Chuyển giao con giống bào ngư vành tai

Bình luận · 870 Lượt xem

Việc các nhà khoa học nghiên cứu thành công và chuyển giao quy trình sản xuất giống bào ngư vành tai đã giúp người dân giải quyết được vấn đề then chốt.

Giá trị nhưng đã cạn kiệt

Bào ngư là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon bổ dưỡng, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Bào ngư không chỉ được chế biến thành thực phẩm mà còn có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Hiện tại trên thị trường, bào ngư tươi sống đang được bán với giá từ 550 - 650 ngàn đồng/kg và thường không đủ đển bán.

Giá trị kinh tế lớn như vậy nhưng hiện tại, việc nuôi bào ngư ở nước ta, đặc biệt là những vùng có nhiều tiềm năng như vịnh Bắc Bộ, Nam Trung bộ… lại chưa nhiều, chưa khai thác hết tiềm năng thiên nhiên ban tặng.

Còn ở tự nhiên, quần thể các loài bào ngư này có khu vực phân bố không liên tục dọc theo các bờ biển nơi có các rạn san hô, bãi đá ngầm ven biển và quanh các quần đảo thuộc vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Do nhu cầu tiêu thụ cũng như sức ép khai thác, những năm qua, nguồn lợi bào ngư khai thác tự nhiên ngày một suy giảm. Nếu như năm 1970, sản lượng khai thác trên toàn thế giới đạt 19.720 tấn, đến năm 2002 khai thác giảm còn 10.146 tấn thì đến năm 2013 chỉ khai thác được 7.486 tấn.

Việc khai thác tràn lan không gắn với bảo tồn là nguyên nhân chính dẫn đến việc bào ngư ngày càng suy giảm. Ảnh: Đinh Mười.

Việc khai thác tràn lan không gắn với bảo tồn là nguyên nhân chính dẫn đến việc bào ngư ngày càng suy giảm. Ảnh: Đinh Mười.

The tìm hiểu, hiện nay, vùng biển Việt Nam đang có 4 loài bào ngư có giá trị thương mại bao gồm bào ngư chín lỗ, bào ngư dài, bào ngư bầu dục và bào ngư vành tai. Bào ngư được phân bố trên các vùng địa lý khác nhau, trong đó có vùng biển vịnh Bắc Bộ.

Từ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải sản cho thấy, bào ngư là đối tượng nuôi mới, giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay người dân, doanh nghiệp chưa mặn mà hoặc chưa đầu tư để phát triển rộng.

Khó khăn trong việc nhân rộng các mô hình nuôi bào ngư là con giống. Cần tăng cường công tác khuyến ngư nhằm chuyển giao sâu, rộng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm đến các doanh nghiệp, hộ cá thể nhằm thu hút đầu tư phát triển nghề nuôi đối tượng này. Đồng thời, tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, hình thành được chuỗi giá trị, các dịch vụ phụ trợ phục vụ cho nghề nuôi bào ngư.

Để phát triển nghề nuôi bào ngư bền vững, đạt quy mô sản xuất sản phẩm hàng hóa, bù đắp sản lượng khai thác bị giảm xuống. Cần hình thành được các vùng sản xuất tập trung, thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình tham gia mô hình nuôi để tạo sản phẩm quy mô hàng hóa một cách bền vững, có thương hiệu, cung cấp cho thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu.

Thời gian qua, liên quan đến bào ngư, các nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Hải sản triển khai đã góp phần cung cấp kiến thức, kỹ thuật cho người dân và cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý tại địa phương. Thông qua đó, người dân có thể chủ động sản xuất con giống tại chỗ, hạn chế việc phụ thuộc nguồn giống tự nhiên và nhập nội.

Ngoài ra, việc triển khai các công trình nghiên cứu đã góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật bảo vệ tái tạo nguồn lợi, bảo vệ môi trường sinh thái biển, hạn chế được dịch bệnh trong quá trình sản xuất và giảm các tác động tiêu cực đến môi trường nuôi.

Giải quyết được khâu quan trọng

Trên cơ sở này, từ năm 2020 - 2022, nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản gồm ThS Lại Duy Phương, ThS Đặng Minh Dũng, ThS Đỗ Mạnh Dũng, ThS Nguyễn Xuân Sinh đã nghiên cứu thành công quy trình xuất giống bào ngư vành tai (Haliotis asinina) và đã chuyển giao kỹ thuật cho người dân các địa phương ở Quảng Ninh, Nha Trang, Ninh Thuận, Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) nuôi.

Bể sản xuất giống bào ngư vành tai. Ảnh: Đinh Mười.

Bể sản xuất giống bào ngư vành tai. Ảnh: Đinh Mười.

Qua theo dõi, các mô hình được người dân thực hiện đều cho hiệu quả kinh tế cao, lồng bè nuôi thương phẩm bào ngư vành tai thiết kế tương tự như lồng bè nuôi tôm hùm. Cỡ giống bào ngư thả nuôi khoảng 7 mm/con, mật độ 1.000 con/m2, trong quá trình nuôi được san thưa lúc bào ngư lớn. Khi bào ngư đạt khoảng 3cm, mật độ nuôi khoảng 400 - 500 con/m2. Thức ăn bào ngư là các loại rong sẵn có trên đảo. Trước khi cho bào ngư ăn, cần lấy hết thức ăn dư thừa ra.

