Tăng diện tích cây vụ đông ưa lạnh để bù đắp thiệt hại do mưa úng

Bình luận · 222 Lượt xem

Đợt mưa lớn vừa qua khiến một số diện tích lúa và hoa màu ở các tỉnh ĐBSH bị thiệt hại. Vì vậy cần tăng diện tích cây vụ đông ưa lạnh để bù đắp.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt và Sở NN-PTNT Nam Định kiểm tra tình hình ảnh hưởng của mưa lớn tới sản xuất. Ảnh: Bảo Thắng.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt và Sở NN-PTNT Nam Định kiểm tra tình hình ảnh hưởng của mưa lớn tới sản xuất. Ảnh: Bảo Thắng.

Nam Định: Gần 3.000ha lúa bị ngã đổ

Ngày 30/9, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức đoàn công tác để kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa úng và tổ chức sản xuất lúa vụ mùa, cây vụ đông tại các tỉnh ĐBSH.

Tại Nam Định, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, mưa lớn đã xảy ra trong tuần qua kèm giông lốc. Tính từ ngày 26/9, lượng mưa bình quân cả đợt lên tới hơn 220mm, gây ngập úng kéo dài tại nhiều tuyến đường ở TP Nam Định và một số vùng trũng thuộc huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng.

Riêng trong đêm 27/9, rạng sáng 28/9, lượng mưa tăng đột biến. Một số điểm có mưa lớn như Ý Yên 77mm, Mỹ Lộc 75mm, Trực Ninh 75mm. Đặc biệt, lượng mưa đo được tại Nam Trực lên tới 123mm, Hà Lạn 132mm, Cống Múc 2 (xã Hà Trung) 137mm.

Hiện các trà lúa mùa đang vào giai đoạn chắc - chín, một số diện tích trên chân đất màu đang thu hoạch, diện tích lúa nếp, tám đặc sản đang bắt đầu trỗ bông. Do ảnh hưởng của mưa lớn kèm theo gió lốc đã làm một số diện tích lúa bị ngập, ngã đổ.

Theo Sở NN-PTNT Nam Định, diện tích lúa có mực nước ngập đến 2/3 cây (ngập 70%) khoảng 7.000ha, tương đương 10% tổng diện tích của tỉnh; diện tích lúa bị ngã đổ gần 3.000ha, tương đương 4%.

Người dân tích cực khắc phục thiệt hại do mưa úng. Ảnh: Bảo Thắng.

Người dân tích cực khắc phục thiệt hại do mưa úng. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho biết, ngay khi tình trạng thời tiết bất lợi xảy ra, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các trạm bơm phía bắc của tỉnh vận hành tiêu tối đa, các trạm phía nam tận dụng tối đa thủy triều để tiêu nước tự chảy. Các cống qua đê được mở liên tục từ 20h hôm trước đến 10h sáng hôm sau.

“Sau 3 ngày tập trung tối đa nguồn lực, tình hình sản xuất cơ bản trở lại bình thường. Với những diện tích lúa còn non, Sở NN-PTNT đề nghị bà con sớm ra đồng triển khai dựng buộc, những diện tích lúa đã chín chúng tôi khuyến khích khẩn trương thu hoạch”, ông Hữu nói.

Vụ mùa 2023, Nam Định gieo cấy hơn 71.000ha lúa, giảm hơn 800ha so với năm ngoái. Trong đó, tỉnh tập trung vào các giống lúa chất lượng cao, đặc sản, chiếm hơn 85% diện tích.

Với cây vụ đông, lãnh đạo Sở NN-PTNT Nam Định cho biết, địa phương đang lên kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai. 

Tính đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh Nam Định đã thu hoạch được khoảng 70% diện tích rau màu vụ hè thu. Dù mưa lớn xảy ra vào cuối tháng, năng suất rau màu vẫn tương đương các niên vụ trước.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường (trái) động viên người dân khắc phục khó khăn sau mưa úng. Ảnh: Bảo Thắng.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường (trái) động viên người dân khắc phục khó khăn sau mưa úng. Ảnh: Bảo Thắng.

