Ngành chăn nuôi dịch chuyển: Rào cản đất đai và nhỏ lẻ

Bình luận · 199 Lượt xem

Ban hành loạt chính sách hỗ trợ với quyết tâm đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, mặc dù vậy cuộc đại di dời ở Vĩnh Phúc đang gặp nhiều rào cản.

Không có đất cho chăn nuôi

Tháng 8/2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, những tồn tại, hạn chế của ngành chăn nuôi trên quê hương khoán hộ được chỉ rõ.

 

Đó là tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, nằm xen kẽ trong khu dân cư, quy mô chăn nuôi nông hộ là chủ yếu, vấn đề xử lý môi trường trong chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, chưa có diện tích dành cho chăn nuôi được quy hoạch cụ thể…

 

Chính vì vậy, một trong những trọng tâm của đề án chăn nuôi ở Vĩnh Phúc là rà soát, bổ sung quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 

Tập trung phát triển những loại vật nuôi chủ lực có lợi thế như lợn, bò, gia cầm. Chuyển dịch chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, hàng hóa. Phấn đấu đến năm 2025, chăn nuôi bò sữa quy mô trang trại chiếm 75% tổng đàn, bò thịt chiếm 10%, lợn chiếm 55% và gia cầm chiếm 60% so với tổng đàn...

Ngay sau khi có đề án phát triển, tháng 12/2022, Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi trên địa bàn.

 

Hay mới đây nhất, hồi tháng 5/2023 khi ban hành quy định về một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đưa các chính sách hỗ trợ người dân tự nguyện dừng hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư tại những nơi thực hiện xây dựng mô hình để người dân có thể đi thuê chuồng trại chăn nuôi tại các khu vực được phép chăn nuôi để tiếp tục sản xuất.

 

Một cuộc cách mạng ở Vĩnh Phúc với quyết tâm di dời chăn nuôi nông hộ đến các cơ sở tập trung, dần xoá bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, thực tế đang gặp không ít những khó khăn.

 

Vĩnh Tường là huyện có điều kiện thuận lợi về bãi chăn thả với diện tích lớn đất bãi ven sông Hồng cùng với truyền thống chăn nuôi bò sữa tập trung tại các xã Vĩnh Thịnh, An Tường, Vĩnh Ninh, Bình Dương… Diện tích đất chăn nuôi của huyện cũng đứng đầu tỉnh Vĩnh Phúc với khoảng hơn 353ha tại 16 xã, thị trấn.

 

Từ nhiều năm trước, huyện Vĩnh Tường đã có số lượng bò sữa chiếm tỷ trọng hơn 90% của tỉnh Vĩnh Phúc nhưng phần lớn chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Tường đều nằm trong các khu dân cư nên môi trường bị ô nhiễm luôn là bài toán nan giải. Cả tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Vĩnh Tường từng có đề án, cơ chế chính sách để chuyển chăn nuôi bò sữa trong khu dân cư ra vùng chăn nuôi tập trung nhưng chưa triệt để.

Tại các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, những nơi có đàn bò sữa nhiều nhất, UBND huyện Vĩnh Tường đã tập trung chỉ đạo rà soát, tìm quỹ đất để xây dựng đề án di dời các hộ chăn nuôi có quy mô từ 10 con bò sữa trở lên ra khỏi khu dân cư trong năm 2023.

 

Mặc dù vậy, khi bàn đến mục tiêu này, bà Lê Thị Lý, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Tường nói, chắc chắn không thể hoàn thành.

 

Cũng trong năm nay, khi thực hiện xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu, cả huyện Vĩnh Tường có 4 thôn được lựa chọn để làm thí điểm của tỉnh, trong đó cũng dự kiến xây dựng 4 khu chăn nuôi tập trung nhằm đảm bảo theo các tiêu chí, tuy nhiên vướng nhất vẫn lại là đất đai.

Đất đai các xã chăn nuôi bò sữa ở ngoài bãi chủ yếu là đất 95%, đất 5%, đất nhỏ lẻ của người dân. Người có đất không có nhu cầu chăn nuôi và ngược lại. Thành thử, để xây dựng được khu chăn nuôi tập trung ở Vĩnh Tường khá khó khăn”, bà Lý chia sẻ.

 

Hộ nuôi bò sữa nhiều nhất ở xã Vĩnh Ninh là gia đình anh Phan Dương Linh ở thôn Hậu Lộc với quy mô hiện có 120 con. Anh Linh nói rằng, nghề nuôi bò sữa hiện nay đem lại giá trị kinh tế cao, với điều kiện như các xã ven sông Hồng ở Vĩnh Tường không có cây gì, con gì sánh bằng bò sữa.

