Quảng Ninh dành hơn 6.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Bình luận · 210 Lượt xem

Trong hơn 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành hơn 6.000 tỷ đồng cho các xã vùng cao, vùng khó khăn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Vùng 5 "nhất" vươn mình làm kinh tế

Trước đây, các huyện khu vực miền đông của tỉnh Quảng Ninh như Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà vẫn được gọi là vùng 5 nhất: điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, kinh tế phát triển chậm nhất, chất lượng nhân lực thấp nhất, thu nhập thấp nhất và có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. 

 

Theo đó, nông, lâm nghiệp là sinh kế chính nhưng hầu hết các địa phương trên đều thiếu tư liệu sản xuất, chưa biết áp dụng khoa học công nghệ vầ tâm lý ngại thay đổi khiến cái nghèo cứ dai dẳng, đeo bám cuộc sống người dân nơi đây. Việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất là một trong những yếu tố quan trọng làm thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp.

 

Hơn 10 năm trước, ông Lý Văn Diểng là một trong những cán bộ đầu tiên được tăng cường về thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo tại xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên), một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ninh. Ông Diểng đã từng bước vận động người dân ở Hà Lâu mạnh dạn thực hiện mô hình nuôi gà, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

 

“Chúng tôi đã họp cấp ủy và thống nhất đưa mô hình gà vào để thúc đẩy giảm nghèo. Lúc đó, 2/3 ban chấp hành không đồng tình, có những ý kiến cho rằng chăn nuôi gà hay bị dịch bệnh thì còn nghèo nữa. Đó chính là rào cản lớn cần phải vượt qua vào thời điểm bấy giờ”, ông Diểng bộc bạch.

 

Nhờ sự kiên trì của ông Diểng, giờ đây, xã Hà Lâu từ vùng đất không có trang trại gà giờ trở thành xã đi đầu về nuôi gà cả về quy mô và số lượng đàn. Đặc biệt, ông Diểng đã sáng tạo ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để sản xuất giống và phát triển gà Tiên Yên, nay trở thành một trong những sản phẩm OCOP nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh. Hà Lâu hôm nay đã là xã nông thôn mới với thu nhập bình quân đầu người gần 64 triệu đồng/người/năm.

 

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có trên 500 sản phẩm OCOP, với 219 cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia. Trong đó, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo có 116 sản phẩm tham gia chương trình, với 60 cơ sở và có 39 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao.

Hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới

Theo thống kê hơn 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành hơn 6.000 tỷ đồng cho các xã vùng cao, vùng khó khăn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Có thời điểm, tổng ngân sách đầu tư cho 1 xã gấp 7 lần yêu cầu của Trung ương. Đây được xem là "đòn bẩy" để Quảng Ninh thực hiện thành công đề án 196, đưa 100% xã vùng cao ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, là bước đệm quan trọng để Quảng Ninh tiến thêm bước xa hơn về giảm nghèo bền vững. 

 

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, vận động một cách khéo léo cùng với những chính sách, chủ trương trúng và đúng trong việc giảm nghèo cũng là "bệ đỡ" tiếp sức cho người dân thay đổi nhận thức, phát huy ý thức tự lực trong phát triển kinh tế.

 

Cũng trong khoảng thời gian hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, 500 hộ gia đình, phần lớn là của các hộ người Tày, Nùng, Dao đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tỉnh Quảng Ninh đã gửi đơn xin thoát nghèo. Những lá đơn ấy phần nào thể hiện ý chí, nghị lực và sự thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, tỉnh đã kiên trì thực hiện chủ trương lấy đầu tư công kích hoạt các nguồn vốn xã hội từ các thành phần kinh tế khác. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách xây dựng NTM.

 

Cùng với đó, đổi mới tư duy gắn kết chặt chẽ, hài hoà phát triển giữa đô thị với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng; giữa phát triển công nghiệp - dịch vụ với phát triển nông nghiệp. 

Bình luận