Thái Bình đề nghị hỗ trợ giống cho 1.500 - 1.700ha rau màu

Ngoài Nam Định, đợt mưa kéo dài từ 25 - 28/9 cũng ảnh hưởng tới tỉnh nông nghiệp trọng điểm khác của vùng ĐBSH là tỉnh Thái Bình. Ông Mai Thanh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Bình cho biết, tổng lượng mưa trong đợt mưa lớn vừa qua trên địa bàn phổ biến trên 200mm. Một vài điểm cục bộ lượng mưa lên tới 300 - 400mm.

Mưa lớn đã khiến khoảng 11.000ha lúa mùa bị nghiêng đổ (tương đương gần 15% tổng diện tích lúa) và khoảng 6.700ha rau màu bị ảnh hưởng. Trong đó, diện tích lúa bị ngập từ 70% trở lên khoảng 500ha, ngập 30 - 70% thân lúa hơn 3.000ha, còn lại là dưới 30%.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Công điện số 05 ngày 28/9, yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, các tổ chức liên quan trên địa bàn khẩn trương khơi thông dòng chảy và thực hiện các giải pháp tiêu nước, đặc biệt là vùng trồng cây vụ đông và khu vực lúa bị đổ.

Tại các huyện bị ngập nặng như Thái Thụy, Vũ Thư…, UBND tỉnh đã huy động nhân lực dựng lúa đổ để tránh lúa nảy mầm trên bông, đồng thời sử dụng bơm cưỡng bức, kết hợp tháo nước nhanh để cứu rau màu vùng bị úng, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến năng suất.

Trên cơ sở tham mưu của Sở NN-PTNT, UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng việc gieo trồng cây vụ đông ưa ấm, bảo quản tốt lượng cây giống đã ươm bầu, chờ thời tiết thuận lợi mới tiến hành gieo trồng. Ngoài ra, bổ sung thêm hạt giống để gieo trồng vào khu vực bị thiệt hại do mưa úng khi thời vụ cho phép.

Đoàn công tác của Cục Trồng trọt cùng lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Bình kiểm tra tình hình sản xuất rau màu sau mưa lớn. Ảnh: Bảo Thắng.

Đoàn công tác của Cục Trồng trọt cùng lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV Thái Bình kiểm tra tình hình sản xuất rau màu sau mưa lớn. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Mai Thanh Giang cho biết, mọi năm cây vụ đông tại Thái Bình được gieo trồng theo tỷ lệ 50% diện tích nhóm cây ưa ấm, 50% diện tích nhóm cây ưa lạnh. Tuy nhiên do mưa úng bất thường trong giai đoạn này, Chi cục đã đề xuất với tỉnh tăng cường nhóm cây ưa lạnh trong niên vụ 2023 để bù đắp vào phần diện tích cây vụ đông sớm vừa bị thiệt hại.

Các năm trước, Thái Bình gieo trồng khoảng 36.000ha cây vụ đông. Năm nay, tỉnh dự kiến tăng diện tích lên khoảng 38.000ha. Để làm được điều này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Bình kiến nghị mở rộng diện tích thêm khoảng 500ha khoai tây - cây ưa lạnh có giá trị kinh tế cao.

Cùng với đó, tỉnh đã có tờ trình gửi Bộ NN-PTNT đề nghị hỗ trợ giống rau màu cho diện tích từ 1.500 - 1.700ha. Thái Bình cũng lên kế hoạch lễ phát động trồng cây vụ đông trong thời gian tới nhằm cổ vũ, động viên tinh thần bà con nông dân.

Qua kiểm tra thực tế, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường đánh giá, với sự chỉ đạo quyết liệt, chủ động, kịp thời của địa phương, mức độ thiệt hại do đợt mưa lớn vừa qua không đáng kể. Chỉ một phần nhỏ diện tích trà lúa sớm tại khu vực bị ảnh hưởng. 

Với vụ mùa, ông Cường đề nghị địa phương tập trung nguồn lực để buộc dựng lúa bị đổ, hoặc thu hoạch sớm theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Với cây vụ đông, ông cũng đồng ý với đề xuất của Thái Bình là cần điều chỉnh cơ cấu giống theo hướng giảm tỷ lệ cây ưa ấm và tăng tỷ lệ cây ưa lạnh.

 
Bình luận