Phát huy mạnh mẽ vai trò của nông dân trong chặng đường phát triển bền vững

Bình luận · 193 Lượt xem

Trong 5 năm qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, nâng cao chất lượng đời sống hội viên. Các hoạt động đó đem lại nhiều kết quả thi?

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy:

Có thể thấy rằng, 5 năm qua, trong bối cảnh khó khăn chung do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, hoạt động của hội nông dân các cấp cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, đứt gãy cung – cầu; chi phí logistics, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao… Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, giáo dục ở các cấp hội vẫn được chú trọng và có chuyển biến tích cực, làm thay đổi “tư duy, nếp nghĩ, cách làm”, xây dựng hình ảnh nông dân Lạng Sơn văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, lan tỏa khát vọng đổi mới, phát triển; có trình độ học vấn và năng lực tổ chức sản xuất khá tốt; tư vấn, giúp đỡ, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất.

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” được triển khai rộng khắp, lan tỏa mạnh mẽ, khích lệ nông dân phát huy vai trò chủ thể trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng nông thôn mới. Bình quân mỗi năm có 13.556 hộ đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi; trên 51.918 lượt hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 16,27% so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, có 255 lượt hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương; 2.945 lượt hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh; 11.460 lượt hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Nông dân toàn tỉnh đóng góp trên 44 tỷ đồng, hơn một triệu ngày công, hiến trên 560.000 m2 đất xây dựng các công trình phúc lợi.

Bên cạnh đó, các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo nghề, phát triển các mô hình kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp tục được đẩy mạnh góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân. Cụ thể, các cấp hội đã hỗ trợ, giúp đỡ 4.013 hộ nông dân thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh, từ 15,83% năm 2018 xuống còn 8,92% năm 2022; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 35 triệu đồng năm 2017 lên 51,72 triệu đồng năm 2022.

Có thể khẳng định rằng, các cấp hội nông dân trên địa bàn tỉnh đã luôn bám sát sự lãnh đạo – chỉ đạo của Trung ương Hội và cấp ủy, chính quyền, phát huy tinh thần đoàn kết – trách nhiệm, từng bước khắc phục khó khăn để đạt được thành quả rất đáng ghi nhận.

Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, có ý kiến cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề chủ yếu đối với công tác hội nông dân là làm sao đảm bảo thị trường tiêu thụ nông sản, chỉ cần tìm được đầu mối bao tiêu sản phẩm thì phong trào phát triển kinh tế, làm giàu trong nông dân tự khắc phát triển. Trong thực tế công tác chỉ đạo – điều hành của tỉnh, vấn đề này được nhìn nhận thế nào?

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy:

Đúng là thị trường tiêu thụ có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung, phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Tuy nhiên, yếu tố đảm bảo thị trường tiêu thụ nông sản không thể nhìn nhận, tổ chức một cách đơn lẻ, độc lập mà phải đặt trong mối quan hệ, tác động đồng bộ với nhiều yếu tố, nhân tố khác. Nói cách khác, chỉ có thể đảm bảo thị trường tiêu thụ nông sản nếu chúng ta cơ bản đồng bộ, chuẩn hóa được các yếu tố, nhân tố liên quan. Ví dụ như: Chuẩn hóa giống, quy trình canh tác, nuôi trồng; chuẩn hóa quy trình thu hoạch và sau thu hoạch; chuẩn hóa vùng nguyên liệu với mã vùng trồng, vùng nuôi; chuẩn hóa quy trình kiểm dịch động vật, thực vật (nội địa), chất lượng và an toàn thực phẩm…

Thực tế thời gian qua, nhằm từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh, hội nông dân các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến cho hội viên, nông dân; xây dựng mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng đó, khuyến khích hội viên, nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ phù hợp với địa bàn, gắn với thị trường tiêu thụ. Qua đó, đã dần hình thành vùng nguyên liệu tập trung cung cấp cho chế biến nông sản đáp ứng yêu cầu của các nhà phân phối cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái và du lịch cộng đồng.

