Đồng bào Pa Kô ngỡ ngàng với mô hình thâm canh chuối

Bình luận · 621 Lượt xem

Lần đầu được chứng kiến cách trồng chuối với kỹ thuật bón phân, bao buồng..., những buồng chuối to dài, quả đều tăm tắp, đồng bào Pa Kô ở Quảng Trị không khỏi ngỡ ngàng.

Vườn chuối gia đình anh Tia. Ảnh: Việt Toàn.

Vườn chuối gia đình anh Tia. Ảnh: Việt Toàn.

Từ trước đến nay, người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đakrông (Quảng Trị) dọc Quốc lộ 14 trồng chuối không theo một quy trình nào, trồng với mật độ khá dày, khoảng 4.000 - 5.000 cây/ha, phương thức canh tác chủ yếu “nhờ trời”, năng suất thấp, buồng ngắn, ít nải.

Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai mô hình thí điểm trồng thâm canh chuối tiêu hồng với diện tích 1ha (2.200 cây) tại gia đình ông Hồ Văn Tia, dân tộc Pa Kô ở thôn A Ngo (xã A Ngo, huyện Đakrông). Đây là mô hình thuộc đề tài khoa học cấp cơ sở “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thâm canh chuối tiêu hồng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị”. Sau 2 năm thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực cả về kinh tế và xã hội.

Đồng bào dân tộc quanh vùng thấy lạ, bởi đây là lần đầu tiên họ thấy mô hình trồng chuối có bón phân, bao buồng, toàn bộ ruộng chuối trổ hoa cùng một lúc, buồng dài, nải to, chuối chín màu vàng sáng, chất lượng thơm ngon, có thể để dài ngày. Mô hình mang lại lợi nhuận 80 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 3 lần so với các loại cây trồng khác. Vì vậy nhiều hộ dân trên địa bàn các xã lân cận và một số xã của huyện Vĩnh Linh đã đến tìm hiểu học tập, mua các chồi con về triển khai nhân rộng sản xuất.

Ông Hồ Tất Huấn - Chủ tịch UBND xã A Ngo đánh giá: Qua mô hình cho thấy cây chuối tiêu hồng rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng miền núi phía tây Quảng Trị nói chung và xã A Ngo nói riêng. Hộ gia đình triển khai mô hình đã thoát nghèo và có thể khẳng định sẽ thoát nghèo bền vững để tiến tới hộ khá giả của xã.

Đoàn kiểm tra của Sở Khoa học - Công nghệ và Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị thăm mô hình. Ảnh: Việt Toàn.

Đoàn kiểm tra của Sở Khoa học - Công nghệ và Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị thăm mô hình. Ảnh: Việt Toàn.

Để đảm bảo độ đồng nhất và chất lượng, giống chuối trong mô hình là giống nuôi cấy mô đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Kỹ sư Lê Thị Tú (Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị) - chủ nhiệm đề tài cho biết: Mô hình được bố trí thí nghiệm mật độ  2.000 - 2.500 - 2.778 cây/ha (tương ứng khoảng cách trồng 2,5m x 2m; 2m x 2m; 1,8m x 2m) và 3 công thức phân bón khác nhau để theo dõi. Các công đoạn chăm sóc sau trồng như bón phân, tỉa chồi, bẻ bắp, bao buồng, phòng trừ sâu bệnh được cán bộ kỹ thuật tận tay hướng dẫn hộ dân thực hiện.

Quá trình triển khai cho thấy, giống chuối nuôi cấy mô cây đồng đều, sạch bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, sau 11 - 13 tháng trồng cho thu hoạch. Sản phẩm chuối tại mô hình đạt chất lượng tốt, đảm bảo an toàn. Kiểm nghiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm (quả chuối chín) cho thấy, các chỉ tiêu như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, các vi sinh vật đều ở mức an toàn.

