Ngành chăn nuôi gia cầm sẽ 'chết' nếu không chặn được giống nhập lậu

Bình luận · 193 Lượt xem

Nếu không quyết liệt ngăn chặn nạn buôn lậu gia cầm giống từ nước ngoài vào Việt Nam, thì ngành chăn nuôi gia cầm sẽ chết dần chết mòn và tiến tới chết lâm sàng.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất giống gia cầm trong nước phải giảm đàn 50 - 60% vì không thể chịu nổi thua lỗ khi bán con giống gà, vịt dưới giá thành sản xuất. Ngay cả những doanh nghiệp FDI có tiềm lực mạnh cũng phải cắt giảm đàn 20 - 30%.

 

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thảm cảnh trên chính là vấn nạn nhập lậu gia cầm giống từ nước ngoài qua biên giới vào Việt Nam diễn biến phức tạp và rộ lên trong thời gian gần đây.

 

Cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đều điêu đứng

Thưa ông, qua theo dõi loạt phóng sự điều tra “Giống gia cầm lậu khuynh đảo ngành chăn nuôi” của Báo Nông nghiệp Việt Nam và lắng nghe phản ánh của các doanh nghiệp trong ngành, ông nhận định như thế nào về hệ lụy khi giống gia cầm nhập lậu ồ ạt tràn vào Việt Nam?

 

Trước hết, chúng tôi rất hoan nghênh và đánh giá cao sự vào cuộc nhanh chóng của Báo Nông nghiệp Việt Nam khi phản ánh thực trạng buôn lậu giống gia cầm và sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua loạt bài điều tra vừa qua.

 

Có thể nói, thông tin từ các bài điều tra đã phản ánh được một phần tảng băng chìm về hoạt động buôn lậu gia súc, gia cầm đang diễn ra phức tạp trong thời gian qua, tạo cái nhìn đa chiều cho độc giả cũng như cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc.

 

Tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vào nước ta đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi. Trước hết, đây là một trong những nguyên nhân phá vỡ thị trường chăn nuôi trong nước, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Mặt khác nó còn gây hậu quả lâu dài cho ngành chăn nuôi.

 

Trên thực tế, các giống gà, vịt nhập lậu không rõ nguồn gốc dẫn đến sự xâm nhập các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác từ nước ngoài vào Việt Nam.

 

Do con giống nhập lậu không được kiểm dịch, không được tiêm phòng vacxin, lại nhiễm sẵn nhiều mầm bệnh, khiến tỷ lệ chết rất cao. Rất nhiều con giống nhập về nuôi sau 1-3 tháng thì mắc bệnh và chết, khiến nông dân thua lỗ nặng nề, làm giảm sức sản xuất.

 

Đặc biệt, các cơ sở sản xuất giống gia cầm phải chịu thua lỗ nặng, do không tiêu thụ được con giống, nhiều doanh nghiệp và trang trại buộc phải giảm đàn hoặc "treo" chuồng. Các “ông lớn” trong ngành chăn nuôi gia cầm như Công ty Cổ phần C.P Việt Nam hay Japfa phải giảm đàn 20 - 30%. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng phải giảm đàn 50 - 60%.

 

Thưa ông, chúng tôi được biết có những thời điểm 1 con gà giống nhập lậu qua biên giới, được vận chuyển về đến Hải Dương chỉ 8.000 đồng/con. Tại sao giá con giống gia cầm nhập lậu lại rẻ như vậy?

 

Có một số lý do khiến giá gà giống của Trung Quốc rẻ. Thứ nhất, đây là những con giống không được kiểm soát chất lượng và không được tiêm vacxin phòng bệnh (để tiết giảm chi phí, tạo lợi thế cạnh tranh về giá). Thứ hai, một số giống như con chíp Tàu, sau khi ấp nở, họ tách con mái ra để lại nuôi lấy trứng. Những con trống thì loại thải, bán rẻ như cho, thậm chí bất chấp giá nào cũng bán. Thương lái mua rồi tìm cách vận chuyển vào Việt Nam để kiếm lợi nhuận.

 

Sau khi bán con giống cho người tiêu dùng là họ phủi trách nhiệm, mặc kệ người chăn nuôi sống chết mặc bay, không “bảo hành” cho người chăn nuôi trong trường hợp con gà, con vịt bị mắc bệnh chết hoặc không đảm bảo chất lượng như quảng cáo.

 

Có tình trạng “trên nóng dưới lạnh”

Thưa ông, cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua, lực lượng chức năng một số địa phương giáp biên giới Việt - Trung như Lạng Sơn, Quảng Ninh đã bắt giữ các lô hàng gia cầm giống không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vậy kết quả đó đã phản ánh thực tế quy mô và tính chất phức tạp của tình trạng gia cầm giống nhập lậu vào Việt Nam hay chưa?