Đáng chú ý, những năm gần đây, các hợp tác xã, tổ hợp tác đã tích cực triển khai xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, góp phần nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh từ 15 sản phẩm năm 2017 lên 102 sản phẩm hiện nay (trong đó có 21 sản phẩm đạt 4 sao và 81 sản phẩm đạt 3 sao). Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác nỗ lực vươn lên trong sản xuất kinh doanh, phối hợp kết nối ký kết thương mại với hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn tại các tỉnh, thành phố lân cận để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tựu chung lại, để đảm bảo đạt được các mục tiêu trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân luôn cần sự phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, nhất là phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu. Trực tiếp và trước hết, đó chính là vai trò của lãnh đạo các cấp hội nông dân, thông qua sự nhiệt huyết, sâu sát, đồng hành của mình để khơi dậy những phẩm chất cao đẹp của người nông dân trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn và hội nhập quốc tế hiện nay.

Phóng viên: Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, theo quan điểm của Đảng, nông dân luôn là chủ thể, giữ vai trò trọng yếu trong mọi quá trình phát triển của đất nước nói chung và lĩnh vực nông thôn – nông nghiệp nói riêng. Với tỉnh Lạng Sơn, trong giai đoạn tới, để tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của nông dân, cần chú trọng những nội dung nào?

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy:

Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nông dân nước ta phát huy ngày càng tốt hơn vai trò là chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia hợp tác, liên kết, khôi phục và phát triển ngành nghề nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn.

Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII (ngày 16/12/2022) nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ quốc phòng, an ninh, khẳng định vai trò chủ thể của nông dân có tính quyết định đến sự thành công trong tổ chức thực hiện nghị quyết.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, tổng dân số đến hết năm 2022 là trên 823.000 người, trong đó nông dân chiếm khoảng 78% dân số. Đây cũng là một lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng. Tuy nhiên, để người nông dân đáp ứng được tinh thần mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã vạch ra, trước hết, hội nông dân cần tập trung hơn nữa trong củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức và hành động, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW; nghị quyết, chương trình của các cấp hội; quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đồng thời bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh để quán triệt, tuyên truyền làm cho cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò của nông dân và nhiệm vụ của hội nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các cấp hội tích cực, chủ động hơn nữa trong việc hướng dẫn nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất lớn; chú trọng về giá trị, chất lượng hơn là số lượng. Theo đó, phải xây dựng các đề án để đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp thông tin, tập huấn để người nông dân có đủ kiến thức, từ đó làm chủ và phát huy vai trò chủ thể của mình trong phát triển nông nghiệp cũng như kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tiếp tục tạo nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả cho nông dân phát triển kinh tế. Các cấp hội cũng cần tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp với cơ quan chức năng, doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân về vật tư, dịch vụ đầu vào đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý cũng như đảm bảo thị trường tiêu thụ, tránh để nông dân tự phát sản xuất theo trào lưu mà thiếu định hướng, quản lý của Nhà nước. Chỉ khi đảm bảo tiêu thụ nông sản thì nông dân, trước tiên là thế hệ thanh niên mới yên tâm bám bản làng, đầu tư sản xuất để thoát nghèo, làm giàu. Các xã, phường từ vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa đến đô thị mới có đủ nguồn lực để thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đảm bảo lực lượng kế thừa để xây dựng, phát triển đảng. Từ đó góp phần đảm bảo giữ vững biên cương, bảo tồn và phát huy văn hóa, truyền thống.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần phát huy cao độ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ của mình, từ tiếp thu, quán triệt quan điểm chỉ đạo, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, cụ thể hóa thành kế hoạch, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp ở từng cấp, cho đến đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời nắm bắt tình hình, hỗ trợ cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ của các cấp hội nông dân trên địa bàn.

Với tinh thần “Đoàn kết – Dân chủ – Đổi mới – Hợp tác – Phát triển”, tôi tin tưởng rằng, trong nhiệm kỳ 2023 – 2028 cũng như giai đoạn tiếp theo, công tác hội, phong trào nông dân và hoạt động của Hội Nông dân tỉnh nhà sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững.

Bình luận