Nông trại hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ

Bình luận · 232 Lượt xem

Để 8ha đất nông nghiệp 'đẻ' ra tiền, chị Trần Thị Huệ cùng các đồng nghiệp bắt tay cải tạo đất, chuyển sản xuất truyền thống sang hữu cơ theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ.

Rời Đức về Việt Nam làm nông nghiệp

Chị Trần Thị Huệ, người điều hành dự án Farm PM Organic tại xã Đạ Nhim (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) từng làm việc cho một công ty giống rau nổi tiếng thế giới. Năm 2020, chị cùng chồng định cư tại Cộng hòa Liên bang Đức và cũng chính thời gian này cuộc sống bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Chị chia sẻ, chồng là người làm việc trong lĩnh vực công nghệ nhưng có đam mê về nông nghiệp. Do vậy, khi ý tưởng về một khu vườn đầy cây trái ở Việt Nam được vợ đưa ra, anh đã nhanh chóng đồng ý và quyết định cùng vợ về Việt Nam để gây dựng.

Năm 2020, chị Trần Thị Huệ cùng chồng rời Đức về Việt Nam và bắt tay vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Minh Hậu.

Năm 2020, chị Trần Thị Huệ cùng chồng rời Đức về Việt Nam và bắt tay vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Minh Hậu.

Bài liên quan

Năm 2021, hai vợ chồng chị Huệ về lại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) và thuê khu vườn rộng 1.000m2 để trồng dâu. “Thời gian đó, vợ chồng tôi quyết thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường nên bỏ lượng lớn kinh phí để cải tạo đất, xây dựng khu sản xuất theo đúng tiêu chuẩn”, chị Trần Thị Huệ cho biết. Dù từng gắn bó 20 năm trong lĩnh vực giống rau ở công ty nước ngoài và có vốn kiến thức về nông nghiệp nhưng khi bắt tay vào sản xuất dâu tây hữu cơ, chị vẫn gặp hàng loạt khó khăn, thử thách. 

Nữ chủ vườn 41 tuổi cho hay, thời điểm đó, toàn bộ dâu trên vườn trồng phải thực hiện theo quy trình chuẩn về hữu cơ. Nguồn phân bón, chế phẩm sinh học phải được tìm hiểu và kiểm soát kỹ trước khi đưa vào chăm bón cho cây trồng.

“Chăm chút tỉ mỉ, áp dụng nghiêm ngặt quy trình canh tác hữu cơ nên vườn dâu sau đó phát triển tốt và cho trái đẹp. Vậy nhưng khi dâu bước vào thu hoạch rộ thì cũng là lúc trên vườn bùng phát sâu khoang gây hại. Thời điểm đó, có ngày thu hoạch 40kg dâu nhưng phải đổ bỏ đến 30kg vì quả hư hại, không thể bán ra thị trường”, nữ chủ vườn 8X kể.

Cũng theo chị Huệ, vườn dâu tây là mô hình khởi nghiệp hữu cơ đầu tiên và gia đình không chấp nhận bỏ cuộc trước dịch sâu khoang nên đã ngày đêm tìm cách xử lý. “Hồi đó, loài sâu khoang phát triển nhiều đến nỗi trở thành dịch ở vườn. Các chế phẩm sinh học cũng không thể ngăn nổi sự phát triển của chúng nên gia đình buộc phải huy động nhân lực để tìm và diệt trừ bằng phương thức thủ công”, chị Trần Thị Huệ chia sẻ. Để cứu vườn dâu, 2 vợ chồng chị cùng 4 nhân viên đã phải tổ chức “chiến dịch” bắt sâu khoang vào ban đêm trong suốt 15 ngày liền.

Khu vực sản xuất astiso ở Farm PM Organic tại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Khu vực sản xuất astiso ở Farm PM Organic tại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Thời gian đầu, công nhân làm tại vườn chỉ làm việc ca sáng, chiều nghỉ lấy sức để đêm soi đèn bắt sâu. “Vào ban đêm, 6 người đội đèn từ 19h đến 23h để vạch lá tìm sâu. Vất vả nhưng ai cũng quyết tâm nên sau 15 ngày, sâu trên vườn được kiểm soát. Cây trên vườn xanh tốt, trái đẹp, được đối tác thu mua với giá 450.000 đồng/kg”, nữ chủ vườn thổ lộ.

Nông trại hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ

Sau 3 năm gắn bó với mô hình dâu tây hữu cơ, chị Trần Thị Huệ quyết định “vươn ra biển lớn” với việc gây dựng trang trại sản xuất các loại rau, củ, quả đặc thù của Đà Lạt. Theo đó, sau khi nắm bắt xu hướng của thị trường và yêu cầu từ đối tác tại Hà Nội, TP.HCM, chị Huệ gặp chủ khu vườn có diện tích 8ha tại xã Đạ Nhim (huyện Lạc Dương) để lên kế hoạch hợp tác. Đây là khu vườn được bao bọc bởi rừng thông và từng được chủ cũ phân chia thành nhiều khu vực để trồng các loại rau, củ, quả khác nhau.

