Triển vọng hợp tác nông nghiệp Việt Nam - vùng Scotland

Bình luận · 199 Lượt xem

Cuộc họp giữa Bộ NN-PTNT và đoàn đối tác Scotland nhằm thảo luận, làm rõ các thủ tục về thương mại nông nghiệp và hợp tác trong khuôn khổ Quỹ đa dạng sinh học.

 

Sáng 4/10, tại Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tiếp và làm việc với ông Alister Jack, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vùng Scotland. Chuyến thăm của đoàn Scotland khẳng định tình hữu nghị giữa 2 nước ngày càng trở nên khăng khít, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam - Vương quốc Anh kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

 

Những năm qua, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) là "cú hích" thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa 2 nước. 

 

Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa giữa hai nước từ đầu năm 2021 đến nay tăng trưởng hơn 20%. Hiện Vương quốc Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam ra thế giới.

 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ: “Việt Nam hiện đứng 15 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Trong đó, 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hằng năm trên 3 tỷ USD là gạo, rau quả, thủy sản, hạt điều, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ. Nông, lâm, thủy sản là ngành duy nhất liên tục xuất siêu của Việt Nam”.

 

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề cao thương mại giữa Việt Nam - Vương quốc Anh, cho rằng thể chế nông nghiệp 2 nước đã luôn hỗ trợ lẫn nhau, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông báo với đoàn đối tác về kế hoạch của Bộ NN-PTNT hiện đang hoàn thành thủ tục để mở cửa thị trường thịt lợn, gia cầm từ Vương quốc Anh vào Việt Nam. Đồng thời mong muốn nước bạn nhanh chóng kiểm duyệt và nhập khẩu sản phẩm thịt gà, ức gà của Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhận định tiềm năng của ngành cà phê Việt Nam tiếp cận thị trường nước bạn. “Chúng tôi có hơn 700.000 ha trồng cà phê với năng suất cao nhất thế giới, gần 4 tấn/ha. Do đó, chúng tôi muốn giới thiệu sản phẩm này với Hiệp hội cà phê Vương quốc Anh, tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng cà phê nước bạn”, Thứ trưởng nói.

 

Dựa trên những thành tựu đạt được, hai nhà lãnh đạo đàm phán về khả năng tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp ngành hàng cà phê, thủy sản, thịt lợn, gà chế biến.

 

Tiếp nhận các ý kiến của Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vùng Scotland đồng ý về mở rộng, tìm hiểu thương hiệu cà phê Việt Nam. Ông Alister Jack cũng mong muốn được giới thiệu các sản phẩm cá hồi, thịt bò nổi tiếng thế giới. 

 

“Tôi cho rằng thương mại nông sản giữa Việt Nam - Vương quốc Anh đang ở thời kỳ đỉnh cao. Việc hai nước liên tục trao đổi các mặt hàng nông, lâm, thủy sản không chỉ phục vụ kinh tế mà còn thúc đẩy du lịch. Qua đó đa dạng hóa nguồn tiêu thụ trong nước, cung cấp thực phẩm cho nhiều phân khúc khách hàng”, lãnh đạo Scotland bày tỏ.

 

Ông mong muốn thêm tìm hiểu các thủ tục liên quan để xuất khẩu thủy sản vùng Scotland sang Việt Nam. Đồng thời cam kết sẽ sớm phản hồi về quy trình nhập khẩu sản phẩm gia cầm của Việt Nam vào Vương quốc Anh.

 

Bộ trưởng Alister Jack cho rằng, Hiệp định UKVFTA, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hứa hẹn tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Đây là tiền đề cho trao đổi trong tương lai về xây dựng thể chế, chính sách; chuyển giao công nghệ trong quá trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững…

 

 

Về vấn đề hợp tác trong khuôn khổ Quỹ đa dạng sinh học ký kết giữa hai Bộ trưởng Nông nghiệp tháng 4/2023, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cam kết sẽ bố trí nguồn lực thích hợp, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp sát sao. Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ thành lập Ban chỉ đạo để phối hợp, triển khai thực hiện Bản ghi nhớ.

 

Đối tác Scotland đề cao cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ông nói: "Nông nghiệp là một lĩnh vực thực sự quan trọng của hai quốc gia. Hội nghị COP26 đã mở ra nhiều cơ hội để chúng ta cùng nhau xây dựng chính sách nông nghiệp bền vững. Đây là điều thiết thực để giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu".

 

Quỹ đa dạng sinh học nhằm giúp khu vực ĐBSCL đạt các mục tiêu giảm nghèo; giảm tình trạng mất đa dạng sinh học; giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ đem lại nguồn lực quan trọng cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông nói riêng và Việt Nam nói chung.

 

Quỳnh Chi

Bình luận