Ứng dụng công nghệ số để gia tăng giá trị nông nghiệp

Bình luận · 288 Lượt xem

Nông nghiệp và du lịch là hai lĩnh vực Quảng Ngãi ưu tiên chuyển đổi số nhằm phát triển triển kinh tế địa phương.

Chiều 29/9, trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi năm 2023, đã diễn ra Hội thảo &quo

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Trọng Phương cho biết: Nông nghiệp là ngành có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Mặc dù tỷ trọng ngành nông nghiệp của tỉnh không lớn, chiếm khoảng 16%, song nông nghiệp vẫn giữ vai trò chiến lược trong dài hạn, là bệ đỡ quan trọng cho an sinh và an dân. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh thì chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp là xu hướng tất yếu, là “chìa khóa” cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

 

Tăng cường kết nối 

 

Hệ thống quản lý và tổ chức sản xuất nông nghiệp dần kiện toàn từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đã có nhiều sáng tạo, sáng kiến trong giải pháp kỹ thuật ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Việc tích hợp và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất giúp người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi được các thông số này theo thời gian và yên tâm về chất lượng nông sản.

 

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, giúp tăng cường kết nối giữa người sản xuất, tiêu dùng, giữa cung - cầu, hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nhờ đó sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững hơn.

 

Ông Hồ Trọng Phương cho biết: Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu tin học hóa trong các cơ quan, đơn vị. Ngành Nông nghiệp đã xây dựng phòng họp trực tuyến tại Sở và một số Chi cục thuộc Sở. Đến nay, đã cung cấp 32 dịch vụ công trực tuyến thuộc các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y, quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp. Phần lớn các dịch vụ công trực tuyến đều phát sinh hồ sơ và được giải quyết đúng thời hạn.

 

Hiện nay, Sở NN&PTNT đang xây dựng cơ sở dữ liệu chăn nuôi thú y và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên dùng phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo phòng chống thiên tai. Trong những năm tới, tiếp tục rà soát và xây dựng CSDL thủy sản, quản lý chất lượng và nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nông thông mới,…

 

Thực hiện ứng dụng chuyển đổi số trong tưới tiết kiệm, vận hành tưới tự động đối với cây lúa, cây rau màu… với diện tích gần 3.000 ha; triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng của một số sản phẩm (dưa hấu, ớt, rau các loại, chuối…). Ngoài ra, đang triển khai thực hiện Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin quản lý và theo dõi tình hình sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh. Xây dựng được 8 mã số vùng trồng nội địa và 01 mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu.

Nhờ ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo đối với bò và lợn đã giúp cải tạo nhanh chất lượng đàn gia súc trên đia bàn tỉnh. Đơn cử như Công ty TNHH MTV Hà Tân ở Tư Nghĩa, Trại chăn nuôi heo Huỳnh Cường ở Bình Sơn sử dụng công nghệ giám sát trại chăn nuôi bằng hệ thống camera từ xa. Trang trại chăn nuôi heo thịt theo hướng công nghiệp sạch Phú Hiệp ở Minh Long sử dụng công nghệ dây chuyền thức ăn công nghiệp tự động. Nhân công chỉ cần nhấn nút, thức ăn tự động đổ vào các máng ăn. Ngoài ra, để xử lý chất thải chuồng trại, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải nông nghiệp An Hội ở Tư Nghĩa. 

 

Hiện, Quảng Ngãi có 807 công trình thủy lợi (gồm 127 hồ chứa nước, 532 đập dâng, 8 đập ngăn mặn và 140 trạm bơm) được đưa vào quản lý, khai thác để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Công tác giám sát, quản lý công trình có hệ thống camera theo dõi, giám sát tại đập chính. Tín hiệu được truyền về đơn vị quản lý điều hành và trang website do Tổng cục Thủy lợi quản lý.

 

Đến nay, đã hoàn thành lắp đặt và quản lý vận hành 79 trạm đo mưa tự động, 10 trạm đo mực nước tự động trên các sông và các hồ chứa nước, 04 trạm cảnh báo ngập sâu tự động tại ngầm, tràng và 02 trạm cảnh báo ngập lụt tự động trên toàn tỉnh. Thông tin về lượng mưa, mực nước được cập nhật và quản lý qua các phần mềm chuyên dùng VRAIN, đồng thời cung cấp thông tin đến các cơ quan truyền thông báo chí nhằm cảnh bảo sớm để người dân chủ động ứng phó.

 

Việc giám sát, quản lý các hồ chứa nước có cửa van điều tiết bằng hệ thống camera được vận hành tại hồ chứa nước Núi Ngang (Ba Tơ) và đang triển khai lắp đặt tại một số hồ chứa nước khác. Hiện nay, đang triển khai thực hiện hệ thống cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa nước nhằm hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý vận hành công trình thủy lợi.

 

Hiện nay, có 4.292 tàu cá được cập nhật số liệu tàu cá của tỉnh vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) với tổng công suất 1.768.803 CV. Số tàu cá được gắn thiết bị giám sát hành trình đạt tỷ lệ 99%.

 

Nút thắt cần giải quyết

 

Trình bày tham luận “Định hướng chuyển đổi số ngành nông nghiệp”, ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp có nhiều “Nút thắt” cần giải quyết. Đó là, nhận thức, thể chế chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, ứng dụng số chưa toàn diện; chưa xây dựng được kiến trúc dữ liệu ngành nông nghiệp; chưa xây dựng được CSDL lớn về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, vùng nuôi, dữ liệu chuỗi ngành hàng; hạ tầng thiết bị cũ, thiếu đồng bộ, phân tán; phần mềm phục vụ chỉ đạo điều hành chưa có liên kết chia sẻ dữ liệu; nguồn lực đầu tư manh mún…

Theo ông Đặng Duy Hiển, ứng dụng công nghệ số để phục vụ quản lý, điều hành sản xuất; quản lý chuỗi cung ứng nông sản; gia tăng chất lượng, giá trị nông sản; tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Ứng dụng công nghệ số để xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

 

Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà là để giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hoà nhịp xu thế phát triển.

Bình luận