Lồng bè nuôi thương phẩm bào ngư vành tai thiết kế tương tự như lồng bè nuôi tôm hùm. Sau 9 tháng nuôi, bào ngư đạt kích cỡ trung bình 6 cm/con và từ tháng thứ 14 - 15 sẽ cho thu hoạch. Theo người dân đều có chung nhận xét bào ngư là đối tượng nuôi triển vọng. Vấn đề khó khăn là nguồn giống chất lượng do đó, việc Viện Nghiên cứu Hải sản hoàn thiện được quy trình sản xuất con giống để cung ứng cho người dân đã giải quyết được vấn đề nan giải này.

Để làm được việc này, trong quá trình triển khai các đề tài, dự án, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tiến hành thu gom đàn giống bố mẹ ngoài tự nhiên sử dụng trong nghiên cứu. Đến nay, các công trình nghiên cứu trong nước cũng đã thành công trong việc hoàn thiện kỹ thuật nuôi vỗ đàn bố mẹ từ thế hệ F1 với tỷ lệ sinh sản đạt trên 75%. Đây là một trong những thành công từ các công trình nghiên cứu trong việc tạo nguồn bố mẹ phục vụ sản xuất con giống nhân tạo.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra mô hình sản xuất con giống bào ngư vành tai của nhóm nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản. Ảnh: Đinh Mười.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra mô hình sản xuất con giống bào ngư vành tai của nhóm nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản. Ảnh: Đinh Mười.

ThS Lại Duy Phương cho hay, quy trình nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ trứng được thụ tinh đạt trên 85%, tỷ lệ trứng nở  trên 85%, tỷ lệ sống từ giai đoạn ấu trùng trôi nổi lên con giống trên 3 mm/con đạt hơn 7% và tỷ lệ sống từ giai đoạn con giống kích thước trên 3mm lên con giống kích thước từ 3 - 10mm đạt trên 75%. Tỷ lệ này hơn hẳn so với tạo con giống bào ngư 9 lỗ.

Đặc điểm vùng biển ở Quảng Ninh và Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) và nhiều tỉnh, thành ven biển có thể nuôi được ở mật độ cao do nguồn nước, dòng chảy thích hợp, bên cạnh đó nguồn thức ăn đa dạng và có sẵn trong tự nhiên, vào mùa biển động không sợ thiếu thức ăn cho bào ngư. Mặt khác, việc phát triển bào ngư sẽ kéo theo sự phát triển thêm nghề nuôi rong sụn đã bị mai một để tăng thêm thu nhập cho ngư dân.

“Quy trình kỹ thuật này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có cơ sở sản xuất giống thủy sản nằm trong khu vực ven biển và hải đảo. Có thể áp dụng trên phạm vi toàn quốc, nơi có điều kiện môi trường nước phù hợp với đặc điểm sinh học, sinh thái của loài bào ngư vành tai", ông Phương khẳng định.

Có thể thấy, hiện nay, tình trạng khai thác một số nguồn gen một cách tự phát thiếu quy hoạch, sự thay đổi khí hậu và nạn ô nhiễm biển ngày càng trầm trọng dẫn đến nhiều loài động, thực vật nói chung và loài bào ngư nói riêng đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Việc khai thác bất hợp lý, phá hoại sinh cảnh (rừng ngập mặn và rạn san hô) như dùng chất độc cyanua, chất nổ và xung điện đã làm cạn kiệt nhiều loài sinh vật biển quý hiếm.

Vì vậy, biện pháp cấp bách nhất hiện nay trên thế giới cũng như của nước ta là bảo tồn được nguồn gen quý hiếm, trong đó có loài bào ngư vành tai. Việc bảo tồn và phát triển nguồn lợi bào ngư vành tai đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay cần phải tạo đàn bào ngư bố mẹ phục vụ cho sinh sản nhân tạo, sản xuất giống, nuôi thương phẩm, thì việc bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn lợi bào ngư vành tai mới thật sự bền vững.

Theo ThS Lại Duy Phương, tiềm năng phát triển nghề nuôi bào ngư biển trên biển ở Việt Nam còn rất lớn. Nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực nuôi bào ngư ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể trong sản xuất giống nhân tạo và công nghệ nuôi thương phẩm. Qua đó đã bổ sung thêm đối tượng nuôi mới cho nghề nuôi, góp phần thúc đẩy nghề nuôi biển bền vững của Việt Nam trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, nghề nuôi bào ngư hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức cần giải quyết để phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn trong cơ cấu sản lượng, giá trị của ngành thủy sản. Khoa học công nghệ là một trong những giải pháp cần thực hiện đồng bộ với các giải pháp khác để thúc đẩy nghề nuôi bào ngư phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế sẵn có của loài hải sản có giá trị thương mại cao này.   

 
Bình luận