Lâm Đồng bảo vệ thương hiệu chè, giữ thị trường 34 triệu USD

Bình luận · 244 Lượt xem

Hàng loạt các biện pháp trong tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến đang được tỉnh cao nguyên rốt ráo tăng cường nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Lấy chuỗi sản xuất và giống làm hạt nhân

Lâm Đồng là tỉnh miền núi nam Tây Nguyên có độ cao từ 200 - 2.200m so với mực nước biển, thời tiết ôn hòa, mát mẻ quanh năm với nhiệt độ trung bình từ 21 - 22oC. Đây là địa phương được đánh giá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, trong đó có trên 200 nghìn ha thuộc vùng đất bazan ở các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt phù hợp cho phát triển cây chè.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có trên 11 nghìn ha chè, năng suất bình quân khoảng gần 15 tấn/ha, sản lượng đạt trên 160 nghìn tấn. Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng thông tin thêm, hiện nay, huyện Bảo Lâm là địa phương có diện tích chè lớn nhất của tỉnh với trên 7 nghìn ha, tiếp đến là thành phố Bảo Lộc với khoảng 2,5 nghìn ha, còn lại huyện Lâm Hà, thành phố Đà Lạt, Di Linh. Đạ Huoai có diện tích từ 160ha đến trên 500ha.

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Lâm Đồng có trên 11 nghìn ha chè với sản lượng đạt trên 160 nghìn tấn. Ảnh: Minh Hậu.

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Lâm Đồng có trên 11 nghìn ha chè với sản lượng đạt trên 160 nghìn tấn. Ảnh: Minh Hậu.

Những năm gần đây, Lâm Đồng đã tổ chức chuyển đổi giống nhằm phát triển ngành chè. Theo đó, diện tích chè hạt giống cũ hàng năm được tỉnh này xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang diện tích chè có năng suất, chất lượng cao gắn với các doanh nghiệp thu mua, chế biến như giống TB14, Olong, tứ quý, kim tuyên, Ngọc Thúy. Cùng với đó là xây dựng, mở rộng diện tích sản xuất chè chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, chè theo hướng công nghệ cao.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong vấn đề sản xuất, thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã liên kết với nông dân, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, ngành chè của địa phương cũng nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, các dự án nên năng lực sản xuất được nâng cao, an toàn và hiệu quả.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu riêng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Ảnh: Minh Hậu.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu riêng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 19 chuỗi sản xuất chè với trên 300 hộ liên kết với tổng diện tích 1,6 nghìn ha và sản lượng chè búp tươi khoảng 40 nghìn tấn. Trong lĩnh vực chế biến, tỉnh này hiện có khoảng 155 doanh nghiệp đầu tư với công suất gần 30 nghìn tấn mỗi năm và 90 cơ sở chế biến chè với quy mô trên 17 nghìn tấn/năm. Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè được tập trung đầu tư tại thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, Lâm Hà.

Diện tích chè áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Lâm Đồng đến cuối năm 2022 là trên 300ha, ước sản lượng trên 6 nghìn tấn. Diện tích sản xuất theo hướng công nghệ cao khoảng 3,5 nghìn ha (chiếm trên 31% tổng diện tích chè của tỉnh). Hiện nay tỉnh Lâm Đồng công nhận 1 vùng chè sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 376ha tại huyện Bảo Lâm và đang triển khai thực hiện để công nhận 1 vùng chè sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 600ha tại thành phố Bảo Lộc.

Về vấn đề thị trường ông Nguyễn Văn Châu thông tin, ngoài việc cung ứng một lượng lớn chè cho thị trường trong nước, mỗi năm địa phương xuất khẩu khoảng 15 nghìn tấn chè các loại qua các thị trường như Đài Loan, Pakistan, Afganistan, Nga, Mỹ… và thu về 34,5 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu chè của địa phương được xác định chiếm khoảng 5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và 11% kim ngạch nông sản xuất khẩu.

