Tạo đà hình thành nền nông nghiệp sinh thái, minh bạch, trách nhiệm

Bình luận · 206 Lượt xem

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nêu rõ, đến năm 2045, hình thành “nền nông nghiệp sinh th?

Bài 1: Hành trình chuyển đổi từ “lượng” sang “chất”

 

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, yêu cầu đặt ra đối với nền nông nghiệp là phải tuân thủ đầy đủ các quy định về chất lượng nông, lâm, thủy sản, môi trường, lao động… từ các nước nhập khẩu. Đây là xu thế tất yếu mà nền nông nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng bắt nhịp.

 

Hiện nay, hầu hết các ngành hàng như thủy sản, rau quả, lúa gạo, lâm nghiệp… đều đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ “lượng” sang “chất”, đáp ứng các quy định cụ thể về phát triển minh bạch, trách nhiệm và bền vững của từng thị trường trên thế giới.

 

“Sâu rễ, bền gốc” từ sản xuất

 

Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong phong trào nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, mấy năm gần đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã kiên trì thực hiện các quy trình canh tác theo tiêu chuẩn bền vững quốc tế (SRP).

 

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Trưởng phòng Xuất khẩu công ty cho biết: Đây là quy trình được Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ban hành; tổ chức xác nhận là Control Union/GlobalGAP. Diện tích canh tác của Lộc Trời hằng năm tương đương 500.000 ha/mùa vụ, mỗi vụ kéo dài trung bình 123 ngày, phần lớn canh tác ba vụ/năm.

 

Đồng thời, Lộc Trời là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên thế giới được đánh giá SRP 100 điểm trong ba năm liên tục từ năm 2020-2022 trên diện tích canh tác khoảng 250 ha/năm. Với mô hình SRP 100, hiện có 14 nông dân canh tác trên 100 ha, liên tục 12 vụ từ năm 2020-2023, dùng các phương pháp đặt hệ thống đo mực nước trên ruộng, áp dụng kỹ thuật tưới ướt xen kẽ, sử dụng máy bay không người lái (drone) phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm Trico, ghi chép nhật ký đồng ruộng và cập nhật trên nhật ký đồng ruộng điện tử. Giảm hóa chất, giảm lượng nước, xử lý rơm rạ đúng cách đã đưa đến giảm phát thải khí nhà kính; giảm ô nhiễm đất, nước, không khí. Từ đó, nhận thức của nông dân cũng tăng lên.

 

Bên cạnh đó, hệ thống MRV (công cụ đánh giá các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính) của Lộc Trời được triển khai từ năm 2018 và đến nay đã được số hóa gần như toàn bộ, có thể truy xuất trực tuyến cũng như xác minh trực tiếp tại đồng ruộng với nông dân và trên thực địa. Tùy thuộc vào cách đo của hệ thống MRV nào được áp dụng, chỉ việc nhân với diện tích canh tác thì sẽ có được số lượng chứng chỉ carbon tương ứng. Lộc Trời đang tìm kiếm các đối tác, nhà đầu tư để cung cấp chứng chỉ carbon cho thị trường, cả trong nước và quốc tế.

 

Cùng với gạo, trái cây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành rau quả Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Sự khởi sắc đó cũng bắt nguồn bằng sự thay đổi từ gốc các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất-thu hoạch-chế biến và tiêu thụ. Điểm sáng thu hút nhiều sự chú ý trong canh tác và tiêu thụ trái cây mấy năm gần đây chính là trái vải thiều của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Nhiều năm trước, nói đến vải thiều là người ta nghĩ đến tình trạng rớt giá, dội chợ, ế hàng… thì giờ đây, trái vải được đón nhận khắp thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

Ông Ngô Văn Liên, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hải (xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn) cho biết: Hợp tác xã có 50 ha vải, sản lượng khoảng 500 tấn/năm. Lúc cao điểm, giá vải lên tới 35.000 đồng/kg, với sản lượng trung bình 10 tấn/ha, trừ chi phí, nông dân có thể thu lợi nhuận hơn 60%. Hiện hợp tác xã có 6 ha sản xuất theo tiêu chí GlobalGAP, còn lại là VietGAP, có 10 ha được Nhật Bản cấp mã số vùng trồng; tất cả diện tích được Trung Quốc cấp mã số vùng trồng và một số ít diện tích được cấp mã số vùng trồng từ thị trường châu Âu, Australia…

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thế Thi thông tin, 90% diện tích trồng vải của toàn huyện Lục Ngạn hiện không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, qua kiểm tra các chỉ số về dư lượng đều đạt, thậm chí dưới ngưỡng yêu cầu rất nhiều. Chính vì vậy, năm 2023, toàn huyện Lục Ngạn tiêu thụ thành công 128.120 tấn quả, riêng xuất khẩu chiếm 60,29% tổng sản lượng tiêu thụ.

 

Kiên trì, quyết liệt trong quản lý

 

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng. Trung Quốc, Mỹ, New Zealand và Australia là những thị trường có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói với 3.975 mã số vùng trồng (chiếm 57,7%) và 626 mã số cơ sở đóng gói (chiếm 39,4%).

 

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Những kết quả từ việc cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói là tiền đề cho những bước tiến mới trong công tác mở cửa thị trường. Năm 2022, mặt hàng sầu riêng, khoai lang, ớt, chanh leo đã được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu chính ngạch; chuối được chuẩn hóa quy định theo hình thức nghị định thư.

 

Năm 2023, đối với thị trường Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục thực hiện chuẩn hóa quy định đối với các sản phẩm truyền thống khác, gồm: dưa hấu, mít, nhãn, vải, chôm chôm, thanh long và xoài; đàm phán ký nghị định thư đối với nhóm quả có múi, dừa, dược liệu. Đối với các thị trường khác, hiện đã mở cửa thành công quả dừa sang Mỹ, đang tiếp tục đàm phán đưa quả chanh leo sang Australia, Mỹ; bưởi sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ; hoa cắt cành sang New Zealand.

 

Về các vấn đề tiêu chuẩn chất lượng hàng nông sản, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) cho biết: Thời gian qua, Văn phòng SPS Việt Nam đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để các đơn vị liên quan hiểu đúng việc cảnh báo vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật trong thương mại nông sản quốc tế. Đó là việc quốc gia nhập khẩu đưa ra cảnh báo về hàng hóa bị lỗi, bao gồm: Vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất kháng sinh, vi sinh vật hoặc chất phụ gia… vượt ngưỡng cho phép. Các hình thức xử lý có thể là thông báo cho nhà sản xuất, tạm giữ hàng, trả lại hàng, thu hồi tiêu hủy; tăng tần suất kiểm tra, yêu cầu thủ tục chứng nhận hoặc cấm nhập khẩu. Văn phòng SPS Việt Nam đã biên soạn các tài liệu hướng dẫn riêng của từng thị trường vì ngoài những quy định chung, mỗi thị trường lại có các tiêu chuẩn riêng.

 

Bình luận