Xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng khó

Bình luận · 99 Lượt xem

Như Thanh là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa với 14 đơn vị hành chính. Đến nay, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận, huyện đang tiếp tục gỡ các 'nút thắt',

Như Thanh có 9 xã thuộc khu vực III, vùng đặc biệt khó khăn, song nhờ nhiều chính sách phát triển kinh tế, đặc biệt là xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, đến nay, đã có 6 xã đặc biệt khó khăn về đích NTM.

Yên Lạc là một xã thuộc vùng III, vùng núi cao của huyện Như Thanh, nơi đây được bao phủ bởi một lớp đất đỏ bazan màu mỡ, là điều kiện để phát triển cây dong riềng. Chính bởi vậy, nghề miến dong ở đây được hình thành từ rất sớm, thế nhưng chỉ mang tính nhỏ lẻ, phục vụ người dân ở địa phương.

Ông Phạm Công Bảo, Giám đốc HTX Yên Lạc cho biết: “Năm 2004, HTX được thành lập với 24 thành viên tham gia, chúng tôi đã áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, từ đó cho ra sản phẩm chất lượng, năng xuất hơn. Khi sản phẩm làm ra đã nhiều, khâu tiếp theo là phải tìm được đầu ra. Thời gian đầu, từng hội viên đều rất nỗ lực để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm miến dong Yên Lạc được người tiêu dùng biết đến”.

Quy trình làm miến dong ở Yên Lạc hoàn toàn 100% tinh bột, miến được chế biến từ củ dong riềng được trồng tại địa phương, không pha trộn các loại bột khác và không sử dụng hóa chất để tẩy trắng. Miến ra khuôn được phơi nắng trên các giàn tre để không bị giòn, gãy. Sản phẩm miến dong Yên Lạc đều có chứng nhận mã số, mã vạch, có tem truy xuất nguồn gốc.

Đến nay, sản phẩm miến dong Yên Lạc đã được tiêu thụ tại hơn 20 điểm kinh doanh trong huyện, tỉnh và cung cấp đi các tỉnh, thành phố trên cả nước và trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện Như Thanh

Năm 2021, miến dong Yên Lạc được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, từ đó chất lượng và thương hiệu của sản phẩm cũng được nâng lên. Sản phẩm được Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa lựa chọn là một trong những sản phẩm tham gia quảng bá, xúc tiến thương mại tại các tỉnh thành phố trong cả nước như Hà Nội, Quảng Bình và Ninh Bình…

Hiện nay, diện tích trồng dong toàn xã Yên Lạc là 15 ha. Ngoài ra, HTX tiếp tục đẩy mạnh công việc chế biến miến dong theo hướng hàng hóa, đầu tư công nghệ hiện đại trong sản xuất gắn liền với yếu tố bảo vệ môi trường.

Được biết, năm 2022, HTX Yên Lạc tiêu thụ trên 1.500 tấn nguyên liệu củ dong riềng, đạt 30 tấn tinh bột, sản xuất ra gần 10 tấn sản phẩm là miến dong, tạo việc làm cho gần chục lao động địa phương với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, góp phần tích cực vào tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM ở địa phương. Định hướng đến năm 2025, HTX sẽ mở rộng diện tích trồng dong riềng, phấn đấu đạt 20-30 tấn miến/năm.

Quyết đạt mục tiêu

Bà Trần Thị Thu Hằng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh, cho biết: Để tháo gỡ nút thắt trong xây dựng NTM ở các xã vùng khó, UBND huyện đã và đang thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương hỗ trợ xây dựng NTM, kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các xã, thôn, bản, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế- xã hội khu vực nông thôn. Đồng thời, tăng cường thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực nhằm thực hiện có hiệu quả, bền vững chương trình trên địa bàn huyện.

Đến thời điểm hiện tại, xã Phượng Nghi đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM và đã trình các ngành thẩm định. Hiện còn các xã Thanh Kỳ, Thanh Tân, Xuân Thái chưa hoàn thành chương trình xây dựng NTM, là thách thức trên lộ trình phấn đấu đưa Như Thanh trở thành huyện NTM trước năm 2025.

