Tạo điều kiện để doanh nghiệp đã xuất khẩu gia cầm mở rộng sản xuất

Bình luận · 391 Lượt xem

Tây Ninh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã có sản phẩm gia cầm xuất khẩu thành công mở rộng quy mô sản xuất và phát triển các sản phẩm.

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh, chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học theo phương thức bán công nghiệp và công nghiệp, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tây Ninh hiện có tổng đàn gia cầm khoảng 9,1 triệu con với sản lượng 49.000 tấn thịt, trong đó có 107 trang trại chăn nuôi gia cầm (76 trang trại gà và 31 trang trại vịt) với tổng đàn 6,4 triệu con (chiếm tỷ lệ hơn 70% tổng đàn gia cầm).

Riêng gà đẻ trứng thương phẩm có 7 trang trại với 2,8 triệu con, sản lượng hơn 2,1 triệu quả trứng gà/ngày.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 22 cơ sở chăn nuôi gà được cấp giấy chứng nhận VietGAHP và 48 cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Trong đó, huyện Dương Minh Châu được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà, tỉnh đang tiếp tục xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại huyện Gò Dầu.

Việc xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, phát triển nông nghiệp đạt chuẩn VietGAHP không chỉ góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu mà còn là xu thế của nền chăn nuôi hiện đại.

Bên trong nhà máy xử lý trứng của De Heus tại Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Bên trong nhà máy xử lý trứng của De Heus tại Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Thời gian qua, công tác thu hút đầu tư chăn nuôi đạt kết quả tích cực, đặc biệt là số dự án được đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi tăng nhanh cả về số lượng, quy mô, ứng dụng công nghệ cao.

Từ năm 2016 đến nay, có 150 dự án xin chủ trương đầu tư và đã có 112 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, trong đó có 34 dự án chăn nuôi với 9,5 triệu con gà.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện Tân Biên có 2 dự án sản xuất trứng gà thương phẩm của Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources và Công ty QL Farm, sản lượng trứng bình quân khoảng 1,8 triệu quả trứng/ngày (2 trại).

Bên trong trại gà an toàn sinh học của hộ dân liên kết cùng doanh nghiệp. Ảnh: Trần Trung.

Bên trong trại gà an toàn sinh học của hộ dân liên kết cùng doanh nghiệp. Ảnh: Trần Trung.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp lớn đã cùng với bà con nông dân các địa phương trên cả nước đã xây dựng được nhiều nhà máy chế biến có công nghệ tiên tiến.

Đơn cử như Tập đoàn Hùng Nhơn, De Heus đã xuất khẩu được sản phẩm gia cầm, là hai trong số những tập đoàn đang tập trung phát triển liên kết chuỗi trên địa bàn tỉnh với các dự án từ cung cấp con giống (Nhà máy Bell Gà, Khu công nghiệp An Hoà - Trảng Bàng) đến đầu tư các khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao gà đẻ trứng giống (280.000 con) và trang trại nuôi 5 triệu gà thịt, đầu tư tổ hợp nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm DHN. Đây là hướng đi mà tỉnh Tây Ninh đang khuyến khích, hỗ trợ phát triển.

Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023.

Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết thêm, dư địa phát triển ngành chăn nuôi gia cầm của tỉnh còn tốt và cần phải tập trung thúc đẩy. Nhưng để bảo đảm hiệu quả bền vững cần phải chú trọng tất cả các khâu trong chuỗi liên kết từ con giống, quy trình, tổ chức sản xuất, kiểm soát dịch bệnh và tổ chức thị trường…

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã có sản phẩm gia cầm xuất khẩu đi các thị trường trên thế giới mở rộng quy mô sản xuất, phát triển các sản phẩm. Tiếp tục mở rộng thị trường và xuất khẩu sản phẩm gia cầm vào các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines…

“Các nhà quản lý, doanh nghiệp cần chú ý, ngoài việc coi trọng thị trường trong nước với hơn 100 triệu dân thì việc xuất khẩu sản phẩm gia cầm ra các nước là xu thế tất yếu. Để làm được điều đó, chúng ta cần đầu tư nghiên cứu sâu nhằm gắn sản xuất với nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu. Cụ thể, các quy trình chăn nuôi phải kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt bảo đảm an toàn về thú y. Cơ sở, trang trại và vùng chăn nuôi phải được công nhận và thực sự là an toàn dịch bệnh mới có thể nghĩ đến việc xuất khẩu. Một giải pháp nữa là tổ chức tốt khâu chế biến”, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh nhấn mạnh.

 
Bình luận