Lấy ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ là hoạt động thiết thực, quan trọng

Bình luận · 199 Lượt xem

Ủy ban Trung ương (UBTƯ) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa

Các đại biểu dự họp đã tập trung nêu ý kiến về những giải pháp cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát triển khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng với yêu cầu mới; đi sâu phân tích về tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức từ những nội dung, vấn đề cụ thể làm cơ sở cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng nghiên cứu, nghiệm thu, sửa đổi...

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ, hội nghị lấy ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV là hoạt động thiết thực, quan trọng, góp phần giúp Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến sâu sắc để hoàn thiện báo cáo của Đoàn Chủ tịch gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

 

Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, hằng năm, trước mỗi kỳ họp của Quốc hội, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để gửi đến kỳ họp của Quốc hội.

 

Thời gian qua, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành kế hoạch tổng hợp ý kiến của cử tri, nhân dân cả nước để xây dựng báo cáo gửi đến Quốc hội. Trong kế hoạch tổ chức lắng nghe, lấy ý kiến cử tri và nhân dân, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có văn bản gửi đến các tổ chức thành viên để tổ chức lấy ý kiến của đoàn viên, hội viên của tổ chức mình.

 

Bà Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, đây là các kênh quan trọng giúp UBTƯ MTTQ Việt Nam tổng hợp được nhiều ý kiến mang tầm vĩ mô, thể hiện những mong muốn, kiến nghị của nhân dân cả nước, trong đó Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là một trong những tổ chức có đóng góp quan trọng đối với MTTQ Việt Nam trong việc hoàn thiện báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến Quốc hội.

 

Ý kiến của đa số các đại biểu cho rằng, cần nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Bên cạnh đó cần sớm ban hành Luật về hội, cần có quy định giao cho tổ chức hội chức năng như cấp giấy chứng chỉ hành nghề, giám sát nghề nghiệp; tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín.

 

Hội nghị cũng tiếp tục ghi nhận được nhiều ý kiến sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam và các địa phương để tiếp tục hoàn thiện báo cáo gửi đến Quốc hội.

 

Với mong muốn báo cáo của Đoàn Chủ tịch phải thể hiện được tâm tư, nguyện vọng, góp ý sâu sắc, xác đáng của các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là đội ngũ trí thức sẽ rà soát, tham gia đóng góp để Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam có thêm cơ sở, luận cứ hoàn thiện báo cáo, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của pháp luật khi được triển khai.

 

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, sau hội nghị này, lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sẽ đôn đốc việc hoàn thiện báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức gửi tới UBTƯ MTTQ Việt Nam để tiếp thu, hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội, góp phần vào thành công của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sắp tới.

 

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, Liên hiệp Hội sẽ tiếp thu những ý kiến tại hội nghị, tổng hợp và gửi báo cáo tới UBTƯ MTTQ Việt Nam để góp thêm nhiều ý kiến vào nội dung báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi tới Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Bình luận