Xây dựng đồng bộ hạ tầng vùng trồng cà phê, nâng tầm sản phẩm xuất khẩu

Bình luận · 218 Lượt xem

Việt Nam đang là điểm đến của nhiều tập đoàn sản xuất cà phê lớn. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định cần phải xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn ở các vùng trọng điểm, nhằm đảm b

Lễ động thổ triển khai thi công xây lắp “Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại vùng Tây Nguyên”.
Lễ động thổ triển khai thi công xây lắp “Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại vùng Tây Nguyên”.

Ngày 22/8/2023, tại Khu Công nghiệp Trà Đa - TP. Pleiku, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức lễ động thổ triển khai thi công xây lắp “Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã (HTX) phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại vùng Tây Nguyên”. Với tổng mức đầu tư khoảng 80 tỷ đồng, đây là Hợp phần 5 thuộc dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu.

TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÀ PHÊ

Phát biểu tại lễ động thổ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, cho biết Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về xuất khẩu cà phê, với giá trị xuất khậu 2,7 tỷ USD từ đầu năm đến nay. Hiện Việt Nam cũng là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn đến sản xuất cà phê. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định cần phải xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn ở các vùng trọng điểm, nhằm đảm bảo yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Tại Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn với diện tích 19.700ha gồm 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum và Đắk Nông. Trong vùng dự án này có khoảng 64 HTX sẽ được hưởng thụ với 5.230 hộ dân sản xuất cà phê.

“Kết cấu hạ tầng chỉ là một phần, quan trọng nhất cần phải tập trung tổ chức lại sản xuất ở các vùng miền để nâng cao chất lượng, giá trị và thương hiệu cho cà phê Việt Nam”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.

"Việc triển khai hợp phần 5 tại Gia Lai và Đắk Lắk nhằm mục đích hình thành vùng sản xuất nguyên liệu cà phê quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các HTX với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu; thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của 2 tỉnh”.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu là dự án thuộc nhóm B, được triển khai tại 11 tỉnh, có tổng mức đầu tư 440 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Dự án gồm 5 hợp phần, trong đó, hợp phần 5 là đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại vùng Tây Nguyên được triển khai tại 2 tỉnh Gia Lai và Đak Lak.

“Dự án sẽ góp phần kết nối hạ tầng giao thông với vùng sản xuất cà phê của các địa phương, các HTX, từ đó giảm chi phí đầu tư trong sản xuất; áp dụng đồng bộ các tiến bộ và khoa học kỹ thuật trong sản xuất cà phê; gia tăng giá trị cho sản phẩm và nâng cao chất lượng cà phê cung ứng ra thị trường”, Thứ trưởng chia sẻ.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết Gia Lai là địa phương trồng cà phê lớn của cả nước với diện tích trên 98 ngàn ha. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 46.000 ha sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn: VietGAP, 4C, Organic, Rain Forest.

"Trong thời gian tới, Gia Lai rất mong nhận được sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp tục thực hiện các dự án còn lại của tỉnh như hạng mục 2 hệ thống Silo, đầu tư xây dựng Trung tâm logistics chuỗi cà phê tỉnh. Đồng thời, tổ chức sản xuất và quản trị vùng nguyên liệu, phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông", ông Nghĩa bày tỏ.

Ông Lâm Quốc Triều, Giám đốc HTX Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Du lịch sinh thái Hàm Rồng cho hay, HTX được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư hạng mục nâng cấp tuyến đường giao thông, qua đó rất thuận lợi cho việc trồng, chăm sóc cà phê bền vững. Đặc biệt, HTX cũng thuận lợi chế biến, thu hoạch, áp dụng khoa học kỹ thật giúp nâng cao sản lượng.

Nhằm đồng bộ hạ tầng vùng nguyên liệu cà phê, ông Triều kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, sớm phê duyệt dự án logistics chuỗi cà phê.

ĐẦU TƯ HOÀN THIỆN KẾT CẤU HẠ TẦNG

Ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp, cho biết Dự án “Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại Tây Nguyên” được Bộ Nông nghiệp giao cho Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp làm chủ đầu tư thực hiện. Đây là  dự án được xây dựng trên cơ sở phát huy kết quả thành công của dự án VnSAT trong việc hỗ trợ các HTX đã thực hiện tái canh bền vững, liên kết thành vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao.

“Mục tiêu quan trọng là tiếp tục lựa chọn đầu tư cho các HTX hạt nhân, trọng điểm để xây dựng nền tảng vững chắc cho vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao. Sau gần 2 năm chuẩn bị đầu tư, dự án đã đủ điều kiện để tổ chức triển khai thi công”, ông Hiến nói.

"Dự án VnSAT được thực hiện từ năm 2015 – 2021, đã đào tạo quy trình tái canh cà phê bền vững cho hơn 30.000 hộ dân với diện tích gần 30.000ha; gần 12.000ha tái canh từ chương trình tín dụng của Dự án với tổng vốn vay hơn 2.000 tỷ đồng. VnSAT cũng hỗ trợ hơn 200 tổ chức nông dân, xây dựng và nâng cấp 233km đường giao thông nông thôn…"

Ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban Quản lý các Dự án Nông nghiệp.

Các hạng mục của dự án gồm, xây dựng đường giao thông nông thôn loại có tổng chiều dài 27,43km kết nối vùng nguyên liệu: tỉnh Gia Lai đầu tư xây dựng 6 tuyến đường, tổng chiều dài 12,43km, tỉnh Đắk Lắk đầu tư xây dựng 5 tuyến với tổng chiều dài 15km).

Cùng với đó, xây dựng mới 3 nhà kho chứa cà phê cho 3 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích 1.125m2; xây dựng mới 2 nhà kho kết hợp nhà trưng bày sản phẩm cà phê cho hợp tác xã tại tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk với diện tích 158 m2/nhà.

Dự kiến hạng mục đường giao thông sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2023; hạng mục công trình nhà kho kết hợp trưng bày sản phẩm sẽ hoàn thành, tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng trong quý 1/2024. Đơn vị tư vấn giám sát xây dựng dự án tại Gia Lai là Công ty cổ phần Quang Minh Phát Gia Lai; đơn vị thi công là Công ty TNHH một thành viên Đông Sơn.

Theo ông Lê Văn Hiến, tuy vốn đầu tư dự án không lớn nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện đề án thí điểm phát triển vùng nguyên liệu cà phê. Với Hợp phần 5 tại 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, dự án kỳ vọng sẽ hình thành vùng sản xuất nguyên liệu cà phê quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Qua đó, thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của 2 tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk. Đồng thời, phát triển và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi giá trị cà phê.

Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng và giảm giá thành sản phẩm nguyên liệu cà phê phục vụ chế biến và xuất khẩu, tăng thu nhập góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương.

Bình luận