Tỉnh Hậu Giang phấn đấu trở thành trung tâm nông nghiệp thông minh vùng đồng bằng sông Cửu Long

Bình luận · 102 Lượt xem

Là một tỉnh có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, những năm gần đây, Hậu Giang đang triển khai nhiều chương trình, dự án để cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Một trong những mục tiêu mà Đả

Xác định những khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp 

 

Tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp thành phố Cần Thơ - đô thị trung tâm vùng. Với hệ thống sông, rạch chằng chịt, khoảng 80% dân số làm nghề nông, 70% dân số trong độ tuổi lao động, Hậu Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có khoảng 134.000ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 82.000ha sản xuất lúa, hơn 30.000ha trồng cây ăn trái, khoảng 10.500ha sản xuất mía đường, 10.700ha nuôi thủy sản. 

 

Từ khi tái lập tỉnh (năm 2004) đến nay, một trong những dấu ấn lớn trong kinh tế nông nghiệp của Hậu Giang là trong từng giai đoạn, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã xác định được những khâu đột phá để phát triển đúng hướng. Trong 5 năm đầu (2004 - 2009), tỉnh tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp thông qua các chiến dịch giao thông, thủy lợi mùa khô hằng năm; quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa lớn và từng bước xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu một số loại nông - thủy sản chủ lực. Trong 5 năm tiếp theo (2009 - 2014), tỉnh tiếp tục tập trung nhiều nguồn lực xây dựng, củng cố hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó nổi bật là Dự án kè Kinh Xáng Xà No, hệ thống đê ngăn mặn và Chiến dịch thủy lợi - giao thông nông thôn. Giai đoạn 2014 - 2018, tỉnh tập trung triển khai mạnh mẽ các chương trình, đề án, dự án phục vụ cho cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 915 vùng thủy lợi khép kín, bảo đảm phục vụ tưới tiêu hoàn chỉnh cho gần 78.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong phát triển thủy sản, tỉnh đã xây dựng và phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn, chất lượng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), SQF 1.000, từng bước hình thành vùng nuôi cá tra tập trung ở huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy; nuôi cá đồng ở các huyện Long Mỹ, Vị Thủy; nuôi ba ba, cua đinh, lươn,... ở nhiều địa phương khác. 

 

Đặc biệt, từ năm 2014 Hậu Giang triển khai “Đề án 1.000” để xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, hướng đến ứng dụng công nghệ cao, phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững. Theo đề án này, việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản từng bước được định hình theo quy trình sản xuất, theo chuỗi giá trị đối với những loại nông sản có thị trường và hiệu quả kinh tế cao; tăng cường chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản và chế biến, tăng giá trị sản xuất trên cùng diện tích canh tác, qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2014 đến 2016, tỉnh chuyển đổi 1.000ha trồng 3 vụ lúa sang trồng 2 vụ lúa - 1 vụ màu hoặc 2 vụ lúa - 1 vụ nuôi thủy sản; chuyển 1.000ha đất trồng mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác; chuyển 1.000 ha vườn tạp sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ 1.000 hộ chăn nuôi theo phương thức chuồng trại khép kín, bảo đảm an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường... 

 

Qua 5 năm thực hiện “Đề án 1.000”, đến nay Hậu Giang đã định hình và xây dựng được vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao với diện tích 32.000ha, vùng nguyên liệu mía: 10.300ha, vùng nguyên liệu khóm: 1.500ha, vùng cây ăn trái đặc sản: 2.500ha, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 1.500ha. Tỉnh đã có 10 nông sản chủ lực được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa nông sản là: Bưởi Năm roi Phú Hữu, cam sành Ngã Bảy, cá thát lát Hậu Giang, khóm (dứa) Cầu Đúc, chanh không hạt Hậu Giang, lúa Hậu Giang 2, cá rô Hậu Giang, quýt đường Long Trị, xoài cát Hậu Giang, cam xoàn Phụng Hiệp. Trong đó, cam sành Ngã Bảy, cá thát lát Hậu Giang, khóm (dứa) Cầu Đúc đã phát triển thành thương hiệu nổi tiếng trên thị trường cả nước.

 

Chuyển dần sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh

 

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Hậu Giang xác định hướng đi riêng trong phát triển kinh tế nông nghiệp là tập trung phát triển nông nghiệp xanh, hướng tới nền nông nghiệp thông minh. Thực tiễn phát triển nông nghiệp hơn 15 năm qua và thông qua một số chương trình, kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, Hậu Giang có nhiều tiềm năng ứng dụng công nghệ cao và tiếp cận nông nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất một số loại nông sản, thủy sản chủ lực, trên cơ sở đó phát triển thành một Trung tâm Nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh của vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

 

