Vực dậy mặt hàng thanh long [Bài 1]: Không còn 'một mình một chợ'

Bình luận · 206 Lượt xem

Thanh long là một trong những cây ăn quả chủ lực, có thế mạnh của Việt Nam. Thế nhưng từ năm 2022, thanh long Việt Nam đã rời khỏi vị trí mặt hàng tỉ đô.

Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn

Thời kỳ đỉnh cao về sản xuất thanh long cả về diện tích và sản lượng của nước ta đã qua, đồng thời sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt với các nước khác. Nhất là khi Ấn Độ đang trồng 50.000ha thanh long; các nước Nam Mỹ cũng tăng diện tích trồng thanh long, đặc biệt Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất của thanh long Việt Nam cũng đã trồng thanh long với diện tích 67.000ha và có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

 

 

Năm 2010, giá trị xuất khẩu của thanh long Việt Nam chỉ có 57,15 triệu USD thì đến năm 2017 là 1,1 tỷ USD và năm 2018 đạt xấp xỉ 1,3 tỷ USD (đây là năm xuất khẩu cao điểm nhất). Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, kim ngạch xuất khẩu thanh long đã chững lại. Tính đến tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam chỉ đạt hơn 400 triệu USD.

 

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây ăn quả và Cây công nghiệp (Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện toàn thế giới có 140.000 - 145.000ha thanh long, trong đó Trung Quốc có 67.000ha (chủ yếu là thanh long ruột đỏ); Việt Nam 55.000ha (thanh long ruột trắng, ruột đỏ); Indonesia 4.300ha (trắng và đỏ); Ấn Độ 3.00ha… Tuy nhiên, Ấn Độ đã tuyên bố trong 5 năm tới sẽ tăng diện tích thanh long lên 50.000ha (tương đương 1,2 triệu tấn).

 

Ông Trần Đại Nghĩa, Trưởng Bộ môn Kinh tế - Tài nguyên môi trường (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn) nêu những nút thắt cơ bản của thanh long Việt Nam: Chất lượng không ổn định, chủ yếu là sản phẩm tươi (hơn 90%); diện tích thanh long đạt chuẩn GAP, GlobalGAP, hữu cơ… còn thấp; công nghệ bảo quản thanh long tươi để vận chuyển bằng đường biển hoặc đi xa còn hạn chế; thiếu các cơ sở chiếu xạ, nén hơi theo các yêu cầu của thị trường Hoa Kỳ, Hồng Kông…

 

Bên cạnh đó, công nghệ chế biến thanh long Việt Nam còn khá đơn giản, đặc biệt khâu liên kết yếu, quy mô sản xuất nhỏ, liên kết ngang chưa phát triển, ít mô hình liên kết bao tiêu các sản phẩm giữa nông dân và các chủ thể khác như HTX, doanh nghiệp. Bao tiêu sản phẩm chủ yếu qua thương lái, khâu thu hái, tiếp cận thị trường còn hạn chế, doanh nghiệp chưa quan tâm mở rộng thị trường và thúc đẩy tiêu thụ, đặc biệt là thị trường nội địa. "Tiêu thụ nội địa với thị trường 100 triệu dân còn yếu, trong khi xuất khẩu phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc”, ông Nghĩa nói.

 

"Thủ phủ" thanh long Bình Thuận tụt diện tích

Tiền Giang hiện có trên 10.000ha thanh long ruột trắng, đỏ, vàng, trong đó đa số là thanh long ruột trắng. Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng, vùng ĐBSCL nói chung, Tiền Giang nói riêng là tỉnh dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, vì vậy cần phải có giải pháp tăng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu cho sản xuất trồng trọt nói chung, cây thanh long nói riêng.

 

Các HTX sản xuất, kinh doanh thanh long của tỉnh Bình Thuận giới thiệu các sản phẩm từ thanh long với lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các tổ chức quốc tế. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các HTX sản xuất, kinh doanh thanh long của tỉnh Bình Thuận giới thiệu các sản phẩm từ thanh long với lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các tổ chức quốc tế. Ảnh: Nguyễn Thủy.

