Kinh tế tập thể tăng khả năng tiêu thụ nông sản Đắk Nông

Bình luận · 283 Lượt xem

Kinh tế tập thể (KTTT) đang chứng minh hiệu quả, sự phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay. Thông qua KTTT, nhiều người dân Đắk Nông đã hợp tác với nhau để sản xuất, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm.

HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Sangs Farm (Đắk Glong) được thành lập năm 2021. HTX có 27 thành viên, hình thành vùng sản xuất quy mô khoảng 100 ha cây ăn quả và các loại cây lâu năm như cà phê, tiêu.

Nhờ liên kết với nông dân tạo vùng nguyên liệu bài bản, HTX đã bảo đảm việc cung cấp nông sản thường xuyên cho các đơn vị thu mua. Hiện nay, HTX đã liên kết với Công ty Danoca Do để tiêu thụ sản phẩm bơ và sầu riêng.

Sản phẩm bưởi được HTX liên kết với các tiểu thương ở chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương để tạo đầu ra. Bình quân mỗi tháng, HTX tiêu thụ 10-15 tấn bưởi. Tổng doanh thu hàng năm của HTX đạt khoảng 25 tỷ đồng.

Theo ông Ngô Thanh Sáng, Giám đốc HTX, đơn vị đã tạo ra vùng nguyên liệu lớn, nên việc kết nối thị trường tiêu thụ ngày càng bền vững. HTX đang xây dựng thương hiệu nông sản đạt các tiêu chí an toàn thực phẩm sạch để có thể vào được các chuỗi bán lẻ trong nước. Thời gian tới, HTX sản xuất, chế biến chuyên sâu các sản phẩm đông lạnh như bơ, sầu riêng, chanh dây và mặt hàng tinh dầu bưởi…

Tương tự, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha (Đắk Glong) được thành lập năm 2021. HTX có 100 thành viên, hình thành vùng sản xuất khoảng 200 ha rau, củ, quả như: su su, cà tím, củ cải trắng, bắp cải. HTX đã liên kết được 15 tiểu thương ở 3 chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh và các chợ truyền thống trong nước để tiêu thụ sản phẩm.

Ông Đặng Ngọc Hương, Giám đốc HTX cho biết, đơn vị đang tập trung sản xuất, chế biến chuyên sâu các sản phẩm như quả su su, cà tím, khoai lang, bí đỏ, bí xanh, bắp cải, khoai sáp vàng… HTX tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để tạo ra các dòng sản phẩm mới. Đồng thời, HTX đưa các sản phẩm vào các chuỗi bán lẻ trong tỉnh và cả nước

Ông Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông cho biết, KTTT đang hình thành nên những quan hệ sản xuất mới, khai thác và sử dụng có hiệu quả đất đai, sức lao động. Các HTX quy tụ nông dân, hình thành vùng nguyên liệu lớn, liên kết tiêu thụ nông sản tốt hơn trước. Những yếu tố này đã góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế tỉnh phát triển.

Qua đánh giá của ngành chức năng, sau gần 20 năm tái lập tỉnh, KTTT Đắk Nông ngày càng phát triển về số lượng, chất lượng. KTTT đang trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội hiệu quả của tỉnh.

Những chuyển biến tích cực của các HTX về phương thức hoạt động, tổ chức sản xuất, đầu tư, liên kết, liên doanh gắn với chuỗi giá trị đang góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững. KTTT giúp nâng cao thu nhập cho thành viên, người dân và xây dựng nông thôn mới hiệu quả.

Bình luận