Hòa Bình tiến tới thành “vựa” sản xuất nông sản hữu cơ

Bình luận · 217 Lượt xem

Hòa Bình là tỉnh có lợi thế về sản xuất nông nghiệp đặc biệt là trong việc trồng rau sạch và phát triển cây có múi.

Nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, trong những năm gần đây, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đây là xu hướng sản xuất tất yếu nhằm đưa xứ Mường trở thành vựa sản xuất nông sản sạch.

Cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc, rau sạch Lương Sơn, mía Tân Lạc, nhãn Kim Bôi… là những sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hòa Bình. Trong những năm gần đây, cả về diện tích lẫn sản lượng nông sản của Hòa Bình đều gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên để phát triển bền vững các loại cây trồng có lợi thế ở Hòa Bình cần có tầm nhìn xa hơn. Hiện nay, hầu hết các vùng sản xuất của Hòa Bình mới dừng lại ở việc trồng cây theo dạng sản xuất truyền thống. Do vậy, giá trị trên mỗi sản phẩm chưa được nâng lên và chỉ tiêu thụ nội địa là chủ yếu. Để gia tăng lợi thế và hướng tới xuất khẩu, thời gian qua ở đất Mường đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hưu cơ.

 

Những người tiên phong

 

Cách đây khoảng 10 năm, tại xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn đã hình thành tổ hợp tác chuyên sản xuất rau hữu cơ. Mỗi năm tổ hợp tác cung cấp ra thị trường cả chục tấn rau các loại. Cách sản xuất không dùng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học lúc đó là khá mới mẻ với bà con người Mường. Theo chị Bùi Thị Dung - trưởng nhóm sản xuất rau hữu cơ xóm Đầm Đa, xã Hợp Hòa (Lương Sơn) chia sẻ, thời gian đầu làm rau sạch tương đối khó vì sâu hại phá hoại nhiều. Vào mùa rau, sâu phát triển nhiều, chị em phải chong đèn đi bắt sâu. Để sản xuất ra được 1kg rau sạch, người trồng vất vả trăm đường. Bù lại, sản phẩm của tổ hợp tác được đặt mua số lượng không hạn chế và được giá hơn so với rau thông thường.

 

Để duy trì được tổ hợp tác đến ngày hôm nay, chị Dung cùng các chị em trong xóm đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Đến nay, tổ hợp tác đã đi vào sản xuất ổn định. Từ chỗ chỉ có một vài đối tác mua rau ban đầu, nay tổ hợp tác không có đủ rau để bán. "Giá bán rau hữu cơ cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với rau sản xuất thông thường. Nhưng cái khó là khó mở rộng sản xuất, vì sản xuất hữu cơ đòi hỏi phải có thời gian dài cũng như đầu tư nhiều công sức. Hiện chúng tôi đang tìm đối tác có thể đầu tư lâu dài và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá ổn định" - chị Dung chia sẻ.

 

Những nhen nhóm trong việc sản xuất hữu cơ cũng dần xuất hiện nhiều ở Hòa Bình. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã bước đầu nhập cuộc. Hòa Bình từng được ví như vựa bưởi, vựa cam ở đất Tây Bắc. Đặc biệt là trong những năm gần đây diện tích trồng cây có múi lên đến trên 10.000ha. Nắm bắt được xu thế trong việc sử dụng sản phẩm từ tự nhiên, Nông trại hữu cơ Linh Dũng (thôn Đồng Ngoài, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi) của ông Nguyễn Hồng Yến là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng mô hình hữu cơ đối với cây có múi tại Việt Nam.

 

Sau cả chục năm kiên trì, nỗ lực trồng cây theo hướng hữu cơ, đến nay ông Yến đã bước đầu gặt hái được thành quả. Sản phẩm từ trang trại được người tiêu dùng đón nhận. Từ thành quả canh tác, nông trại Linh Dũng là cơ sở sản xuất đầu tiên của Việt Nam được tổ chức NHO – QSCert cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN 11041:2015.

