Bắt đầu từ tư duy kinh tế nông nghiệp
Ông Vũ Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND TP. Sông Công, cho rằng: Khi diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, người nông dân cũng cần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp truyền thống, đại trà sang nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Như tại TP. Sông Công, chúng tôi ưu tiên đầu tư cho phát triển nông nghiệp đô thị, NNCNC, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn...
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà người sản xuất luôn phải đối mặt là tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Theo Tiến sĩ Ngô Quang Vinh, nguyên Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam: Trước tiên, người nông dân phải trả lời được 3 câu hỏi: Sẽ làm ra mặt hàng gì? Bán cho ai? Giá bao nhiêu? Trên cơ sở đó mới xác định làm theo công nghệ nào, cần nhà màng hay không? Khâu nào tự động, khâu nào không? Sản xuất NNCNC cũng không nhất thiết cần diện tích lớn, đơn cử như trồng nấm, hoa lan, dâu tây thì thu nhập được tính trên m2. Đây là giải pháp hiệu quả cho những nơi có quỹ đất eo hẹp.
Tiến sĩ Ngô Quang Vinh, nguyên Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam: Tuy sản xuất NNCNC của Thái Nguyên “chậm chân” hơn một số tỉnh, thành phố khác, song đây cũng lại là lợi thế. Thứ nhất, tỉnh có nhiều mô hình để học hỏi, rút kinh nghiệm cả trong việc ban hành chính sách và thực hiện mô hình. Thứ hai, Thái Nguyên tiếp cận được những công nghệ mới nhất của quốc gia và trên thế giới để ứng dụng vào sản xuất. Điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển NNCNC nói riêng, lĩnh vực nông nghiệp của Thái Nguyên nói chung...
Thực tế, có nhiều mô hình NNCNC ngoài nhà kính. Như tại Thái Nguyên, người nông dân đã ứng dụng các loại giống mới bằng cây nuôi cấy mô, tưới nước và phân qua đường ống, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái… Hay mới đây nhất, một số hộ dân ở các vùng trồng na và vùng chè của tỉnh đã dùng chế phẩm sinh học được sản xuất từ công nghệ vi sinh, nhân vi sinh làm thuốc bảo vệ thực vật, với chi phí rẻ hơn tới 85%.
Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho rằng: Chúng ta chỉ nên ưu tiên đưa vào trồng trong nhà kính các loại cây trồng ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao như: hoa, cây dược liệu, nấm ăn, nấm dược liệu... Đối với những loại cây không mẫn cảm với thời tiết nhiều thì không nhất thiết phải trồng trong nhà kính.
Theo chia sẻ của một số hộ dân, đối với các loại cây trồng mang tính đặc sản vùng miền, ví dụ như cây chè Thái Nguyên, chất lượng được tạo thành bởi nhiều yếu tố tự nhiên thì không nên đưa vào trồng trong nhà kính. Thay vào đó là đầu tư giống mới, quy trình canh tác tiên tiến, đổi mới công nghệ chế biến, bảo quản… để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ứng dụng NNCNC phù hợp với thực tiễn
Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Từ thực tế hoạt động của mô hình hợp tác xã liên kết và các hộ làm NNCNC trên địa bàn tỉnh cho thấy có rất nhiều lợi ích từ việc phát triển NNCNC. Đặc biệt, đầu tư NNCNC còn mang lại thu nhập lớn cho doanh nghiệp và người dân, nhờ tạo ra được năng suất sản phẩm lớn nhất trên mỗi đơn vị diện tích, với chi phí thấp nhờ quy mô sản xuất lớn và áp dụng các công nghệ sản xuất có hiệu quả cao.
Dù vậy, theo ông Hảo, hiện nay, sản xuất nông nghiệp của Thái Nguyên chủ yếu là quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, rất khó khăn cho phát triển NNCNC. Mặt khác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế, nhất là chế biến tinh, chế biến sâu nông sản.
Tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Thái Nguyên hiện còn ở mức thấp. Lĩnh vực chế biến, bảo quản ứng dụng công nghệ cao mới chỉ phát triển với quy mô nhỏ, mô hình trình diễn, chưa nhân ra diện rộng. Trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC, nhưng quy mô, tiềm lực còn thấp, chưa đáp ứng tiêu chí quy định Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Do vậy, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên sẽ tích cực phối hợp với các địa phương phổ biến, tuyên truyền, triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng thời, tăng cường đầu tư, xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản theo hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng. Trong đó, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ sản xuất chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.
Ngoài ra, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn; ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa gắn với các quy trình sản xuất tiên tiến cũng là một hướng đi đúng đắn cho NNCNC của tỉnh.
Bên cạnh đó, việc khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, để tạo đầu ra bền vững cho nông sản, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang lại thu nhập ổn định cho nông dân cũng rất cần thiết. Việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh, nhất là phát triển quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản trên các nền tảng số cũng là xu hướng tất yếu đòi hỏi NNCNC cần bắt kịp.
Một trong những yếu tố quan trọng nữa để NNCNC lan tỏa và phát triển trên địa bàn tỉnh là cần tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, của tỉnh trong xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, như: Sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; quản lý rừng bền vững; đẩy mạnh sử dụng máy móc, thiết bị, cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản; hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị...