Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Bình luận · 209 Lượt xem

Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ nhằm hoàn thiện thể chế về khoa học, công nghệ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động khoa học,

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Luật KH&CN được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18/6/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 bao gồm 11 Chương, 81 Điều. Luật KH&CN được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 28/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.

 

Qua thực tiễn gần 10 năm thi hành, Luật KH&CN đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KH&CN. Hành lang pháp lý về KH&CN ngày càng hoàn thiện theo hướng gắn kết và phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng; các quy định về tổ chức KH&CN, trọng dụng, sử dụng cá nhân hoạt động KH&CN, quản lý nhiệm vụ KH&CN được hoàn thiện; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường hội nhập quốc tế. 

 

Một số tồn tại, bất cập của Luật KH&CN

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Luật KH&CN cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc do một số quy định của Luật không còn phù hợp với thực tiễn hoặc chưa phù hợp với quy định của các luật có liên quan, dẫn đến chưa có tác dụng thúc đẩy phát triển KH&CN với vai trò là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. 

 

Một số tồn tại, bất cập của Luật KH&CN có thể kể đến như: quy định về tổ chức KH&CN công lập chưa thể hiện khả năng tự chủ của tổ chức, hiệu quả hoạt động còn chưa tương xứng; quy định về các chức danh về KH&CN chưa đầy đủ và phù hợp với thực tiễn để có chính sách phù hợp đối với đối tượng hoạt động KH&CN gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp; quy định về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN chưa đầy đủ; quy định về tổ chức, triển khai nhiệm vụ KH&CN còn phức tạp...

 

Đồng thời, Luật KH&CN cũng chưa có quy định liên quan đến quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

 

Vì vậy, để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ảnh hưởng ngày càng sâu rộng đến các lĩnh vực, đặc biệt là KHCN và đổi mới sáng tạo thì việc sửa đổi, bổ sung Luật KH&CN trên cơ sở tiếp tục phát huy các điểm mới, tiến bộ và khắc phục các vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo là hết sức cần thiết.

 

Đề xuất 6 chính sách

Bộ KH&CN đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN với 6 chính sách sau:

 

Chính sách 1: Hoàn thiện quy định về thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức KH&CN, tăng cường quản lý và nâng cao vai trò của tổ chức KH&CN.

 

Chính sách 2: Hoàn thiện quy định về cá nhân hoạt động KH&CN; bổ sung quy định về chức danh công nghệ và các ưu đãi kèm theo để tạo động lực cho đội ngũ cán bộ KH&CN. 

 

Chính sách 3: Hoàn thiện quy định về nhiệm vụ KH&CN.

 

Chính sách 4: Sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 

Chính sách 5: Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 

Chính sách 6: Hoàn thiện quy định về hội nhập quốc tế về KH&CN.

Bình luận