Xây dựng nông thôn mới, thu nhập người dân Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ... liên tục tăng

Bình luận · 200 Lượt xem

Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn TP.HCM liên tục tăng. Khoảng cách chênh lệch giữa thu nhập nông thôn và thành thị dần thu hẹp qua các năm kể từ khi các địa phương bắt tay xây dựng nông thôn mới.

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Đoàn Giám sát Quốc hội khóa XV về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP.HCM.

 

Thu nhập tăng, bộ mặt nông thôn thay đổi bất ngờ

Đánh giá hiệu quả tác động của các chỉ tiêu kinh tế - xã hội sau 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố, UBND TP.HCM cho biết một trong những nội dung trọng tâm ưu tiên thực hiện là tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

 

Theo đó, TP.HCM tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, chú trọng khai thác được lợi thế của mỗi vùng và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

Các huyện, các đơn vị sở, ngành liên quan tại TP.HCM đã tập trung triển khai góp phần phát triển nông nghiệp quy mô lớn gắn với liên kết chuỗi giá trị, liên kết ngành hàng, đẩy mạnh nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng kinh tế tuần hoàn, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm, phát triển các sản phẩm đặc thù theo Chương trình OCOP và dịch vụ nông thôn…

UBND TP.HCM cũng cho biết qua quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, thu nhập của người dân vùng nông thôn tại thành phố ngày càng tăng lên, đời sống của người dân ngày càng tốt hơn. 

 

Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn TP.HCM năm 2021 gần 65,6 triệu đồng triệu đồng/người/năm. 

 

Khoảng cách chênh lệch giữa thu nhập nông thôn và thành thị dần thu hẹp qua các năm. Nếu như năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn chỉ bằng 55,5% so với thu nhập khu vực thành thị thì đến năm 2010 bằng 66,6%, năm 2016 là 71,9%, năm 2019 là 72,6% và năm 2021 là 83,5%.

Bộ mặt khu vực nông thôn TP.HCM cũng thay đổi từng ngày nhờ chương trình nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng tương đối hiện đại theo hướng kết nối nông thôn - đô thị; môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, cảnh quan nông thôn gắn với bảo tồn, chỉnh trang các không gian ấp, xã.

 

Nhà ở dân cư khang trang, điều kiện sống của người dân nông thôn được cải thiện thông qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng cấp xã. Sự đầu tư này cũng hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện giáo dục - y tế - văn hoá - môi trường ở tất cả các xã nông thôn mới.

 

Gấp rút hoàn thành nông thôn mới vào năm 2025

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, cho biết giữa tháng 6/2023, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch 2658 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM.

 

Mục tiêu của TP.HCM là đến năm 2025 sẽ được Trung ương công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Với vai trò là cơ quan thường trực, Sở sẽ tham mưu TP các giải pháp toàn diện để đạt mục tiêu này. 

 

Theo đó, mục tiêu tới năm 2025, 2/5 huyện sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, các huyện còn lại đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; ít nhất 28/56 xã (50%) đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 70% số km đường huyện, đường TP, quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc tuyến đường. Đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn tối thiểu là 4m2/người. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc TP quản lý đạt từ 90% trở lên.

Để đạt các mục tiêu trên, vai trò của phong trào thi đua “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” là rất quan trọng. 

 

Theo Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp, TP cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình. 

 

Cụ thể, TP.HCM cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chương trình; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện mô hình quản lý, tổ chức thực hiện. Đồng thời, TP.HCM cần tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực thực hiện, hoàn thành các mục tiêu, nhất là các chương trình chuyên đề, lựa chọn các địa phương có tiềm năng để hoàn thành sớm.

Bình luận