Trung Quốc trồng từ thanh long đến sầu riêng, Việt Nam lo mất thị trường tỷ dân

Bình luận · 192 Lượt xem

Các loại trái cây nhiệt đới vốn là lợi thế của nhiều nước ASEAN tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, nước này hiện đã tiến tới tự trồng các các loại cây trên, nên trái cây Việt Nam ngoài việc phải cạnh tranh khốc liệt

Một thông tin đáng chú ý mới đây mà ông Nguyễn Duy Phú, Lãnh sự thương mại, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, cho biết là Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh sản xuất, trồng trọt các sản phẩm cùng loại mà Việt Nam có ưu thế như thanh long, cà phê, cao su, sầu riêng, chanh leo…

Áp lực ngày càng tăng

Cụ thể, thống kê cho thấy tỉnh Quảng Đông có một số sản phẩm như: vải thiều (1,5 triệu tấn/năm), nhãn (1 triệu tấn/năm), chuối (4,8 triệu tấn/năm), thanh long (380 ngàn tấn/năm), xoài (trên 200 ngàn tấn/năm), chanh leo (220 ngàn tấn/năm). Diện tích trồng và sản lượng các loại trái cây trên của Quảng Đông hoặc lớn hơn Việt Nam, hoặc đang tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, thống kê cho thấy tỉnh Quảng Đông có một số sản phẩm như: vải thiều (1,5 triệu tấn/năm), nhãn (1 triệu tấn/năm), chuối (4,8 triệu tấn/năm), thanh long (380 ngàn tấn/năm), xoài (trên 200 ngàn tấn/năm), chanh leo (220 ngàn tấn/năm). Diện tích trồng và sản lượng các loại trái cây trên của Quảng Đông hoặc lớn hơn Việt Nam, hoặc đang tăng trưởng mạnh.

Tại thị trường Trung Quốc, trước đây, các loại trái cây nhiệt đới là lợi thế lớn nhất của các nước ASEAN. Nhiều loại như sầu riêng, thanh long là trái cây độc quyền của nhiều nước ASEAN, nhưng giờ đây, hầu hết các loại trái cây nhiệt đới đều trồng được tại Trung Quốc, kể cả sầu riêng.

Sầu riêng của Trung Quốc sau nhiều năm thử nghiệm thất bại, nay đã bắt đầu cho trái. Được biết, năm nay với diện tích sầu riêng khoảng 1.400 mẫu (1 mẫu Trung Quốc bằng 666,67m2) đã cho thu hoạch khoảng 50 tấn, dự kiến năm sau diện tích sầu riêng cho thu hoạch của nước này sẽ tăng lên 4.000 mẫu. Những trái sầu riêng trong vụ đầu tiên vừa qua đã được chính thức ra mắt và tiêu thụ tại TP Tam Á (Hải Nam) thuộc miền Nam Trung Quốc.

Theo đánh giá, sầu riêng được trồng tại tỉnh Hải Nam phần lớn là chín tự nhiên ngay từ trên cây nên có hàm lượng dinh dưỡng cao, hương vị đậm đà. Dự kiến, quy mô trồng sầu riêng sẽ được Trung Quốc mở rộng ra phía Bắc.

Với mặt hàng thanh long, cuối tháng 2 vừa qua, Trung Quốc công bố nước này đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long/năm, cao hơn Việt Nam 200.000 tấn. Vị trí đứng đầu thế giới về sản lượng thanh long là kết quả của nước này sau nhiều năm liên tục mở rộng diện tích từ 2016 đến nay.

Theo dự báo, nếu Trung Quốc đạt 100.000ha trong những năm tới, trái thanh long Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn bởi nhiều năm qua, 80 -90% sản lượng loại quả này được Việt Nam xuất qua Trung Quốc.

Ông Nguyễn Duy Phú đánh giá, những mặt hạn chế của nông sản Việt Nam nói chung và trái cây nói riêng là chủ yếu xuất sang Trung Quốc dưới dạng nguyên liệu (gạo, thủy sản, trái cây). Sản phẩm chế biến sâu và thương hiệu sản phẩm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc còn ít.

