Nâng cao chất lượng giống và hình thức canh tác
Nghị quyết ghi rõ, ngân sách địa phương bảo đảm 100% kinh phí thực hiện dự án phát triển sản xuất giống chủ lực quốc gia trên địa bàn tỉnh gồm: nhập nội, mua bản quyền giống mới đối với những giống trong nước chưa có; bình tuyển cây đầu dòng, chọn lọc cây trội (không bao gồm phí bình tuyển, công nhận cây mẹ, cây đầu dòng tại Điều 1, Quy định kèm theo Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND ngày 10.7.2020 của HĐND tỉnh Cà Mau về phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh Cà Mau); chăm sóc vườn cây đầu dòng, rừng giống, vườn giống để cung cấp vật liệu nhân giống; nhập công nghệ sản xuất giống theo giá trị chuyển nhượng bản quyền, bao gồm cả chi phí thuê chuyên gia nước ngoài để tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và các chi phí khác có liên quan (nếu có); hoàn thiện công nghệ sản xuất giống đối với các công nghệ đã được cấp có thẩm quyền ban hành; đào tạo, tập huấn quy trình công nghệ nhân giống; kiểm soát chất lượng giống (kiểm nghiệm, kiểm định, chứng nhận chất lượng giống, giám định vi rút, xét nghiệm, kiểm dịch, kiểm soát bệnh); kiểm tra, giám sát thực hiện dự án; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện.
Ngân sách địa phương hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện sản xuất giống chủ lực quốc gia trên địa bàn tỉnh theo các lĩnh vực: đối với lĩnh vực trồng trọt sẽ hỗ trợ 50% chi phí sản xuất giống; sản xuất giống siêu nguyên chủng, giống bố mẹ dùng để sản xuất hạt lai F1; hỗ trợ 30% chi phí sản xuất hạt lai Fl, chi phí sản xuất cây giống từ vườn cây đầu dòng; đối với lĩnh vực chăn nuôi: hỗ trợ 10% chi phí sản xuất giống bố mẹ; đối với lĩnh vực lâm nghiệp: hỗ trợ 50% chi phí sản xuất giống và hỗ trợ 30% chi phí nhân giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô; đối với lĩnh vực thủy sản: hỗ trợ 50% chi phí sản xuất giống; đối với dự án phát triển sản xuất giống khác (ngoài giống chủ lực quốc gia trên địa bàn tỉnh), ngân sách địa phương hỗ trợ 70% mức hỗ trợ tương ứng với các mức hỗ trợ nêu trên.
Về nội dung chi, mức chi thực hiện theo định mức, định mức kinh tế kỹ thuật, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Nghị quyết này quy định thêm một số nội dung và định mức chi với công lao động kỹ thuật, công lao động phổ thông, mức chi cụ thể đối với học viên tham gia các lớp tập huấn phát triển giống không hưởng lương từ ngân sách nhà nước và có chế độ ưu tiên đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, xã đảo.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HÐND tỉnh Cà Mau Vũ Hồng Như Yến cho biết, việc HÐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nội dung và mức chi từ ngân sách địa phương cho phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau là cần thiết và đúng thẩm quyền. Cà Mau là địa phương có tỷ trọng kinh tế nông nghiệp cao, mà con giống là yếu tố quan trọng, đầu vào để hình thành cả quá trình sản xuất nông nghiệp, nhất là trong thời buổi cạnh tranh thị trường xuất khẩu và tác động của biến đổi khí hậu.
Đòn bẩy thúc đẩy phát triển nông nghiệp
Theo Ðề án Phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023 - 2030, xác định 9 loại giống nông nghiệp chủ lực quốc gia trên địa bàn tỉnh, gồm: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, lúa, chuối, heo, gà, vịt, keo lai, tràm, đước và 5 loại giống nông nghiệp khác gồm: tôm càng xanh, cua biển, sò huyết, cá đồng, cá nước mặn - lợ.
Từ nhu cầu thực tế trong nuôi xen canh trên cùng diện tích, Nghị quyết phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp sẽ giúp ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau chủ động được nguồn giống, cải tiến hình thức chăn nuôi sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho nông dân ở vùng đất Mũi.
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt cho biết, sự ra đời của nghị quyết nhằm cụ thể hóa văn bản của Trung ương giao cho địa phương ban hành quy định chi tiết phù hợp với điều kiện và khả năng cân đối nguồn lực tại địa phương; đáp ứng mục tiêu nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, nhằm cung cấp cho sản xuất giống có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo tinh thần Quyết định số 703/QÐ-TTg ngày 28.5.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Trước đó, vào tháng 4. 2023, tỉnh Cà Mau đã ban hành Ðề án Phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2023 - 2030 để làm căn cứ xác định danh mục giống chủ lực quốc gia trên địa bàn tỉnh và giống khác cần tập trung đầu tư phát triển để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo đề án trên, nhu cầu vốn từ nguồn sự nghiệp kinh tế khoảng 62,2 tỷ đồng, hỗ trợ triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất giống, trong đó giai đoạn 2023 - 2025 là 29,12 tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 là 33,08 tỷ đồng.
Mới đây, UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Ðề án Phát triển sản phẩm sò huyết trên địa bàn đến năm 2030 và Ðề án Phát triển bền vững nghề cua tỉnh Cà Mau đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, nghiên cứu phát triển quy trình sản xuất sò huyết giống nhân tạo nhằm chủ động được 40%; đến năm 2030 chủ động được 80% nguồn sò huyết giống trên địa bàn toàn tỉnh. Ðối với đề án cua, đến năm 2025, năng lực sản xuất cua giống đạt khoảng 1,25 tỷ con/năm, đáp ứng 100% nhu cầu thả nuôi (khoảng 0,516 tỷ con/năm), còn lại là xuất ngoài tỉnh; đến năm 2030 năng lực sản xuất cua giống đạt khoảng 1,4 tỷ con/năm.