Hợp tác phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp: Chính sách khuyến khích và một số vướng mắc về thuế cần tháo gỡ

Bình luận · 200 Lượt xem

Diễn đàn 'Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp an toàn' do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tại TP Hồ Chí Minh sáng 29/09/2023.

Trong những năm gần đây, Việt Nam, với lợi thế là quốc gia nông nghiệp, ngày càng phát huy vai trò của mình đối với câu chuyện tiên phong đổi mới trong nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng GDP quốc gia, đảm bảo an ninh lương thực và định vị Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Đặc biệt, với chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách pháp luật quan trọng về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản, trong đó có phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu “Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản”, và các chính sách đi cùng, đã thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất theo nhiều cấp độ, hình thành chuỗi cung ứng bền vững trong sản xuất nông lâm thủy sản.

Tiếp nối các sự kiện, chuỗi diễn đàn mang đến các cơ hội đầu tư và cái nhìn rộng mở cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt các doanh nghiệp, thành viên là những “mắt xích” tham gia trong chuỗi cung ứng nông nghiệp Việt; trong sự kiện hôm nay, được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với VCCI chi nhánh TP HCM tổ chức: Diễn đàn “Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp an toàn” vào lúc 08h30 – 11h30, Thứ Sáu, ngày 29/09/2023 tại Hội trường Lầu 10, VCCI-HCM, 171, Võ Thị Sáu, Q. 3, TP. HCM. Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí – CTCP (Nhãn hàng Đạm Phú Mỹ - NPK Phú Mỹ)

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế cho rằng sự phát triển của nông nghiệp đang theo hướng nâng cao giá trị và điều này cho thấy vai trò quan trọng của việc hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng được quan tâm. Bởi, thực tế cho thấy, việc hợp tác liên kết một cách nghiêm túc là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông sản, góp phần thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển trong dài hạn.

Cũng theo ông Phụng, thuế GTGT hiện nay đang có một vài bất hợp lý với đầu vào của ngành nông nghiệp. Gánh nặng lên ngành sản xuất nguyên liệu, vật tư đầu vào, thiết bị cho sản xuất nông nghiệp vì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, rõ nhất là ngành sản xuất phân bón, xảy ra những hệ lụy: Sụt giảm dần vốn kinh doanh, không thể đầu tư mới, đầu tư mở rộng do đội vốn, tăng chi phí sản xuất do thuế GTGT đầu vào dẫn đến tăng giá bán, giảm sức cạnh tranh so với hàng ngoại nhập, gánh nặng đối với nông dân khi giá bán bị đẩy lên, thiệt hại cho ngân sách nhà nước không thu được thuế khâu nhập khẩu, dẫn đến tính chung cả nền kinh tế chịu thiệt hại. Do đó, rất cần thiết sửa đổi sớm thuế GTGT đối với phân bón, vật tư, thiết bị đầu vào cho sản xuất nông nghiệp để khắc phục những bất hợp lý và thiệt hại đã nhận biết.

Tuy nhiên, ông Phụng cũng lưu ý, để định hướng khuyến khích hợp tác liên kết gắn với phát triển nông thôn theo quy hoạch phát triển, thì trong quá trình thực hiện cần phải đảm bảo liên kết ổn định, lâu dài, bền vững; gắn với định hướng quản lý chất lượng, an toàn … các dự án, kế hoạch hợp tác, liên kết phải tuân thủ các nguyên tắc, điều kiện cụ thể:

Một là, Ngoài các nội dung tự thỏa thuận giữa các bên tham gia liên kết, Dự án liên kết phải có ít nhất một trong 3 nội dung, như: Thiết kế, cải tạo đồng ruộng, đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô diện tích vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; Đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Góp vốn, tài sản, giá trị quyền sử dụng đất, công nghệ hay quy trình sản xuất.

Hai là, Các bên tham gia liên kết được hỗ trợ phải đáp ứng đồng thời các điều kiện: Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; Giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; Liên kết phải đảm bảo ổn định, theo đó với những sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng, khai thác dưới 01 năm, thời gian liên kết tối thiểu là 03 năm.

Ba là, bảo đảm sự công bằng, rõ trách nhiệm và quyền lợi của các bên liên kết, khuyến khích ưu đãi cao nhưng không trùng lắp về nguồn lực, như: đối với mỗi loại hình liên kết, các bên tham gia liên kết ở nội dung nào sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ ở nội dung đó; mỗi bên chỉ được hỗ trợ khi nội dung liên kết được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng, dự án liên kết. Trường hợp cùng một thời điểm, nội dung có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nhau (kể cả từ các chương trình, dự án khác) thì đối tượng thụ hưởng được quyền lựa chọn áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ có lợi nhất.

Bốn là, có quy định để tạo cơ sở pháp lý cũng như khuyến khích việc thu hút các nguồn lực tài chính hỗ trợ cho hợp tác, liên kết. Theo đó, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, các địa phương chủ động cân đối bổ sung ngân sách địa phương, lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, Nhà nước khuyến khích các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác để thúc đẩy liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Bình luận