Xuất hiện dịch lở mồm long móng tại vùng biên

Bình luận · 229 Lượt xem

ĐỒNG THÁP Tại vùng biên giới xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) xuất hiện ổ dịch lở mồm long móng trên đàn bò khiến nhiều vật nuôi bị chết.

 Anh Giang Văn Lý, xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng đang chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

 Anh Giang Văn Lý, xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng đang chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bò chết do chưa tiêm vacxin

Đàn bò của anh Giang Văn Lý, ở xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng mắc bệnh lở mồm long móng, hiện 3 con đã bị chết. Anh Lý cho biết, hàng ngày, đàn bò 15 con của anh được chăn thả ngoài đồng ruộng, đến chiều tối mới lùa về nhốt chung trong chuồng. Cuối tháng 9 vừa qua, đàn bò của anh bị chết một con bê (bò con).

Thấy vậy, anh Lý không thả bò ngoài đồng nữa mà nuôi nhốt trong chuồng để phòng bệnh lở mồm long móng. Tuy nhiên, sau đó trong cùng một ngày, đàn bò tiếp tục chết thêm 2 con nữa. Khi đó, anh mới phát hiện đàn bò của mình mắc bệnh lở mồm long móng với các triệu chứng như chảy nước mũi, nước dãi, viêm và hở móng, thể trạng bò ngày càng gầy, đi lại không vững.

Cách đó không xa, đàn bò 17 con của anh Lưu Văn Tiền ở cùng xã Tân Công Chí với anh Lý cũng chăn thả ngoài đồng ruộng tự ăn cỏ. Gần đây, anh Tiền nhận thấy đàn bò xuất hiện các triệu chứng của bệnh lở mồm long móng, anh Tiền đã liên hệ cơ sở kinh doanh thuốc thú y đến tiêm thuốc, hỗ trợ điều trị. Tuy nhiên, đàn bò của anh vẫn bị chết 3 con, trị giá khoảng 30 triệu đồng.

“Được sự hỗ trợ của nhân viên thú y xã Tân Công Chí, tôi thực hiện tiêu hủy 3 con bò đã chết để hạn chế lây lan bệnh. Các con bò còn lại được tích cực hỗ trợ điều trị, đến nay, tình hình cơ bản ổn và dần bình phục sức khỏe”, anh Tiền cho hay.

Trong tháng 9 vừa qua có 10 hộ nuôi bò ở xã Tân Công Chí với tổng đàn hơn 140 con xuất hiện triệu chứng của bệnhlở mồm long móng, trong đó có 14 con đã chết. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong tháng 9 vừa qua có 10 hộ nuôi bò ở xã Tân Công Chí với tổng đàn hơn 140 con xuất hiện triệu chứng của bệnhlở mồm long móng, trong đó có 14 con đã chết. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trên địa bàn xã Tân Công Chí, tổng đàn trâu, bò có hơn 1.500 con với 328 hộ chăn nuôi. Cùng với anh Lý, anh Tiền, trên địa bàn xã này, nhiều hộ chăn nuôi khác cũng có bò bị chết do mắc bệnh lở mồm long móng.

Trước tình hình hình này, chính quyền địa phương và ngành chức năng đang tăng cường công tác phòng, chống bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc, tránh bùng phát, lây lan diện rộng. 

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, trong tháng 9 vừa qua có 10 hộ nuôi bò ở xã Tân Công Chí với tổng đàn hơn 140 con xuất hiện triệu chứng của bệnh lở mồm long móng, trong đó có 14 con đã chết, đa số là dưới 8 tháng tuổi và từ 12 - 24 tháng tuổi. Các con bò chết có tổng trọng lượng gần 1 tấn, đã được tiêu hủy, sát trùng theo quy định.

Tính đến thời điểm hiện tại, số bò trên địa bàn của xã đã gần hết bảo hộ miễn dịch. Trong đó, số bê dưới 8 tháng tuổi chết chưa được tiêm phòng bệnh lở mồm long móng (do chưa đến tuổi tiêm). Bên cạnh đó, phương thức chăn nuôi thả rông ngoài đồng ruộng sau thu hoạch và ban đêm nhiều đàn bò được nhốt chung trong một khu vực, không có phương pháp kiểm soát dịch bệnh, nguồn thức ăn, nước uống cũng góp phần khiến dịch lây lan.

Mặc khác, khu vực chăn thả cách khu nuôi nhốt trên 10km, trong khi thời tiết trong ngày rất khắc nghiệt, nắng mưa thay đổi bất thường. Hàng ngày, đàn bò phải di chuyển trên quãng đường dài nên bò bệnh sẽ gặp thêm nhiều bất lợi như không theo kịp đàn, không ăn cỏ.

Những con bò đã nhiễm bệnh, nhất là đối với những con có biểu hiện bệnh tích mụn rộp, hoặc các mụn rộp bị bong ra ở miệng, mũi, kẻ móng với điều kiện chăm sóc không tốt thiếu kiểm soát sẽ dễ dẫn đến nhiễm trùng, không tiếp cận được thức ăn, không bú sữa mẹ do các mụn rộp gây ra đau đớn.

Phương thức chăn nuôi thả rông ngoài đồng ruộng sau thu hoạch lúa và ban đêm thì nhiều đàn bò được nhốt chung trong một khu vực, không có phương pháp kiểm soát dịch bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Phương thức chăn nuôi thả rông ngoài đồng ruộng sau thu hoạch lúa và ban đêm thì nhiều đàn bò được nhốt chung trong một khu vực, không có phương pháp kiểm soát dịch bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tổ trưởng Tổ Thú y huyện Tân Hồng, Đỗ Thanh Ngọc cho biết, sau khi nhận được tin báo của người dân về việc bò chết, Phòng NN-PTNT phối hợp cùng Tổ Thú y huyện, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và UBND xã Tân Công Chí tiến hành kiểm tra, xác minh tình hình dịch bệnh. Đa số bò chết là bò con nhiễm vi rút lở mồm long móng, chưa được tiêm vacxin phòng bệnh do chưa đến tuổi tiêm phòng.