 

Mỗi trang trại sản xuất hữu cơ được hình thành là động lực thúc đẩy các hộ dân xung quanh làm theo. Ông Bùi Văn Thi - Giám đốc HTX Organic Hope farm (xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc) cũng là người dám đi tiên phong trong việc sản xuất sản phẩm sạch, hữu cơ. Cách đây 7 năm, ông cùng một số cổ đông đã mạnh dạn mua 30ha đất tại Thung Tra, xã Mỹ Hòa. Khi đó, giá cam bưởi đang cao ngất ngưởng, bất chấp nhà vườn canh tác kiểu gì cũng có tư thương vào mua. Thay vì làm theo cách sản xuất truyền thống của bà con, ông Thi lại có suy nghĩ khác: "Tôi mong muốn xây dựng cả một trang trại sản xuất theo hướng hữu cơ, để người tiêu dùng được hưởng lợi từ quy trình sản xuất của mình".

Ý tưởng đó đã được ông Thi và các cổ đông nỗ lực thực hiện. Đến nay, ông Thi đã trồng được 22ha cam lòng vàng, cam V2, bưởi da xanh và quýt đường. Sản phẩm làm ra đã được người tiêu dùng đón nhận. Vui hơn cả là giá bán sản phẩm từ vườn luôn cao gấp 2-3 lần so với sản phẩm thông thường.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại rộng thẳng cánh có bay, hương rừng thoang thoảng đưa, ông Thi không giấu được niềm vui: "Những năm đầu sản xuất theo hướng hữu cơ, tôi bị phê phán và bị cho là người không hợp thời. Trồng cây có múi không dùng thuốc bảo vệ thực vật là rất khó khăn. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên trì với việc dùng chế phẩm sinh học cùng việc sử dựng phân bón hữu cơ cho vườn cây. Sau 7 năm, cây trồng đã dần quen với việc này. Giờ chúng tôi đã bắt đầu gặt hái thành quả, mỗi năm thu về cả trăm tấn cam, bưởi, quýt các loại".

 

Sau mỗi năm, mô hình sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ ở đất Mường lại xuất hiện nhiều hơn. Những nhà đầu tư, hay những nông dân nung nấu gây dựng trang trại sản xuất sạch đã dày công gây dựng mô hình. Tiêu biểu như vùng trồng bưởi hữu cơ ở xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc; vùng sản xuất bưởi Diễn ở thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy; vùng nhãn hữu cơ xã Sơn Thủy, huyện Kim Bôi… Theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình, các trang trại tiến tới sản xuất hữu cơ là xu hướng tất yếu. Họ là những người đi tiên phong nhằm biến xứ Mường thành vựa sản xuất an toàn và thân thiện với môi trường.

Sản xuất đường dài

 

Xu hướng tiêu thụ sản phẩm sạch và tự nhiên đang dần được người tiêu dùng đón nhận. Hơn nữa sản xuất hữu cơ góp phần quan trọng bảo vệ môi trường cũng như người sản xuất. Nhằm đưa phong trào sản xuất sạch từ vườn lan rộng, trong những năm vừa qua, tỉnh Hòa Bình đã có sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn cho chương trình này.

 

Sau mỗi năm, sản phẩm đất Mường lại được xướng tên ở các siêu thị ở trời Tây như là nguồn động viên lớn để nông dân nơi đây tiếp tục sản xuất. Các sản phẩm như nhãn Sơn Thủy, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn thị trấn Hàng Trạm, mía tím Mỹ Hòa… đã được xuất khẩu thành công. Theo ông Nguyễn Huy Nhuận - Giám đốc Sở NNPTNT Hòa Bình, tỉnh cũng đang xây dựng chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ; thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt sản xuất trồng trọt hữu cơ. Tham mưu ban hành các tiêu chuẩn cơ sở sản xuất trồng trọt hữu cơ đối với cây trồng chưa ban hành tiêu chuẩn quốc gia, làm căn cứ sản xuất trồng trọt hữu cơ bền vững; ưu tiên các cây trồng như: Cây có múi, cây dược liệu...

 

Cũng theo ông Nhuận, tỉnh Hòa Bình đang tiếp tục duy trì diện tích sản xuất hữu cơ hiện có, mở rộng và chứng nhận diện tích sản xuất hữu cơ mới đáp ứng các tiêu chuẩn hiện hành. Tập trung các cây trồng chủ lực có thế mạnh của tỉnh như: Nhóm cây có múi, nhóm rau ăn lá, nhóm rau ăn quả, mía, chè, chuối, thanh long, gạo đặc sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Song song với đó là đẩy mạnh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các điểm bán sản phẩm hữu cơ. 

Bình luận