Tại xã Thanh Kỳ - một trong 3 địa phương đang loay hoay với chương trình xây dựng NTM, tính đến nay mới đạt 11/19 tiêu chí NTM. Đây là xã khó khăn, địa giới hành chính rộng, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Dân cư sinh sống thưa thớt nên việc đầu tư, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, công trình phụ trợ luôn thiếu nguồn lực. Mặc dù đặt mục tiêu về đích NTM vào năm 2023, nhưng đến nay xã còn nhiều chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt, gồm: giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.

Với tiêu chí giao thông đòi hỏi nguồn đầu tư lớn nên bên cạnh sự hỗ trợ từ Nhà nước, xã đã và đang vận động nhân dân đóng góp ngày công và vật chất để hoàn thiện các nội dung tiêu chí, như tiến hành múc rãnh, đắp lề các trục đường xã bảo đảm bề rộng nền đường 6,5m; phát quang hành lang và nạo vét rãnh dọc bên đường các trục thôn và ngõ xóm.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại các xã Thanh Tân, Xuân Thái, khi số lượng tiêu chí đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới thấp. Tình trạng người lao động thiếu việc làm còn khá nhiều, thu nhập và chất lượng đời sống thấp, lại thêm địa hình hiểm trở, thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh bất thường; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh.

Mặt khác, năng lực của cán bộ cơ sở nhiều địa phương còn yếu; cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong các cơ quan hành chính còn ít, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị chưa đồng đều, công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số chưa đồng bộ... là những thách thức, trở ngại lớn trong xây dựng NTM.

Tăng tốc thực hiện hoàn thành các tiêu chí

Ông Hàn Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, Chánh văn phòng, Ban điều phối NTM của huyện chia sẻ, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều xã đặc biệt khó khăn đã vươn lên xây dựng thành công NTM như: Xã Cán Khê, Mậu Lâm; hay các xã có phong trào xây dựng NTM sôi nổi như Xuân Phúc, Yên Lạc và Phúc Đường là những xã đặc biệt khó khăn về đích NTM; những thôn còn nhiều khó khăn có nhiều thành tích trong xây dựng NTM như: Thôn Tiến Tâm, xã Mậu Lâm; thôn Tân Long, xã Yên Lạc; thôn Xuân Cường, xã Xuân Khang; thôn 2, xã Cán Khê; thôn Khả La, xã Thanh Tân; thôn 2, xã Xuân Phúc; thôn Thanh Sơn, xã Thanh Kỳ...

Từ những nỗ lực đó, huyện Như Thanh đã có 9 xã đạt chuẩn NTM, đạt 69,2%. Đối với xây dựng xã NTM nâng cao: Huyện Như Thanh có thêm 02 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Yên Thọ và xã Xuân Du), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao trên địa bàn huyện là 03 xã, đạt 23,07%. Đối với xây dựng thôn, bản NTM: Huyện Như Thanh có thêm 11 thôn, bản được công nhận thôn, bản đạt chuẩn NTM, nâng tổng số thôn, bản đạt chuẩn NTM trên địa bàn huyện hiện có 78 thôn, đạt 49,65%. Đối với xây dựng thôn NTM kiểu mẫu: Có thêm 9 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện là 14 thôn, đạt 9,79%.

Theo ông Hàn Văn Huyên, mục tiêu trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Toàn huyện Như Thanh có thêm 03 xã đạt chuẩn NTM, 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 04 thôn bản đạt chuẩn NTM; 04 thôn bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 03 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh; 03 sản phẩm đề nghị công nhận lại sản phẩm OCOP năm 2023 và Thị trấn Bến Sung đạt chuẩn đô thị văn minh. Phấn đấu năm 2024: Toàn huyện có thêm 01 xã đạt chuẩn NTM; 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 02 thôn/bản đạt chuẩn NTM; 02 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 02 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và hoàn thành 06 tiêu chí huyện NTM.

 

Bình luận