Trong sản xuất lúa gạo, tỉnh có điều kiện áp dụng các công nghệ ứng dụng viễn thám trong quản lý sản xuất và sâu bệnh, công cụ quản lý cây trồng trên điện thoại thông minh, áp dụng phân bón thông minh, sản xuất lúa gạo theo phương pháp hữu cơ, theo chuỗi giá trị, tổ chức theo hợp tác xã. Trong sản xuất cây ăn trái, một số khu vực sản xuất các loại nông sản đã có thương hiệu trên thị trường, như khóm (dứa) Cầu Đúc, quýt đường Long Trị, bưởi Châu Thành, có điều kiện ứng dụng công nghệ để tự động hóa, cơ giới hóa đồng bộ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản. Trong lĩnh vực nuôi thủy sản, các loại cá da trơn, cá thát lát vốn là thế mạnh của tỉnh, đang có những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu, thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ của nông nghiệp 4.0 như tự động hóa, in-tơ-nét kết nối vạn vật (IoT), hoặc kết hợp giữa canh tác thủy sản với sản xuất rau, hoa, quả.

 

Trên thực tế, những năm gần đây, Hậu Giang đã khởi động và triển khai nhiều chương trình, dự án hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao.  

 

Tỉnh đã thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang tại huyện Long Mỹ với diện tích 5.200ha, kèm theo đó là nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư làm nông nghiệp 4.0, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông sản. Khu nông nghiệp này đang hợp tác với đối tác Hàn Quốc triển khai thí điểm canh tác lúa với các chế phẩm sinh học, bước đầu đã đạt một số kết quả khả quan. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến đạt hiệu quả cao, với các sản phẩm như cá thát lát cườm, dứa, xoài, chanh không hạt, mãng cầu,... Thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã hợp tác với Công ty cổ phần Nông trại sinh thái Ecofarm thực hiện các dự án hỗ trợ nông dân trồng dưa hấu VietGAP, chanh không hạt VietGAP. Đây là cơ sở để Hậu Giang tiếp tục triển khai các dự án thực hành nông nghiệp thông minh với Ecofarm và nhiều doanh nghiệp khác trong giai đoạn 2020 - 2025. 

 

Cuối tháng 12-2018, tại “Diễn đàn Kinh tế Xanh năm 2018 - Hậu Giang xây dựng chuỗi giá trị nông sản trên nền tảng lô-gis-tíc”, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã ký kết 11 thỏa thuận hợp tác đầu tư, phát triển sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cụ thể, tỉnh đã ký thỏa thuận xúc tiến xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang thị trường Trung Quốc với đại diện Hiệp hội Nông nghiệp Trung Quốc - ASEAN; ký biên bản triển khai thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Geumsan (Hàn Quốc); ký thỏa thuận nghiên cứu đầu tư nhà máy chế biến rau, củ, quả với Lavi Farm; ký thỏa thuận nghiên cứu đầu tư “Ngôi nhà khởi nghiệp xanh” với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ; ký kết nghiên cứu đầu tư khu công nghiệp chế biến sâu với Công ty cổ phần Green Logistics; ký kết nghiên cứu đầu tư phát triển vùng trồng liên kết nguyên liệu rau, củ quả, với Công ty cổ phần Nông trường xanh (Green Farm); ký thỏa thuận đầu tư Trung tâm hỗ trợ nông dân với Lavi Farm; ký thỏa thuận nghiên cứu đầu tư hệ thống đào tạo nguồn nhân lực Green EDU. Đầu tháng 4-2019, thông qua chương trình hợp tác với Tập đoàn Rynan Holding JSC (do một Việt kiều Mỹ làm Chủ tịch), mô hình canh tác lúa thông minh đầu tiên của Hậu Giang đã được triển khai thí điểm tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy. Bước đầu, mô hình này thu hút 12 nông hộ tham gia trên diện tích 12ha. Những thửa ruộng canh tác lúa thông minh giảm được trên 30% lượng nước tưới; 50% chi phí nhân công và lúa giống, 40% lượng phân bón; giảm sâu bệnh và tăng gần 20% lợi nhuận so với canh tác lúa theo quy trình thông thường.

 

Hướng đến trung tâm nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh vùng đồng bằng sông Cửu Long

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng nhìn chung, nền nông nghiệp Hậu Giang vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, hạn chế.

 

Tuy giàu tiềm năng, nhưng nông nghiệp Hậu Giang đến nay chủ yếu vẫn phát triển về số lượng, dựa vào tài nguyên và lao động, chi phí sản xuất cao, chất lượng và giá trị sản phẩm còn thấp, chưa đủ sức tham gia sâu vào những khâu có giá trị gia tăng cao của chuỗi giá trị nông sản trên thị trường trong và ngoài nước. Hiện tại, tỉnh vẫn chưa có các doanh nghiệp chế biến nông sản sâu đủ mạnh nên giá trị của nhiều loại nông sản chưa được tối ưu hóa.

