Nông dân Ba Nhựt: Làm giàu từ cây lúa quê hương

Bình luận · 215 Lượt xem

Với sông ngòi, kênh rạch chằng chịt nên Bến Tre luôn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, nhiễm mặn… Dù vậy, anh chàng nông dân chân đất Ba Nhựt với bản tính cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám làm, đã mạnh dạn nghiên cứu,

Một ngày cuối tháng 9 mới đây, chúng tôi có dịp về thăm anh Ba Nhựt (tên thật là Phạm Văn Nhựt, sinh năm 1963) ở xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm (Bến Tre). Dù đang là buổi trưa lại có những cơn mưa nặng hạt, nhưng anh Nhựt vẫn ở ngoài đồng, vội vã san phẳng từng thớ đất, dọn dẹp từng bụi cây cỏ dại để chuẩn bị xuống giống cho mùa vụ mới.

 

Anh Hoàng Trung – một người bạn đồng nghiệp tại Bến Tre đưa tay chỉ về hướng đồng ruộng rộng lớn xung quanh nhà anh Nhựt cho biết: “Mấy chục năm trồng lúa vẫn không khá, anh Nhựt nhận ra nông dân bán lúa tươi ngay tại ruộng với giá quá thấp. Vì vậy, anh ấy quyết làm lúa sạch theo quy trình hữu cơ và đăng ký nhãn hiệu. Từ đó, anh không bán lúa tươi tại ruộng mà đầu tư nhà máy xay ra thành gạo, đóng gói rồi bán ra thị trường mang thương hiệu Ba Nhựt. Nhờ vậy, giá trị từ hạt lúa của gia đình anh làm ra đã tăng lên gấp nhiều lần so với trước đây”.

 

Theo Hoàng Trung, giờ đây, dù có của ăn của để, mỗi năm thu về lợi nhuận tiền tỷ, tậu được đất đai “cò bay thẳng cánh”, nhưng suốt ngày anh Nhựt hết chuyện đồng áng rồi chăm sóc đàn bò, xay lúa nên không ngơi tay. Quy trình làm chuỗi giá trị của anh theo kiểu nông dân đã khép kín gần như toàn bộ, không bỏ thứ gì từ cây lúa. Cụ thể như khi thu hoạch lúa phần rơm đem về nuôi hàng chục con bò lấy phân để trồng cỏ, trồng lúa; một phần gạo được nấu rượu lấy hèm cho bò ăn; trấu cung ứng cho cơ sở nuôi gà để đổi lại phần phân gà đem về ủ làm phân hữu cơ, phần cám thu được khi xay lúa sẽ bán để làm mỹ phẩm...

Nhận thấy chúng tôi đang đứng đợi, anh Nhựt vội vàng vào nhà tắm rửa, thay đồ tiếp khách. Bên bình trà nóng, anh kể cho mọi người nghe về quãng đời mấy chục năm làm ruộng, bám đất giữ làng, quyết chí vươn lên để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Anh nói rằng, vào năm 1987, anh xuất ngũ từ chiến trường Campuchia về quê tiếp tục nghề trồng lúa của gia đình. Là con trai duy nhất trong nhà, anh xin cha cho ra đồng ở để vừa chăn nuôi, vừa trồng trọt nhằm quyết chí tự lập. Ban đầu, vợ chồng anh phải ngủ chuồng trâu, chỉ trồng được 3 công lúa để mưu sinh.

 

“Bởi được rèn luyện trong môi trường quân đội nên giúp bản thân tôi có tính nhẫn nại, cần cù, chịu khó trong việc đồng áng. Với ý chí và nghị lực vươn lên của mình, tôi quyết thay đổi tập quán sản xuất cũ bằng cách bán đàn trâu, mua chiếc máy cày đi cày thuê, cày mướn. Từ đó, hiệu quả được nâng lên gấp nhiều lần so với dùng sức kéo của trâu và đã giúp tôi tích góp, mua thêm nhiều ruộng đất sản xuất”, anh bộc bạch.