Anh Hồ Văn Tia, chủ hộ tham gia mô hình cho biết, từ tháng 10/2022 đến tháng 1/2023, gia đình anh tiến hành thu hoạch chuối theo các lô thiết kế mật độ khác nhau. Năng suất trung bình đạt 40 tấn/ha, trọng lượng buồng trung bình đạt 20kg/buồng. Trong đó, công thức đạt năng suất cao nhất là 43,5 tấn/ha ở mật độ 2.000 cây/ha (2,5m x 2m) và lượng phân bón 240N:65P:480K; thấp nhất là 35 tấn/ha ở công thức 2.778 cây/ha.

“Trước đây gia đình tôi cũng trồng chuối bản địa, do không biết chăm sóc nên chuối lkhông phát triển. Khu vườn này chỉ trồng một ít, đất còn lại bỏ hoang, bữa nay có bên khuyến nông hỗ trợ đầu tư trồng chuối, thấy chuối đẹp, nải tôo, buồng dài. Giá bán 3.000 - 4.000 đồng/kg, tương đương 100.000đ/buồng thu mua tại vườn, lợi nhuận hơn 80 triệu đồng/ha. Tôi mừng lắm, xung quanh đây ai cũng đến hỏi để về làm theo”, anh Tia phấn khởi.

Những buồng chống rất nhiều nải, quả đều, mẫu mã đẹp. Ảnh: Việt Toàn.

Những buồng chống rất nhiều nải, quả đều, mẫu mã đẹp. Ảnh: Việt Toàn.

Sang vụ thứ 2 năm nay, cây chuối tiếp tục sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt đối với công thức mật độ 2.000 cây/ha (2,5m x 2m), chiều cao cây từ 2,2 - 2,9m, số lá 7 - 11 lá/cây, buồng chuối sai nải hơn, đạt từ 8 - 11 nải/buồng... Về cơ bản, chuối không có sâu bệnh hại nguy hiểm, chỉ xuất hiện bệnh đốm lá nhẹ và đã được phòng trị tốt. Hiện nay, hộ dân bắt đầu thu hoạch chuối với năng suất dự kiến cao hơn vụ thứ nhất.

Trong quá trình triển khai đề tài, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị trong việc lấy cây chuối làm vật liệu đầu dòng cho công tác nuôi cấy mô. Cây được chọn lấy mẫu là những chồi con có chiều cao không quá 1m, cây khỏe, không bị sâu bệnh. Đây là cơ sở để tiến tới sản xuất giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu về giống cho nông dân trong và ngoài địa bàn huyện Đakrông.

Ông Trần Ngọc Lân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị cho biết: Qua kiểm tra, mô hình chuối tiêu hồng ở xã A Ngo rất thành công, các thông số kỹ thuật đều đạt và vượt chỉ tiêu. Thời gian tới, Sở Khoa học Công nghệ sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương và Trung tâm Khuyến nông tỉnh để hỗ trợ nhân rộng mô hình này.

Anh Tia rất phấn khởi trước vụ chuối bội thu. Ảnh: Việt Toàn.

Anh Tia rất phấn khởi trước vụ chuối bội thu. Ảnh: Việt Toàn.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị, ông Trần Cẩn cho biết: Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục chỉ đạo nhóm cán bộ thực hiện đề tài theo dõi sát, đo đếm các chỉ tiêu về sinh trưởng, năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất theo đúng quy trình kỹ thuật. Từ đó, hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh chuối tiêu hồng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh để nhân ra diện rộng.

Từ kết quả đề tài khoa học, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị tiếp tục xây dựng và chuyển giao mô hình trồng chuối lùn bản địa bằng giống nuôi cấy mô với quy mô 3ha, có 6 hộ tham gia là đồng bào dân tộc Pa Kô. Kế hoạch năm 2024, Trung tâm sẽ nhân rộng ra 6ha cho 7 xã dọc Quốc lộ 14, từ đó từng bước xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu chuối hàng hóa trên địa bàn huyện, cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp thu mua và chế biến.

 
Bình luận