“Vườn rộng và có vùng đệm rất lý tưởng nên tôi quyết định tiếp nhận để sản xuất rau hữu cơ. 8ha với nhiều phân khu sản xuất nhưng vì làm ăn thua lỗ nên chủ cũ bỏ hoang trong thời gian dài. Do vậy, toàn bộ diện tích vườn bị cỏ, cây mọc um tùm”, chị Huệ kể. Để đưa vườn vào sản xuất, chị đã hợp tác với Công ty TNHH ADC tiến hành hàng loạt các công đoạn dọn, phát cỏ, cải tạo đất, khử độc đất và xây dựng môi trường cảnh quan… Nguồn đất, nước tại các khu vực trong trang trại được các chuyên gia lấy mẫu đưa về TP.HCM phân tích, đánh giá để đảm bảo an toàn cho sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Theo nữ chủ vườn, trang trại 8ha từng sử dụng sản xuất rau, củ theo phương thức truyền thống nên cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng. Chị nói: “Ban đầu, chúng tôi tiến hành kiểm tra 256 chỉ tiêu. Trong đó đặc biệt lưu ý các tiêu chí về thuốc diệt cỏ, dư lượng phân bón, ni tơ… Tất cả chỉ số này phải đảm bảo về 0 mới được sản xuất”.

Mô hình sản xuất cà chua hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA của Farm PM Organic. Ảnh: Minh Hậu.

Mô hình sản xuất cà chua hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA của Farm PM Organic. Ảnh: Minh Hậu.

Sau quá trình cải tạo đất, Farm PM Organic tiến hành trồng đậu và một số loại rau, củ khác. Nguồn sản phẩm này sau đó tiếp tục được lấy mẫu để kiểm định, đánh giá. “Khi mẫu rau, củ, quả sản xuất ban đầu đạt các tiêu chuẩn hữu cơ, chúng tôi mới tiến hành phát triển trên quy mô lớn để đáp ứng nguồn hàng cung cấp cho thị trường”, chị Huệ chia sẻ.

Hiện nay, Farm PM Organic đang tổ chức sản xuất với khoảng 20 loại rau, củ, quả khác nhau theo tiêu chuẩn hữu cơ USDA của Hoa Kỳ. Đây là những nông sản mang tính đặc thù của vùng Đà Lạt. Tại nông trại, các loại rau, củ, quả được canh tác theo hình thức trồng trực tiếp trên nền đất và trồng trên giá thể trong nhà kính công nghệ cao.

Vừa đưa khách tham quan, chị Huệ vừa tâm sự: Diện tích trang trại lên đến 8ha nhưng hiện tại Farm PM Organic mới chỉ sản xuất khoảng 3,5ha. Phần còn lại đang được xử lý đất để qua mùa khô có thể trồng các loại rau ngoài trời như cải bắp, súp lơ, củ dền, astiso. Sản xuất hữu cơ trên diện tích lớn nên cần đầu tư nhiều thời gian, công sức và cả chi phí.

Chị Huệ chia sẻ: Khó khăn lớn nhất hiện nay là về mùa mưa cỏ phát triển mạnh. Đặc biệt, do diện tích lớn, phải phát cỏ bằng phương thức thủ công nên chi phí cho công đoạn này rất lớn. Hơn nữa, do thực hiện canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA của Hoa Kỳ nên việc chăm sóc cây trên vườn cần phải tỉ mỉ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình và người làm vườn phải có kiến thức chuyên sâu về phân bón, chế phẩm sinh học. Toàn bộ phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng phải thuộc danh mục mà USDA cho phép.

Hiện nay, mỗi tháng Farm PM Organic cung cấp ra thị trường 15 - 20 tấn rau, củ, quả hữu cơ các loại. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện nay, mỗi tháng Farm PM Organic cung cấp ra thị trường 15 - 20 tấn rau, củ, quả hữu cơ các loại. Ảnh: Minh Hậu.

“Có lần, cây trồng ở trang trại bị nhiễm bệnh nhưng nguồn thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ không có sẵn trên thị trường nên buộc phải đặt hàng và chờ đợi. Đến khi thuốc về thì cây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do vậy, để đảm bảo an toàn, hiện nay chúng tôi phải tổ chức kiểm tra vườn thường xuyên và chủ động thực hiện các biện pháp phòng sâu bệnh”, chị Huệ cho biết.

Hiện nay, với diện tích canh tác 3,5ha, mỗi tháng Farm PM Organic cung cấp khoảng 15 - 20 tấn rau, củ, quả cho các đối tác tại Hà Nội và TP.HCM. Nguồn rau hữu cơ tại trang trại đều được ký hợp đồng bao tiêu với giá cao gấp 2 - 3 lần so với rau thông thường. Thời gian tới, Farm PM Organic sẽ tiếp tục phủ xanh 4,5ha còn lại. "Cùng với việc canh tác các loại rau, củ, quả đặc trưng của Đà Lạt, chúng tôi sẽ phát triển thêm các dòng sản phẩm trà hoa cúc hữu cơ, astiso hữu cơ, trồng và chế biến bột cần tây sấy lạnh hữu cơ”, chị Huệ cho biết.

Chị Trần Thị Huệ, người điều hành dự án Farm PM Organic chia sẻ, sản xuất hữu cơ là cả quá trình dài, đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, tiền của. Bù lại, việc sản xuất hữu cơ mang lại nhiều giá trị, trong đó quan trọng nhất là sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng được đảm bảo. Người trực tiếp sản xuất không bị ảnh hưởng bởi các hóa chất độc hại, môi trường nông trại, môi trường phụ cận không bị ô nhiễm.

Bình luận