 

Ai cũng biết chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại là xu thế bắt buộc để giải quyết bài toán môi trường, thu nhập, liên kết chuỗi… Tuy nhiên, cái khó của bà con là không có đất. Với diện tích trang trại như của gia đình anh cũng cần khoảng chừng 2.000m2, đầu tư tất tần tật xấp xỉ 10 tỷ đồng.

 

Bà con vốn quen với chăn nuôi nhỏ lẻ, bây giờ chuyển sang chăn nuôi tập trung cần phải đầu tư lớn, từ chuồng trại đến giống, đất đai, mặc dù có chính sách hỗ trợ nhưng không phải ai cũng có điều kiện để làm.

Xã Vĩnh Ninh có 1.400 hộ, tổng đàn bò sữa vào khoảng 3.000 con. Theo quy hoạch chung của xã đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự kiến cả 3 thôn của xã đều có khu chăn nuôi bò sữa tập trung. Trong đó thôn Hậu Lộc hơn 6ha, thôn Xuân Chiểu hơn 3ha, thôn Duy Bình hơn 2,7ha…

 

Ông Nguyễn Hữu Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh phân tích: Đất quy hoạch chăn nuôi tập trung của xã chủ yếu là đất ngoài bãi, liên quan đến hành lang thoát lũ, an toàn đê điều nên thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Dù cả xã, huyện đều quyết tâm xây dựng, nhất là để thực hiện tiêu chí Làng văn hóa kiểu mẫu nhưng không đơn giản.

 

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Xuân Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận: "Đất đai chính là rào cản lớn của ngành chăn nuôi tỉnh, có lẽ cũng là thực trạng chung của các địa phương “đất chật người đông” ở Đồng bằng sông Hồng. Vĩnh Phúc xác định tập trung phát triển 3 loại vật nuôi chủ lực là bò, lợn và gà. Thực trạng chung hiện nay, mặc dù đã có nhiều dịch chuyển rất rõ, giá trị kinh tế của chăn nuôi vẫn chiếm hơn 56% của ngành nông nghiệp tỉnh nhưng nhìn chung vẫn chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ".

Chưa thể xóa chăn nuôi nông hộ

Theo Đề án phát triển chăn nuôi của tỉnh Vĩnh Phúc, diện tích đất dành cho chăn nuôi vào khoảng 1.159ha, tập trung tại các huyện Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Tam Dương, Yên Lạc, Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch.

 

Thống kê của tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, trên địa bàn số hộ chăn nuôi quy mô nông hộ hiện còn hơn gần 100.000 cơ sở, chiếm hơn 95% tổng số cơ sở chăn nuôi. Định hướng, chiến lược phát triển của tỉnh là chăn nuôi trang trại công nghiệp theo chuỗi giá trị gia tăng, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

 

Tuy nhiên, chăn nuôi nông hộ ở Vĩnh Phúc trước mắt vẫn chưa thể xóa bỏ do vẫn còn là sinh kế của những nông dân tuổi cao không thể vào làm công nhân ở các khu công nghiệp.

 

Chính vì vậy, để tháo gỡ rào cản về đất đai, tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi và vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ưu tiên dành quỹ đất, giao đất, miễn giảm tiền thuê đất cho các cơ sở giống, cơ sở chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học…

Vĩnh Phúc cũng tập trung giải quyết bài toán môi trường trong chăn nuôi nông hộ. Sử dụng chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học, công nghệ khí sinh học để biến chất thải chăn nuôi thành nguồn phân bón cho cây trồng, rau màu… Tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo sinh kế người nông dân, hướng đến nghề chăn nuôi chuyên nghiệp, chuyên môn hóa.

 

Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã dành nguồn ngân sách tỉnh khoảng 103 tỷ đồng thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy phát triển chăn nuôi. Trong đó có 8 tỷ đồng hỗ trợ nâng cao chất lượng giống vật nuôi, 60 tỷ đồng hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, 34 tỷ đồng hỗ trợ đổi mới phương thức sản xuất chăn nuôi như xử lý chất thải, chứng nhận VietGAP, hữu cơ và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

 

“Mục tiêu của Vĩnh Phúc là nâng giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2025 tăng bình quân 3%/năm. Đàn trâu, bò có mặt thường xuyên 16,5 nghìn con, đàn bò thịt 105 nghìn con, đàn bò sữa 16,5 nghìn con, đàn lợn 585.000 con, đàn gia cầm 12,5 triệu con…”, ông Lê Xuân Công khẳng định.

Bình luận