 

Thời gian vừa rồi một số trường hợp vận chuyển giống gia cầm nhập lậu đã được lực lượng chức năng tại Quảng Ninh, Lạng Sơn bắt giữ chỉ là khối lượng rất nhỏ so với số lượng lớn gia cầm giống, sản phẩm gia cầm nhập lậu hàng năm và chưa thực sự phản ánh đúng tính chất, phạm vi, quy mô của các đường dây lớn buôn lậu gia súc, gia cầm đã và đang diễn ra suốt thời gian dài tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh giáp biên.

 

Từ cuối tháng 4/2023, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, qua đó kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu gia cầm giống và sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

 

Ngày 18/5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 426/CĐ-TTg về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm qua biên giới vào Việt Nam. Bộ NN-PTNT cũng đã có Công điện khẩn số 1030 ngày 26/2/2023 đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường đấu tranh, ngăn chặn gia cầm nhập lậu vào Việt Nam.

 

Sau khi Thủ tướng có Công điện số 426 chỉ đạo, chúng tôi thấy tình trạng nhập lậu gia cầm giống lắng xuống một thời gian nhưng sau đó lại đâu vào đấy và hiện tại tình trạng nhập lậu gia cầm giống diễn biến hết sức phức tạp.

 

Dường như có tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong “cuộc chiến” với gia cầm giống và sản phẩm gia cầm nhập lậu tại các tỉnh, thành phía Bắc và cả phía Nam. Và theo như báo chí phản ánh, không loại trừ khả năng có sự “tiếp tay” của lực lượng chức năng đối với giới buôn lậu.

 

Nếu tình trạng trên vẫn tiếp diễn, cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương không có giải pháp ngăn chặn nạn buôn lậu gia cầm giống hiệu quả, thì ngành chăn nuôi sẽ chết dần chết mòn và tiến tới chết hẳn.

 

Theo ông đâu là giải pháp trước mắt và lâu dài để ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm giống trong thời gian tới?

 

Cần khẳng định rằng công tác phòng, chống buôn lậu gia súc, gia cầm là một “cuộc chiến” lâu dài và phải tiến hành thường xuyên, liên tục, chứ không thể tổ chức theo kiểu “chiến dịch”. Do đó, cần có các giải pháp đồng bộ.

 

Trước hết là trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở địa phương, mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo 389 cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam.

 

Thứ hai, các cơ quan chức năng cần lập chuyên án điều tra các đối tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh, từ đó có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân về tác hại khi buôn bán, vận chuyển, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

 

Đặc biệt, không chỉ có các địa phương biên giới, mà các địa phương trong nội địa, ví dụ như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh… cũng cần mạnh tay với sản phẩm gia cầm, gia cầm giống không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch. Bởi, các sản phẩm nhập lậu này chủ yếu được tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc và các tỉnh miền Trung. Vì vậy, vấn đề nằm ở chỗ các địa phương này biết hay không biết và họ có hành động quyết liệt hay không.

 

Tôi nghĩ rằng, các đối tượng sử dụng ô tô chở số lượng lớn con giống không rõ nguồn gốc đi xuyên qua nhiều địa phương như vậy thì không ai là không biết, quan trọng là họ xử lý như thế nào. Nếu không xử lý nghiêm thì tình trạng này sẽ tiếp tục tái diễn.

 

Là một hiệp hội ngành hàng lớn, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam sẽ tích cực chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan truyền thông tiếp tục góp phần đấu tranh chống buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm. Đồng thời tuyên truyền vận động các hội viên trong Hiệp hội không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, gia cầm nhập lậu. Đồng thời sẽ tiếp tục đại diện tiếng nói của doanh nghiệp, người nông dân kịp thời phản ánh những khó khăn và kiến nghị lên Chính phủ, các cơ quan, Bộ, ngành một số giải pháp cấp bách cũng như lâu dài nhằm nâng cao sức cạnh tranh của ngành gia cầm trong nước.

 

Trong quá trình điều tra, chúng tôi được nghe ông Nguyễn Văn S. là chủ trang trại chăn nuôi quy mô hơn 8.000 con gà tại xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ, Hà Nội chia sẻ: "Tỷ lệ nuôi sống những con gà Tàu cho đến lúc xuất chuồng chỉ đạt khoảng 70%, thiệt hại rất lớn. Trong khi đó, nếu nuôi các giống gà của doanh nghiệp uy tín, tỷ lệ chết chỉ khoảng 5 - 7%. Chưa kể các chi phí đội lên, thì nuôi gà Tàu lỗ. Nhiều chủ trang trại đã cầm cố sổ đỏ nhà đất để vay vốn đầu tư nuôi gà Tàu, nhưng nuôi khoảng vài lứa đều bị thua lỗ. Có trang trại phải mất nhà vì đầu tư vào gà Tàu. Hiện tại, hầu hết các trang trại đều nói không với gà Tàu".

Bình luận