Nuôi lợn an toàn sinh học trên vùng đất cát

Bình luận · 214 Lượt xem

Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ mở ra con đường mới trong phát triển kinh tế trên vùng đất cát ven biển Vĩnh Thái.

Tháng 9/2023, 9 hộ dân các thôn Tân Hòa, Đông Luật, Thử Luật, xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) được Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị hỗ trợ triển khai mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Mỗi hộ dân tham gia mô hình được cấp 5 con giống lợn 3 dòng máu (100% giống ngoại)

 

Điều kiện để các hộ dân được nhận hỗ trợ triển khai mô hình bao gồm chuồng trại phải đảm bảo diện tích 1,5 - 2m2/con; có các trang thiết bị như máng ăn uống, dụng cụ phục vụ chăn nuôi.

 

Trong giai đoạn 1, các hộ sẽ sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh dùng cho lợn từ 10 - 20 kg. Giai đoạn 2 sử dụng nguyên liệu là phụ phẩm nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp như bột ngô, cám gạo. Các nguyên liệu này sẽ được phối trộn ủ men vi sinh làm thức ăn đảm bảo thành phần dinh dưỡng. Đến nay, tỉ lệ nuôi sống lợn của 9 hộ tham gia mô hình cơ bản đạt yêu cầu.

 

Ông Lê Quang Lương, một hộ dân tại thôn Tân Hòa tham gia mô hình cho hay, thời gian đầu cho ăn bằng thức ăn hỗn hợp, tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin nên lợn rất mau lớn. Đây là giai đoạn chuẩn bị sức đề kháng để khi chuyển sang cho ăn bằng thức ăn hướng hữu cơ lợn sẽ đủ sức chống chịu được môi trường khắc nghiệt trên môi trường nắng gió của vùng cát trắng.

 

Giai đoạn sau, do chuyển thức ăn sang hướng hữu cơ nên lợn chậm lớn hơn nhưng đổi lại thịt săn chắc, thơm ngon. Tư thương hay người tiêu dùng đều rất ưa chuộng với sản phẩm thịt nuôi theo hướng hữu cơ nên giá bán cao hơn thông thường.

 

Theo ông Lương, sau 120 ngày nuôi, lợn thịt đạt trọng lượng bình quân 75kg/con. Giá lợn hơi nuôi theo hướng hữu cơ cao hơn lợn thông thường 5-7 nghìn đồng/kg, lãi ròng 717.000 đồng/con, cao gấp 1,7 lần so với chăn nuôi truyền thống.

 

“Với môi trường nuôi ở vùng cát trắng, nắng gió khắc nghiệt như ven biển Vĩnh Thái, xây dựng được một mô hình nuôi an toàn dịch bệnh và hiệu quả kinh tế cao không dễ. Đây là một mô hình tốt, không chỉ phù hợp với chăn nuôi nông hộ mà có thể mở rộng chăn nuôi tập trung để nông dân tăng thêm thu nhập”, ông Lương cho hay.

 

Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết, thành công của mô hình cho thấy, chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ tại địa phương rất có tiềm năng. Để nhân rộng mô hình trong thời gian tới, huyện Vĩnh Linh cần xây dựng đề án để phát triển chăn nuôi một cách bài bản, trước mắt có thể phát triển trên địa bàn xã Vĩnh Thái, sau đó nhân rộng ra các địa phương khác trên địa bàn huyện. Ngành nông nghiệp Quảng Trị cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ để người dân nhân rộng mô hình.

 

Chăn nuôi trên cát là một trong những lợi thế của các xã vùng cát ven biển tỉnh Quảng Trị. Hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra sẽ góp phần tăng thu nhập cho người dân các địa phương.

Đại diện UBND xã Vĩnh Thái cho biết, Vĩnh Thái là xã thuộc vùng bãi ngang, người dân sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, chế biến thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp… Vài năm lại đây, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản giảm sút. Vì vậy, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

 

Để người dân từng bước nâng cao đời sống và tăng thu nhập, không còn cách nào khác là xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất về trồng trọt, thủy sản an toàn sinh học. Chăn nuôi nông hộ, trong đó chủ lực là con lợn được chính quyền địa phương và nông dân lựa chọn. Tuy nhiên, nếu nuôi theo chăn nuôi truyền thống rất dễ bị dịch bệnh. Do vậy việc xây dựng mô hình về chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ cho bà con của xã Vĩnh Thái là rất cần thiết.

Bình luận