo cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhằm nâng cao nguồn nhân lực ngành chăn nuôi Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ bằng vốn ODA không hoàn lại, có tổng kinh phí hơn 13 triệu USD.

 

Năm hợp phần chính của dự án là: Cải tiến giáo dục bậc đại học thông qua tư vấn thể chế chính sách ngành chăn nuôi; Cải thiện chương trình giảng dạy và môi trường đào tạo, môi trường phòng thí nghiệm; Nâng cao năng lực cho giảng viên, cán bộ ngành chăn nuôi và nhân viên các cơ quan liên quan; Hỗ trợ sinh viên trong lĩnh vực khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm và kích hoạt liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp; Thành lập Viện Nghiên cứu đào tạo chăn nuôi Việt Nam - Hàn Quốc (VKLI) trực thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

 

Trong số này, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam rất tâm đắc với việc triển khai thành lập VKLI.

 

"Việc thành lập viện nghiên cứu đào tạo chăn nuôi sẽ là tiền đề để sinh viên Học viện Nông nghiệp khơi dậy niềm say mê nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, xứng đáng là những nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực chăn nuôi và toàn ngành nông nghiệp", bà cho biết.

 

Theo bà Lan, đào tạo nguồn nhân lực phải gắn với nghiên cứu khoa học. Bất cứ sinh viên nào bước vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam đều nằm lòng châm ngôn “Nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học”.

 

Do đó, trong nhiều năm qua, nhà trường luôn chú trọng tạo ra những công nghệ nguồn và cả những tiến bộ kỹ thuật, có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Viện nghiên cứu đào tạo chăn nuôi, vì thế, sẽ cụ thể hóa và giúp sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đến gần hơn với những gì đang diễn ra ngoài cuộc sống.

 

Sau khi thành lập ban quản lý dự án, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động của dự án đúng mục tiêu; đồng thời theo dõi, đánh giá tiến độ dự án và kết quả hoạt động hàng năm.

 

Triển khai đến năm 2030, dự án nâng cao nguồn nhân lực ngành chăn nuôi là dự án dài hạn bậc nhất, với nhiều hoạt động có ảnh hưởng sâu rộng đến công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao khoa học công nghệ, nghiên cứu chính sách trong lĩnh vực chăn nuôi.

 

Ông Kim Soo-ki, Giám đốc dự án phía Hàn Quốc cho biết, KOICA Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý các dự án ODA. Do đó, với dự án kéo dài 10 năm này (bao gồm cả thời gian khảo sát), ông hoàn toàn tin tưởng kết quả cuối cùng sẽ thành công tốt đẹp.

 

Ông Hong Ki-ok, Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam nhìn nhận, dự án nâng cao năng lực đào tạo cho chăn nuôi sẽ là tiền đề để khởi động, thúc đẩy các dự án, chương trình hợp tác tiếp theo giữa hai chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc.

 

Thay mặt Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thừa nhận, ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng của Việt Nam còn gặp nhiều thách thức.

 

Cụ thể, gồm chăn nuôi nông hộ còn chiếm tỷ lệ tương đối lớn, tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, giá trị xuất khẩu còn khiêm tốn so với tiềm năng, nguồn nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi mới tự chủ được một phần.

 

"Việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực chăn nuôi luôn là mục tiêu mà toàn ngành kiên trì hướng tới, nhằm thực hiện bằng được chiến lược phát triển chăn nuôi bền vững mà Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã đặt ra", ông Tuấn bày tỏ.

 

Ông Tuấn đánh giá, Hàn Quốc là quốc gia phát triển, là hình mẫu cho Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển và trong khu vực nghiên cứu, học hỏi các kinh nghiệm quý báu để tiến nhanh, tiến mạnh, tham gia sâu rộng vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Thông qua hợp tác trên nhiều lĩnh vực, kim ngạch thương mại hai chiều, cũng như vốn đầu tư ODA từ Hàn Quốc vào Việt Nam ngày càng tăng, theo ông Tuấn. Vụ trưởng chia sẻ: "Không chỉ quan hệ kinh tế mà quan hệ giữa người dân hai nước với nhau cũng ngày càng gần gũi, thể hiện qua số lượng khoảng 200 nghìn người Hàn Quốc đang sinh sống tại Việt Nam”.

 

Cho rằng Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ là trường đại học trọng điểm, đào tạo ra nhiều nhân lực chất lượng cao cho ngành, ông Tuấn chúc nhà trường tạo ra ngày một nhiều các sản phẩm cụ thể, có tính ứng dụng cao thông qua dự án. Đây sẽ là bước đi vững chắc, giúp các sản phẩm chăn nuôi "Made in Vietnam" đáp ứng được yêu cầu từ các thị trường khó tính, mở rộng con đường xuất khẩu.

Bình luận