 

Theo anh Nhựt, trong suy nghĩ nếu không nâng cao tay nghề thì việc trồng lúa, làm nông nghiệp cũng không bao giờ khá lên được. Vì thế, năm 1995, anh tham gia khóa tập huấn phục tráng, lai tạo giống lúa của Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long tổ chức. Sau khi hoàn thành khóa học này, anh nắm chắc và vận dụng nghiêm quy trình canh tác lúa hữu cơ vào thực tế cánh đồng. Anh đã phục tráng thành công nhiều giống lúa tại địa phương, trong đó có OC10 - một giống lúa nổi tiếng hàng đầu về năng suất và chất lượng làm bánh, bún, hủ tiếu. Anh cũng lai tạo thành công một số giống mới được Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long công nhận và đặt tên.

Điều đặc biệt hơn nữa là người cháu lao động bên Nhật Bản biết anh quá mê cây lúa, nên năm 2011 mang về tặng anh một bông lúa thảo dược màu tím. Thấy giống lúa lạ, anh tỉ mỉ nhân giống rồi đưa ra trồng đại trà. Khi lúa làm ra, xay gạo nấu cơm ăn rất ngon nhưng bán chẳng ai mua vì lạ, màu tím. Khó khăn với đầu ra, anh liền nghĩ cách đem gạo gửi xét nghiệm các thành phần rồi đăng ký nhãn hiệu. Đến nay, anh có 2 nhãn hiệu mang tên mình là gạo tím Ba Nhựt và nếp cẩm Ba Nhựt được làm theo quy trình hữu cơ cho chất lượng tốt.

 

Khi được hỏi vì sao đến nay ở địa phương này chỉ có mỗi mình anh làm giống lúa tím? Anh Nhựt cười nhẹ, vui vẻ nói: “Trước đây, mặc dù tôi có giới thiệu cho nhiều người, nhiều nơi nhân rộng nhưng kết quả test sau thu hoạch đều không được khách hàng chấp nhận, chỉ có ruộng lúa của riêng tôi là đạt yêu cầu. Nguyên do chính là lúa của họ có quá nhiều lưu lượng phân thuốc hóa học, còn trên đồng ruộng của tôi là tuân thủ quy trình sản xuất sạch, hữu cơ”.

 

Chia sẻ thêm về giống lúa của mình, anh Nhựt nói rằng đợt hạn mặn lịch sử đầu năm 2020 thì trên hầu hết những cánh đồng lúa ở địa phương này gần như mất trắng toàn bộ. Vậy mà cánh đồng khảo nghiệm giống LH 14 của anh Nhựt vẫn trụ vững với năng suất 3 tấn/ha khi nước mặn trên ruộng đã 6‰. Nhiều nông dân xung quanh đến tham quan, trách anh sao không đưa giống cho họ trồng trong mùa hạn mặn giống như vậy. Và anh Nhựt cho hay chỉ trồng khảo nghiệm xem kết quả như thế nào, nếu thất bại mình anh chịu, còn thành công thì năm sau sẽ cùng bà con làm giống chịu mặn này.

 

Đang chuyện trò vui vẻ, anh Nhựt bảo chúng tôi chờ anh trong giây lát, và anh vội vàng ra sau mang đem lên một chậu có 3 cây lúa mà theo anh đây là giống mới có màu vàng từ thân đến hạt vừa được anh lai tạo thành công và chuẩn bị nhân rộng. Nhìn thấy anh ngắm, nâng niu từng nhánh cây, cành lá, chúng tôi cảm nhận được tình yêu và niềm đam mê của anh dành trọn cho cây lúa. Và giờ đây, dù đã có trong tay hơn 3,5ha đất lúa, cùng hàng chục con bò và nhiều phương tiện, máy móc, nhà xưởng phục vụ cho sản xuất để rồi mỗi năm cho thu nhập tiền tỷ nhưng anh Ba Nhựt vẫn ngày ngày chăm chỉ việc đồng áng với mong muốn làm sao cùng người dân nơi đây vẫn luôn chú trọng mở rộng canh tác từ cây lúa, quyết vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình.

Bình luận