Trong khoảng 4 năm trở lại đây, hoạt động chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo ở tỉnh Quảng Ngãi đã không mang lại nhiều hiệu quả như trước. Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các nông hộ hụt vốn, kinh tế bị ảnh hưởng thì nguồn chi phí đầu vào cao, đầu ra bấp bênh đã khiến không ít hộ dân cảm thấy chán nản, ngần ngại trong việc tiếp tục đầu tư, tái đàn.
Trước đây, trong chuồng nuôi của gia đình bà Nguyễn Thị Nhạn (trú thôn Đại An Đông 1, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) luôn duy trì nuôi khoảng hơn 20 con heo nái và heo thịt. Thế nhưng, trong 2 năm (2021 và 2022), bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra đã khiến cho toàn bộ số heo trong chuồng chết phải tiêu hủy hàng loạt khiến gia đình lâm cảnh điêu đứng.
Bà Nhạn cho biết, suốt mấy chục năm chăn nuôi, chưa bao giờ bà thấy khó khăn như những năm qua. Sau 2 đợt dịch liên tiếp đó, bà Nhạn quyết định bỏ chuồng gần 5 tháng, đến đầu năm nay (2023) mới quyết định đầu tư nuôi lại. “Giờ tôi cũng không dám nuôi nhiều như trước, chỉ thả mười mấy con thôi. Vừa nuôi cũng vừa lo sợ dịch bệnh, mấy năm qua nuôi heo lỗ nặng rồi, không biết lứa này có gỡ lại được đồng vốn nào không”, bà Nhạn chia sẻ.
Thực tế, từ việc người nuôi chưa mạnh dạn tái đàn hoặc tái đàn với số lượng ít hơn trước đây được thể hiện qua số lượng tổng đàn heo ở một số địa phương tại tỉnh Quảng Ngãi có dấu hiệu giảm mạnh. Như tại xã Nghĩa Thắng (huyện Tư Nghĩa), thống kê của ngành chức năng, nếu như số lượng đàn heo của toàn xã vào năm 2021 là 15.000 con thì tính đến 8 tháng đầu năm 2023 chỉ còn gần 7.600 con.
“Sau khi heo bị dịch bệnh chết, tôi cũng muốn đầu tư nuôi lại nhưng không có vốn. Phải đến 2 năm sau, gia đình tôi mới nhận được tiền hỗ trợ gần 300 triệu đồng để mua heo giống nuôi lại. Quy trình làm giấy tờ thủ tục và nhận hỗ trợ mất thời gian quá dài. Do vậy đối với những hộ chăn nuôi như chúng tôi rất mong các ngành chức năng quan tâm hơn, hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời hơn để sớm khôi phục lại sản xuất, chăn nuôi”, ông Liên tâm sự.
Theo ông Nguyễn Liên (trú thôn An Cư, xã Nghĩa Thắng, Tư Nghĩa), sau khi bị ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi vào năm 2021 khiến gia đình ông thiệt hại khoảng 1,6 tỷ đồng, phải đến đầu năm 2023 ông mới dám tái đàn lại. Tuy nhiên, số lượng heo thả nuôi đợt này cũng chỉ được hơn một nửa so với trước đây. Nguyên nhân dẫn đến việc gia đình tái đàn muộn do không có vốn đầu tư khi bao nhiêu tài sản trước đó dồn vào gia trại heo đã mất trắng.
Còn tại xã Tịnh Sơn (huyện Sơn Tịnh), bà Nguyễn Thị Thùy Trang, cán bộ chăn nuôi - thú y xã Tịnh Sơn cũng dẫn chứng cho việc số lượng đàn heo trên địa bàn đang giảm đi đáng kể bằng khối lượng công việc mà mình thực hiện bây giờ không còn nhiều như trước. Nếu như những năm trước, mỗi ngày nữ cán bộ thú y này phải tất bật với những hoạt động chuyên môn như tiêm phòng, chăm sóc sức khỏe cho heo mẹ, heo con… bây giờ mật độ cũng giảm đi còn một nửa.
“Ngoài việc dịch bệnh xảy ra liên tục, các chủ hộ bị thiệt hại về kinh tế thì còn có những nguyên nhân khác khiến người dân không muốn phát triển chăn nuôi nữa. Trong đó có thể kể đến như giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, gấp 1,5 lần so với trước đây. Trong khi đó giá heo thương phẩm cũng bấp bênh nên lợi nhuận không có, chỉ lấy công làm lãi.
Trên địa bàn xã bây giờ người nuôi giảm số lượng heo thịt rất nhiều. Còn heo nái thì trước đây họ nuôi từ 4 đến 5 con bây giờ chỉ giữ 1 đến 2 con. Mặc dù vậy, giá heo giống bán ra hiện cũng giảm mạnh. Nếu như cách đây khoảng 5 đến 6 năm, giá một con heo giống cũng đã trên dưới 1 triệu đồng, bây giờ chỉ còn từ 500.000 - 700.000 đồng/con. Từ thực tế này cho thấy những năm qua, người chăn nuôi heo đang gặp rất nhiều khó khăn”, bà Trang chia sẻ.
Lê Khánh