Ông Đỗ Thanh Ngọc cho biết thêm, ngành thú y phối hợp cùng địa phương, nhân viên thú y của xã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện cách ly những con bò mắc bệnh. Tích cực theo dõi, chăm sóc kỹ đàn bò, tiêm thuốc, bôi thuốc hỗ trợ điều trị bệnh.

Bên cạnh đó tiêu độc, sát trùng chuồng trại… Đến nay, tình hình bệnh lở mồm long móng trên đàn bò tại xã Tân Công Chí cơ bản ổn và không lây lan. Một số hộ có bò còn mắc bệnh nhưng đã giảm nhiều về triệu chứng.

Thực hiện tốt 5 không

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2023 đến nay, đây là ổ dịch bệnh lở mồm long móng đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh, do một số nguyên nhân như: các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và áp dụng tốt chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học.

Đặc biệt, gần đây thời tiết trong ngày rất khắc nghiệt, nắng mưa thay đổi đột ngột làm suy giảm sức đề kháng của bò, tạo điều kiện thuận lợi cho virus lở mồm long móng xâm nhập. Ngoài ra, chăn nuôi theo phương thức thả ngoài đồng ruộng, không có biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nguồn thức ăn, nước uống, chuồng trại chưa đảm bảo vệ sinh thú y.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi tỉnh đánh giá: Bệnh lở mồm long móng là loại bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm do virus gây ra trên động vật móng guốc chẵn như trâu, bò, heo...

Bệnh lây theo đường tiêu hóa và hô hấp qua nhiều con đường khác nhau do thức ăn, nước uống có nhiễm mầm bệnh, hít thở không khí có mầm bệnh, tiếp xúc trực tiếp giữa động vật đang mắc bệnh với động động chưa mắc bệnh. Vì vậy, trong thời gian tới, dịch bệnh lở mồm long móng có khả năng lây lan trên diện rộng.

Để hạn chế bệnh lở mồm long móng, ngành chức năng khuyến cáo, người chăn nuôi thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, mua con giống khỏe mạnh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để hạn chế bệnh lở mồm long móng, ngành chức năng khuyến cáo, người chăn nuôi thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, mua con giống khỏe mạnh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để hạn chế lây lan cũng như thiệt hại vì bệnh lở mồm long móng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi tỉnh Đồng Tháp khuyến cáo, người chăn nuôi thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, mua con giống khỏe, biết rõ nguồn gốc từ vùng không có dịch bệnh.

Chuồng trại phải đảm bảo vệ sinh thú y, thường xuyên quét dọn sạch sẽ, định kỳ tiêu độc, khử trùng. Kết hợp chăm sóc nuôi dưỡng tốt, khẩu phần thức ăn gia súc phải đầy đủ thành phần dinh dưỡng cần thiết cho từng giai đoạn phát triển.

Bên cạnh đó, tuân thủ nghiêm quy trình tiêm phòng bắt buộc vacxin lở mồm long móng, nuôi cách ly gia súc mắc bệnh. Đồng thời, người chăn nuôi phải thực hiện tốt 5 không: Không giấu dịch bệnh, không bán chạy gia súc bị bệnh, không vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc bị bệnh, không ăn thịt gia súc bệnh, chết hoặc không rõ nguồn gốc và không vứt xác gia súc chết ra ngoài môi trường xung quanh, phải tiêu hủy theo quy định của Nhà nước.

Khuyến cáo của Cục Thú y

Từ các thông tin nêu trên Chi cục Thú y vùng 7 (Cục Thú y - Bộ NN-PTNT), kết luận nguyên nhân chủ yếu gây cho bò chết tại các hộ chăn nuôi ở xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp là do nhiễm bệnh lở mồm long móng và chăm sóc kém.

Chi cục Thú y vùng 7 đề xuất, UBND xã Tân Công Chí cử nhân viên thú y theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn bò tại địa phương, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh, hướng dẫn người chăn nuôi chăm sóc, điều trị đối với những con bệnh chưa qua khỏi triệu chứng.

Đồng thời, hỗ trợ hướng dẫn nhân viên thú y phác đồ điều trị, chăm sóc đối bò bệnh hoặc khuyến cáo tiêu hủy toàn bộ con bệnh. Hướng dẫn tiêm phòng bao vây ổ dịch, cấp phát thêm thuốc sát trùng và thuốc diệt côn trùng cho người chăn nuôi. Khuyến khích người chăn nuôi không nên dấu bệnh, báo cáo kịp thời nhân viên thú y xã để có giải pháp hỗ trợ. Hướng dẫn người chăn nuôi khâu chăm sóc nuôi dưỡng như bổ sung thêm cỏ non vào ban đêm, bổ sung thêm các vitamin, khoáng vào thức ăn cho vật nuôi nhằm gia tăng sức đề kháng để đối phó với các yếu tố bất lợi.

Đối với những cá thể bò đang mắc bệnh phải nuôi nhốt tại chỗ theo dõi, chăm sóc kỹ, cho ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, sát trùng vết thương. Đối với bê còn bú mẹ cần tăng cường cho uống thêm sữa ngoài hoặc vắt sữa mẹ cho uống. Hạn chế thả rông đàn gia súc vào thời điểm trưa, nắng nóng.

Bình luận