Về sản xuất, một số nông sản Việt Nam còn hiện tượng sản xuất, nuôi trồng ồ ạt mỗi khi thị trường được giá, dẫn đến khả năng thua thiệt, "vỡ trận" khi thị trường mất giá, gây áp lực lên tiêu thụ, trong đó có xuất khẩu.

Ông Lương Văn Tài, Tùy viên Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết vẫn còn nhiều loại nông sản Việt chưa được Trung Quốc mở cửa chính ngạch nền thị phần khiêm tốn. Người tiêu dùng Trung Quốc đòi hỏi những tiêu chuẩn cao nên sản phẩm Việt càng khó cạnh tranh với nông sản nước khác, cũng như với chính nông sản của nước này. Thêm vào đó, đa số hàng nông sản Việt Nam chưa tiếp cận được với kênh phân phối trực tiếp từ Trung Quốc.

Giảm phụ thuộc, tính bước đường dài cho trái cây Việt

Việc Trung Quốc đang lên kế hoạch làm chủ nguồn cung nông sản khiến các nhóm hàng nổi bật của Việt Nam như thanh long, sầu riêng - với khoảng 90% sản lượng đang được xuất khẩu sang thị trường này, có nguy cơ dư thừa.

Để cạnh tranh, Thái Lan đã rút ngắn thời gian đưa sầu riêng vào Trung Quốc, cũng như cung cấp cho thị trường các giống mới như Jialun - ăn có vị béo ngọt, không ngán khá giống loại sầu riêng ngon nhất thế giới là Malaysia Musang King mà người Trung Quốc ưa chuộng, với giá bán 1 kg gần 120 Nhân dân tệ, tương đương 420.000 VND, so với loại của Malaysia chưa bằng 1/2. Ở Thủ đô Bắc Kinh, giờ đây người dân có thể dễ dàng mua sản phẩm sầu riêng mới nhất, ngon nhất của Thái Lan.

Đó là chưa kể gần đây, Trung Quốc cũng đầu tư vùng trồng cây ăn trái nhiệt đới tại Lào. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần thì chất lượng, giá rẻ và an toàn thực phẩm đặt lên hàng đầu.

Do đó, trái cây Việt Nam đang đứng trước thách thức xây dựng thương hiệu tại thị trường tiêu thụ trái cây nhiệt đới lớn nhất thế giới. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho rằng với mặt hàng sầu riêng, Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh với sầu riêng Trung Quốc mà còn phải cạnh tranh với sầu riêng của Thái Lan, Malaysia, Philippines…

Ông Cường cho biết, doanh nghiệp Trung Quốc ký hợp tác với Lào trồng cây ăn trái, Malaysia ký hợp tác với Nhật trồng sầu riêng trên diện tích 1.000 ha để xuất sang Trung Quốc... "Hiện, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc rất lớn, trong giai đoạn một vài năm tới, thị trường còn tốt nhưng nếu Việt Nam phát triển nóng, tự phát không theo định hướng thì chắc chắn trong 5 năm tới sẽ lặp lại vấn đề rớt giá như thanh long, cam sành, mít thái", Cục trưởng Cục Trồng trọt cảnh báo.

Còn với thanh long, Trung Quốc sản xuất 1,6 triệu tấn thanh long tươi mỗi năm, trong khi đó Việt Nam chỉ sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn. Ngành hàng thanh long Việt Nam đang phải cạnh tranh với thanh long Trung Quốc. “Cơ bản thanh long của chúng ta chủ yếu xuất tươi nên đây là rủi ro lớn nếu thị trường Trung Quốc biến động", ông Cường nói.

Theo đó, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh các nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt cần quên ngay lập tức việc coi thị trường Trung Quốc là dễ tính, đồng thời đáp ứng tốt các yêu cầu kiểm dịch thực vật, chất lượng và giá cả, số lượng cũng cần ổn định thì mới có thể phát huy từ tiềm năng của thị trường Trung Quốc, từ đó đem lại giá trị về cho Việt Nam. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần áp dụng biện pháp như đa dạng sản phẩm, ngoài xuất tươi cần phải chế biến; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; giảm giá thành để cạnh tranh.

 

Bình luận