Cam thảo đất: Bài thuốc dân gian chữa bách bệnh

Bình luận · 156 Lượt xem

Cam thảo đất là vị thuốc được sử dụng phổ biến trong Đông y để điều trị ho, sởi phù nề, cảm cúm và nhiều bệnh lý khác.

Cam thảo là một vị thuốc rất thông dụng trong y học. Y học cổ truyền dùng 3 cây là cam thảo đất, cảm thảo dây và cảm thảo bắc.

 

Cam thảo đất hay còn gọi là cam thảo nam là dược liệu thường được sử dụng để làm giảm đường huyết, cải thiện các triệu chứng tiểu đường và làm tăng hồng cầu.

 

Ngoài ra, vị thuốc này cũng có thể hỗ trợ làm giảm các vết thương và tăng cường cảm giác ngon miệng cho những người ốm bệnh.

 

Đặc điểm cây cam thảo đất

 

Cây cam thảo đất, mọc thẳng, cao 0,3 - 1m. Thân hình trụ, nơi có cạnh. Lá mọc đối nhưng thường mọc vòng 3 cái một, mép lá có răng cưa ở nửa phía trên.

 

Hoa mọc ở kẽ lá, 3 - 5 cái có cuống dài, màu trắng, 4 lá tài nhỏ, 4 cánh hoa hợp thành ống ngắn, 4 nhị. Quả nang gần hình cầu, có đài tồn tại, hạt rất nhỏ, ở ngoài nhăn nheo. Mùa hoa quả từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm.

Cam thảo đất có nguồn gốc ở châu Mỹ nhiệt đới, phân bố khắp vùng Đông Nam Á, Trung Quốc.

Ở Việt Nam, cam thảo đất mọc hoang ở khắp nơi từ vùng đồng bằng, trung du đến miền núi. Thường gặp ở bãi sông, ruộng bỏ hoang hoặc vườn gia đình. Cả cây, thu hái vào mùa xuân hạ, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô. Khi dùng thì nên cắt ngắn, không phải chế biến.

 

Thành phần và tác dụng dược lý

 

Cam thảo đất chứa các thành phần: alcaloid, flavonoid, chất đắng, acid hữu cơ. Amellin là hoạt chất chính trong cây. Các flavonoid là hymenoxin, luteolin, scutelarein, vitexin.

Các acid hữu cơ gồm acid dulcisic, acid betulinic. Ngoài ra, còn có tanin, B-sitosterol, dulciol, friedelin. Chất Amellin có khả năng chống đái tháo đường vì làm giảm đường huyết và tăng hồng cầu.

 

Cam thảo đất có vị ngọt, đắng, tính mát, không độc, có tác dụng an thần.

 

Hàng ngày, lấy từ 20 - 40g cây tươi hoặc 8 - 12g cây khô sắc nước uống sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, kích thích tiêu hóa, cầm máu, chữa cảm, sốt, ho, viêm họng, kinh nguyệt nhiều.

Bài thuốc hay từ cây cam thảo đất

 

Toa căn bản: Cam thảo đất 8g, rau má 8g, cỏ mần trầu 8g, rễ cỏ tranh 8g, cỏ nhọ nồi 8g, ké đầu ngựa 8g, lá muồng trâu 4g, củ sả 4g, vỏ quýt (4g), gừng tươi (4g).

 

Tất cả phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày. Toa thuốc có tác dụng chữa cảm nóng, cảm lạnh, sốt, cúm, nhức đầu, khát nước, đái ít, mụn nhọt, đầy bụng, ho, nôn mửa, chảy máu cam.

 

Chữa cảm nóng, ra nhiều mồ hôi: Cam thảo đất 12g, lá dâu tằm 16g, lá tre 16g, kim ngân 16g, bạc hà 8g, kinh giới 8g. Sắc uống ngày một thang.

 

Chữa cảm, cúm: Cam thảo đất, kinh giới, tía tô, cúc tần hay sài hồ nam mỗi thứ 3g, kim ngân 4g, mạn kinh 2g, gừng 3 lát. Sắc uống.

 

Cam thảo đất không được sử dụng để uống thay nước hàng ngày. Nếu sử dụng với số lượng lớn liên tục, trong nhiều ngày có thể dẫn đến phù nề. Do đó thường dùng 3 đến 5 ngày, sau đó nghỉ một ngày.

 

Tuy nhiên trước khi sử dụng cây cam thảo đất, người dùng nên trao đổi với thầy thuốc để được hướng dẫn cụ thể về liều lượng và cách dùng sao cho hiệu quả.

Bình luận