Phổ cập tiêu chuẩn GAP, an toàn, tiến tới sản phẩm cao cấp

Hiện nay, để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chè, tỉnh Lâm Đồng triển khai hàng loạt các giải pháp. Theo đó, địa phương này khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu riêng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, nhất là những sản phẩm chè có thị trường xuất khẩu ổn định. Đồng thời tăng cường quản lý kỹ thuật, thực hiện các khảo nghiệm xác định các loại thuốc thế hệ mới, thuốc sinh học có khả năng phòng trừ các loại sâu bệnh hại chè nhằm nâng cao chất lượng nguyên liệu tại các vùng trồng chè.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng tập trung vào xây dựng vùng sản xuất chè ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Cùng với đó là đào tạo đội ngũ khuyến nông nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất chè an toàn theo hướng GAP, tiến tới sản xuất chè hữu cơ, tạo ra bước đột phá cho ngành chè Lâm Đồng.

Bà Nguyễn Thùy Quý Tú, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Lâm Đồng cho biết, hiện nay ngành nông nghiệp đang thực hiện các chương trình hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là về cơ cấu giống mới, thu hái, sơ chế, tiến tới đầu tư sản xuất các sản phẩm có chứng nhận, đạt tiêu chuẩn “an toàn thực phẩm” để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện các chương trình hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Ảnh: T.C.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện các chương trình hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Ảnh: T.C.

Tỉnh cũng tiến hành rà soát tất cả các cơ sở sản xuất chè và xác định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời quản lý chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây chè, đảm bảo không vượt quá quy định của các thị trường lớn trên thế giới.

Song song với việc tổ chức sản xuất, đảm bảo chất lượng chè, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng còn hướng đến tăng cường thu hút các dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp các cơ sở chế biến, đóng gói, đóng hộp theo tiêu chuẩn tiêu dùng và xuất khẩu. Đồng thời có chính sách tín dụng hỗ trợ khâu sản xuất nhằm tái canh vườn chè và hỗ trợ cơ giới hóa trong khâu thu hái.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thông tin, hiện nay, trong vấn đề thị trường, cùng với việc giữ vững các thị trường truyền thống, địa phương đang tập trung vào tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt tăng cường đổi mới dây chuyền và công nghệ chế biến nhằm bảo đảm chất lượng. Việc tìm hiểu khẩu vị, thị hiếu của người tiêu dùng của các thị trường cũng đang được đề cao. Ngành chè Lâm Đồng cũng hướng đến nghiên cứu và tổ chức sản xuất các loại chè cao cấp có sức cạnh tranh cao như chè ướp hương hoa quả, các loại nước chè đóng hộp, các loại chè thuốc, chè thảo mộc.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hồi đầu tháng 5 vừa qua, Chính phủ Afghanistan đã thông báo trên truyền hình về lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu các loại chè của Việt Nam có sử dụng hóa chất nhuộm chè. Đồng thời, các doanh nghiệp nhập khẩu chè Pakistan cũng đã cảnh báo việc sử dụng hóa chất nhuộm chè đến Hiệp hội Chè Pakistan và Hải quan Pakistan. Cùng với đó, các cơ quan hữu quan của Pakistan đang nghiên cứu siết chặt các thủ tục kiểm tra chất lượng chè nhập khẩu từ Việt Nam. Đầu tháng 6, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu sang thị trường Pakistan, Afghanistan về việc phòng ngừa sử dụng hóa chất nhuộm chè.

Mới đây, qua kiểm tra, rà soát việc sử dụng hóa chất nhuộm chè đối với 5 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu sang thị trường Pakistan và Afghanistan, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng xác định các doanh nghiệp này không sử dụng hóa chất trong quá trình chế biến và đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm. Từ kết quả này, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng chưa tiến hành thành lập đoàn kiểm tra và giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT, các đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo và phòng ngừa việc sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, chế biến chè.

Bình luận