Vùng miền Tây Nghệ An bao gồm 11 huyện, thị là Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa, có diện tích chiếm 84% diện tích toàn tỉnh. Với 39% dân số khu vực miền Tây là đồng bào dân tộc thiểu số, miền Tây Nghệ An không chỉ được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới mà còn là khu vực có đời sống văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.
Trong hành trình tìm về Di sản miền Trung, du lịch miền Tây đang là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế. Ví như những điểm mới nổi ở huyện Tương Dương, những cung đường kỳ thú ở biên giới Kỳ Sơn, những cánh đồng hoa ngút ngàn dọc đường Hồ Chí Minh hay những thác nước hùng vĩ dọc Quốc lộ 48 đang dần nổi tiếng trên các trang mạng xã hội và trong cộng đồng phượt thủ. Huyện biên giới Kỳ Sơn, với địa hình núi cao, thiên nhiên đa dạng, có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống đang nổi lên là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn bậc nhất ở miền Tây.
Những điểm săn mây ở Phù Khả, xã Na Ngoi, thiên đường hoa Mường Lống, đỉnh Puxailaileng... đang là những điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, ở xã Mường Lống, trong 3 năm đã có 3 homestay được xây dựng giữa những rừng hoa mận cổ thụ bung hoa trắng muốt, có khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái khá bề thế được đầu tư mới.
Đặc biệt,huyện Kỳ Sơn còn nổi tiếng với các sản phẩm nông sản mang hương vị núi cao đạt chuẩn OCOP 3 sao, như gà đen, lợn đen gắn với cách chế biến riêng của đồng bào các dân tộc thiểu số... Không riêng huyện Kỳ Sơn mà ở các huyện miền núi khác như: Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong đều đang hình thành các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, các tour du lịch sinh thái và tham quan tìm hiểu văn hóa cộng đồng.
Đặc biệt, tại huyện Con Cuông đã xây dựng được những bản du lịch cộng đồng chuyên nghiệp. Ở đây, du khách không chỉ được đắm mình trong cảnh sắc hùng vĩ của miền Tây mà còn được hòa vào cuộc sống, tìm hiểu văn hóa của cộng đồng các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú, Đan Lai...
Không chỉ có tiềm năng phát triển “OCOP du lịch” theo hướng sinh thái, du lịch cộng đồng, mà Nghệ An còn nhiều tiềm năng để phát triển du lịch canh nông, gắn với truyền thống sản xuất nông nghiệp đặc sắc vùng, miền từ núi cao đến đồng bằng và miền biển. Ví như du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại các huyện Nghĩa Đàn, Nam Đàn, TX. Thái Hòa.
Một số địa chỉ đã được hình thành như: Khu Du lịch sinh thái Hòn Nhạn (Diễn Châu); Khu Du lịch sinh thái Đại Huệ (Nghi Lộc); Trang trại HDT (Thanh Chương); Khu Du lịch Hòn Mát (Nghĩa Đàn); Vườn hồng Nam Anh... với các dịch vụ trải nghiệm ẩm thực địa phương, câu cá, tổ chức các hoạt động cắm trại, tham gia trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp… Đối với loại hình du lịch canh nông, tiềm năng của Nghệ An “trải” ở cả 3 vùng: núi cao, đồng bằng và ven biển.
Chúng tôi đã có dịp theo chân một đoàn học sinh tiểu học ở thành phố Vinh đến vùng đất Trù Sơn, huyện Đô Lương để tham quan làng nghề làm nồi đất nơi đây. Tại đây, các em được tìm hiểu về lịch sử làng nồi đất, được tự tay tham gia các công đoạn làm nồi, đốt lò. Sau chuyến tham quan, các cháu nhỏ đều say sưa khoe với nhau những sản phẩm từ đất sét mà mình tự tay làm. Khuôn mặt, ánh mắt các em rạng rỡ, vui tươi vì được trải nghiệm một nghề nghiệp lao động thú vị của làng quê.
Thời gian dài sau đó, nhiều phụ huynh của lớp học sinh này vẫn còn khoe niềm vui của các con về chuyến tham quan, trải nghiệm làng nghề Trù Sơn, khoe những hiểu biết về địa phương của các con mà chỉ cần qua một chuyến đi đã khắc sâu trong tâm trí con em mình.
Du lịch canh nông là loại hình du lịch vừa mang lại lợi ích kinh tế, tăng thu nhập cho người nông dân, vừa có vai trò to lớn trong việc giữ gìn cảnh quan làng quê, giữ được văn hóa bản sắc của quê hương, tạo ra sản phẩm du lịch khác lạ, độc đáo hấp dẫn có sức cạnh tranh lớn.
Phát triển du lịch canh nông không chỉ phát huy được giá trị văn hóa làng quê, nông sản bản địa khi du khách khắp mọi miền tìm về, trải nghiệm đời sống và những giá trị văn hóa được vun đắp từ ngàn đời ở các vùng quê nông thôn Nghệ An. Bà Nguyễn Thị Thành An - Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, tiềm năng du lịch canh nông cũng như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở Nghệ An là vô cùng lớn và không thua kém các địa phương khác, nhưng chưa được khai thác, đầu tư đúng tầm
Hy vọng rằng, với những quyết sách mới về phát triển du lịch, với vai trò một ngành kinh tế mũi nhọn, cụ thể hóa Đề án phát triển du lịch tỉnh nhà vừa mới ban hành, ngành “công nghiệp không khói” này sẽ cất cánh cao hơn nữa, tạo ra những sản phẩm OCOP du lịch thú vị.