Đưa du lịch ruộng bậc thang trở thành sản phẩm đặc thù của Tây Bắc

Bình luận · 206 Lượt xem

Ruộng bậc thang và văn hóa ruộng bậc thang được coi là 'đặc sản' của khu vực Tây Bắc. Không chỉ mang đến giá trị kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp thu hoạch được, ruộng bậc thang còn là nguồn tài nguyên độc ?

Có lẽ không nơi nào ở nước ta có ruộng bậc thang nhiều và đẹp như ở Tây Bắc, nhiều nhất ở các tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai; trong đó, ba địa danh là huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có gần 2.200 ha, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) gần 765 ha và Sa Pa (Lào Cai) gần 1.000 ha đã được công nhận là Danh thắng cấp quốc gia.

Không chỉ đơn thuần là kết quả của phương thức sản xuất nông nghiệp, ruộng bậc thang Tây Bắc với vẻ đẹp vừa kỳ vĩ vừa thơ mộng còn là biểu tượng thấm đẫm các giá trị văn hóa lịch sử, là minh chứng cho tinh thần cố kết cộng đồng, ý thức nỗ lực sáng tạo vượt lên hoàn cảnh sống khắc nghiệt.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã phát triển những tour khám phá vẻ đẹp ruộng bậc thang. Các lễ hội ruộng bậc thang đã được tổ chức tại nhiều tỉnh. Sản phẩm trải nghiệm dù lượn bay trên mùa vàng Mù Cang Chải đã thu hút được sự tham gia của đông đảo du khách...

Tại một số điểm đến có ruộng bậc thang, du lịch cộng đồng đã trở thành một trong những loại hình du lịch phổ biến, tiêu biểu như ở La Pán Tẩn, Nặm Khắt, Cao Phạ của Mù Cang Chải; hay Nặm Hồng ở Hoàng Su Phì; Lao Chải, Tả Van, Tả Phìn ở Sa Pa.

Trao đổi tại Hội thảo “Phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang các tỉnh vùng Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch” vừa diễn ra tại Hà Giang, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Sáu (Khoa Du lịch, Trường đại học Văn hóa Hà Nội) nhận định: Hiện nay, thời gian khai thác du lịch ruộng bậc thang mới đang tập trung vào hai mùa chính trong năm là “Mùa trắng-Mùa nước đổ” (khoảng tháng 4, tháng 5) và “Mùa vàng-mùa lúa chín” (khoảng tháng 9, tháng 10). Để tăng thời gian khai thác, khắc phục tính mùa vụ trong phát triển du lịch ruộng bậc thang, các địa phương cần kết hợp với các doanh nghiệp du lịch lữ hành tổ chức khai thác thêm “Mùa xanh-lúa thì con gái” (khoảng tháng 7, tháng 8) và “Mùa hoa/mùa đa sắc” (tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau) khám phá vẻ đẹp của những loài hoa trên ruộng như hoa cải, hoa tam giác mạch.

Thêm nữa, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Sáu, hiện khám phá vẻ đẹp ruộng bậc thang chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc “bán” hình ảnh của nó qua góc máy của du khách, vì thế, cần đa dạng hóa hơn nữa các hình thức trải nghiệm gắn liền ruộng bậc thang.

Chẳng hạn, ở đồi mâm xôi, có thể trồng giống lúa nếp đặc chủng để tạo sự khác biệt về hình ảnh và cung cấp đặc sản cho du khách; có thể nuôi cá ở ruộng bậc thang để du khách trải nghiệm bắt cá, sau đó thưởng thức ẩm thực địa phương; xây dựng những điểm dừng chân phù hợp với không gian cảnh quan để du khách vừa có thể ngắm cảnh chụp ảnh, vừa mua sắm các sản vật do người dân địa phương cung cấp.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, đại diện một công ty du lịch cho rằng: Sau đại dịch, nhu cầu được vận động thể chất, tìm về với thiên nhiên của du khách ngày càng cao. Vì thế, những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ sẽ là điểm đến được ưa thích của khách du lịch.

Ruộng bậc thang Tây Bắc có nhiều tiềm năng, thế mạnh để xây dựng sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm, với nhóm sản phẩm trên không như bay dù lượn, khinh khí cầu, trực thăng; nhóm sản phẩm trên bộ như trekking, marathon, xe mô-tô, ô-tô, xe đạp địa hình... theo những cung đường uốn lượn quanh ruộng bậc thang.

Từ kinh nghiệm hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Kenneth Wood, Giám đốc Dự án du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam chia sẻ: Để phát triển du lịch gắn với văn hóa ruộng bậc thang cần có cách tiếp cận tổng thể và toàn diện từ quy hoạch đến quản lý ở cấp tỉnh. Các tỉnh nên bắt đầu bằng việc rà soát quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, xây dựng mô hình hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương ngay từ đầu.

Sự hợp tác này bao gồm tất cả các hoạt động quản lý điểm đến như xây dựng môi trường tự nhiên và văn hóa gắn với ruộng bậc thang, phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu và tiếp thị điểm đến...

Cần coi trọng và hỗ trợ việc phát triển năng lực cộng đồng trong quản lý và phát triển du lịch với tư cách là người sáng tạo, bảo tồn, phát triển và hưởng lợi từ ruộng bậc thang, để bảo đảm phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng bền vững.

Nhấn mạnh vai trò của việc liên kết trong khai thác phát triển du lịch ruộng bậc thang, ông Lại Quốc Tĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang cho rằng: Sản phẩm du lịch ruộng bậc thang là sản phẩm đặc trưng vùng, chỉ có ở những địa phương có dạng địa hình núi đất với độ dốc lớn. Rất cần sự liên kết giữa các địa phương trong vùng nhằm kết nối sản phẩm, kết nối tour tuyến, kết nối giữa các đơn vị kinh doanh du lịch trong toàn vùng để hình thành những sản phẩm độc đáo, khác biệt trong tổng hòa chung, từ đó giúp du khách gia tăng trải nghiệm, góp phần nâng tầm giá trị của tài nguyên du lịch ruộng bậc thang Tây Bắc.

Cũng trong dịp này, các địa phương đã công bố hai sản phẩm du lịch liên kết vùng Tây Bắc mở rộng năm 2023, bao gồm “Hành trình kết nối vùng di sản ruộng bậc thang quốc gia Tây Bắc” kết nối Hà Nội-Phú Thọ-Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải (Yên Bái)-Than Uyên, Tam Đường, Phong Thổ (Lai Châu)-Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai)-Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang); và “Hùng vĩ Tây Bắc” kết nối Hà Nội-Hòa Bình-Sơn La-Điện Biên-Lai Châu-Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai)-Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang).

Sự hình thành hai sản phẩm chuyên đề được đánh giá là có tính khả thi và tiềm năng khai thác cao nêu trên là tín hiệu vui góp phần hình thành thương hiệu điểm đến vùng Tây Bắc; cũng là cơ sở để các địa phương trong vùng và các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu có thêm những sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Bình luận