 

“Mong Bộ NN-PTNT, các tổ chức quốc tế đưa ra những khuyến cáo, khuyến nghị dài hơn, xa hơn, sâu hơn về biến đổi khí hậu. Đồng thời, có hệ thống thông tin dự báo, cảnh báo, khuyến cáo về thị trường, đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác chia sẻ thông tin, kể cả góp ý cho sự phát triển của các địa phương, nhất là các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL. Việc ứng dụng khoa học công nghệ doanh nghiệp và người dân làm rất nhanh, nhưng dự báo thì họ không làm được”, ông Trọng nói 

 

Là một trong những địa phương có diện tích thanh long lớn nhất nước, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, tình hình phát triển thanh long của Bình Thuận cũng có nhiều khó khăn từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vì vậy, hiện nay Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phải xây dựng lại đề án phát triển thanh long bền vững đến năm 2030.

 

Đến cuối năm 2020, diện tích thanh long Bình Thuận là 33.000ha, tuy nhiên do Covid-19 và các cửa khẩu phía Bắc khó khăn trong xuất khẩu nên đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của bà con. Từ năm 2022 đến nay, diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh giảm xuống chỉ còn 27.000ha.

 

Cũng theo ông Tấn, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp cùng với các HTX, địa phương trên địa bàn đã tổ chức sản xuất được trên 10.000ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP và 400ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cho các HTX. Hiện toàn tỉnh có 502 tổ hợp tác và 35 HTX thanh long.  

 

Tiềm năng thị trường 100 triệu dân còn bỏ ngỏ

Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, hiện tỉnh đang cố gắng rà soát, hoàn thiện lại đề án phát triển thanh long bền vững đến năm 2030, đồng thời tập trung giữ vững thương hiệu thanh long Bình Thuận và mở rộng thêm thị trường tiêu thụ, kể cả thị trường nội địa.

 

Bà Trần Thanh Bình, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu hàng Nông lâm thủy sản (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương) cho biết, sản lượng thanh long của nước ta hàng năm từ 1,2 - 1,4 triệu tấn, trong đó 80 - 85% phục vụ cho xuất khẩu; còn lại 15 - 20% sản lượng tiêu dùng trong nước (tương đương khoảng 200.000 - 300.000 tấn) thông qua các hệ thống siêu thị, cửa hàng, chợ và cung cấp cho các nhà máy chế biến.

 

Tuy nhiên, bà Bình đánh giá, việc tiêu thụ sản phẩm từ thanh long ở thị trường nội địa chưa nhiều so với các mặt hàng trái cây khác. Chính vì vậy, còn nhiều tiềm năng đối với sản phẩm thanh long từ thị trường hơn 100 triệu dân Việt Nam mà chúng ta đang bỏ ngỏ.

 

Ông Nguyễn Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, thanh long Việt Nam đứng trước sự cạnh tranh gay gắt với chính nước nhập khẩu Trung Quốc. “Đây là cuộc chiến không cân sức giữa thanh long Việt Nam và thanh long Trung Quốc ngay tại thị trường Trung Quốc. Các nhà sản xuất của chúng ta bị mất niềm tin, mất phương hướng. Vì vậy, diện tích trồng thanh long của Việt Nam sụt giảm nhanh. Bà con nông dân đang thay thế cây thanh long bằng những loại cây khác, nhất là cây sầu riêng…”, ông Bình nói.

 

Do đó, vấn đề cốt lõi hiện nay theo ông Bình là cần tập trung tổ chức lại sản xuất thanh long đi vào chiều sâu trên diện tích còn lại, không mở rộng thêm diện tích mới và không thay thế bằng các cây trồng khác. Khi tổ chức lại sản xuất, phải có quy trình bài bản và có quy hoạch, tuân thủ quy định của các thị trường như đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ cao, giảm phát thải, tiến tới sản xuất sạch, tuần hoàn, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao.

 

"Cần cải thiện khả năng cạnh tranh của thanh long Việt Nam trong bối cảnh phải cạnh tranh với các sản phẩm của nước nhập khẩu bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm và tận dụng thời gian Trung Quốc không sản xuất được thanh long trong năm.

 

Song song đó, tìm thị trường mới cho thanh long và đa dạng hóa các sản phẩm từ thanh long cho các thị trường như Hoa Kỳ, châu Âu. Mặt khác, nhà nước phải đầu tư, kêu gọi đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở các vùng sản xuất tập trung để hỗ trợ cho việc sản xuất nông nghiệp nói chung và trái cây nói riêng, trong đó có cây thanh long...", ôn Nguyễn Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói.

Nguyễn Thủy

Bình luận