 

Các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp tuy có phát triển, nhưng còn rất ít; phần lớn nông dân chủ yếu vẫn sản xuất theo thói quen, kinh nghiệm truyền thống; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chưa thực sự phát triển nên khó kiểm soát chất lượng, khó truy xuất nguồn gốc. 

 

Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp thiếu và yếu, chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; cơ sở chế biến tại các vùng sản xuất chưa bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất lớn; hệ thống logistics chưa phát triển, thiếu khả năng kết nối các trung tâm cung ứng nông sản, dẫn đến chi phí cao, ảnh hưởng đến chất lượng, giá cả nông sản do bảo quản kém, vận chuyển chậm. 

 

Năng lực ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất của nông dân còn thấp; mối liên kết giữa nông dân - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - ngân hàng - cơ quan quản lý nhà nước chưa chặt chẽ nên khó xây dựng thương hiệu, khó xây dựng chuỗi ngành hàng; các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thường không bảo đảm tính ổn định, dẫn đến tình trạng giá cả nhiều loại nông sản thường xuyên không ổn định.

 

Tác động xấu của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp ngày càng rõ nét; hạn hán, xâm nhập mặn, mưa trái mùa, dịch bệnh,... ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường. Trong khi đó, tình trạng thiếu nguồn lao động nông nghiệp có chất lượng và khả năng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất vẫn đang phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh.

 

Từ những thành tựu và những khó khăn, hạn chế trong quá trình phát triển nông nghiệp hơn 15 năm qua, theo khuyến nghị của nhiều nhà quản lý, chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học, để vươn lên trở thành một trung tâm nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp căn bản sau:

 

Thứ nhất, triển khai thực hiện tốt việc xây dựng, vận hành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ làm nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời cải tiến cơ chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Có cơ chế đặc thù khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiếp cận và ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư, ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo, nhập nội, nhân giống cây trồng, vật nuôi có hàm lượng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhất là thích ứng với biến đổi khí hậu, để nâng cao hiệu quả canh tác, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, bảo vệ môi trường, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của các loại nông, thủy sản trên thị trường . 

 

Thứ hai, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các ngân hàng, các cơ quan truyền thông và nông dân. Trong đó, người nông dân, với vai trò là chủ thể, phải được tạo điều kiện, hướng dẫn chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy trước đây sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp; chuyển từ cách nuôi trồng theo tập quán, kinh nghiệm, thói quen sang cách làm kinh tế chuỗi theo hướng dẫn của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước và phải luôn chủ động tự tìm tòi, học hỏi, nâng cao kiến thức để tiếp thu, ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất.

 

Thứ ba, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành khoa học và công nghệ tăng cường phối hợp với nhau và phối hợp với các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, các công ty, doanh nghiệp để thực hiện đặt hàng nghiên cứu, tổ chức chuyển giao, ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu theo công nghệ tiên tiến, công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp; từ đó triển khai, trình diễn, thử nghiệm để xây dựng và nhân rộng các mô hình. Đồng thời, tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, cán bộ quản lý hợp tác xã, nông dân thông qua các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, tỉnh cần có chính sách thỏa đáng trong hỗ trợ đầu tư, kêu gọi đầu tư vào các ngành hàng, các loại nông sản, thủy sản trọng tâm được lựa chọn để ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp hữu cơ,... Trong đó, ưu tiên đầu tư cho các hợp tác xã nông nghiệp, các mô hình hợp tác giữa hợp tác xã với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Để bảo đảm thực hiện tốt yêu cầu này, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, chính quyền các địa phương cần tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia hợp tác xã, các mô hình kinh tế hợp tác để liên kết với các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, từ đó xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu nông sản. 

 

Thứ năm, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh tư vấn, chuyển giao một phần hoặc trọn gói các công nghệ thuộc lĩnh vực nông nghiệp thông minh hoặc thường xuyên phối hợp với nông dân thực hành nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh ở các địa phương trong tỉnh thông qua các dự án hợp tác đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp, các dự án đầu tư nông nghiệp thông minh kết hợp với du lịch nông nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; áp dụng các công nghệ mới, hướng dẫn và giám sát quá trình sản xuất của nông dân, cung ứng giống, phân bón, tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thiết bị, công nghệ,... và bao tiêu sản phẩm cho các hợp tác xã theo hợp đồng.

 

Thứ sáu, tỉnh cần có chương trình, dự án cụ thể để đào tạo, lựa chọn đào tạo nguồn nhân lực cho những ngành hàng, những loại nông sản được lựa chọn sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh. Việc đào tạo có thể được thực hiện thông qua các chương trình hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp trong nước hoặc tổ chức đưa cán bộ, nông dân ra nước ngoài học tập để nắm bắt các thành tựu công nghệ mới, công nghệ cao về áp dụng tại địa phương. Song song đó, chính quyền địa phương cần tạo các điều kiện thuận lợi nhất (về vốn, đất đai, thuế, đào tạo lao động,...) để những nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp có quyết tâm, có thiện chí mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh./.

Bình luận