Sắp đưa vào vận hành cống thủy lợi Nguyễn Tấn Thành ở Tiền Giang

Bình luận · 225 Lượt xem

Các công trình thủy lợi lớn nhỏ nếu được vận hành tốt sẽ góp phần rất quan trọng trong việc ngăn mặn, cung cấp nước ngọt trong mùa khô ở ĐBSCL.

Mùa khô 2023-2024 được dự báo là sẽ xảy ra hạn mặn gay gắt trên diện rộng ở đồng bằng sông Cửu Long do tác động của El Nino. Chính vì vậy, việc kiểm soát xâm nhập mặn, tích trữ nước trong mùa khô, đang là vấn đề được các địa phương quan tâm.

 

Theo ông Nguyễn Huy Khôi, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam), so với thời kỳ hạn mặn 2019-2020, hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long đã có thêm những công trình thủy lợi lớn như cống Cái Lớn – Cái Bé, cống Ninh Quới, cống Vũng Liêm ...

 

Sắp tới, Bộ NN-PTNT sẽ đưa vào vận hành cống Nguyễn Tấn Thành ở Tiền Giang. Cống này có nhiệm vụ tăng cường khả năng trữ nước ngọt, tạo nguồn và chủ động kiểm soát triều cường, xâm nhập mặn, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho vùng diện tích khoảng 12.580 ha của tỉnh Tiền Giang.

 

Đồng thời, cống cũng tạo nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt trong khu vực, phục vụ cho 800.000 người dân tỉnh Tiền Giang. Khi kết hợp các cống đã có hệ thống công trình, chủ động trong vận hành, kiểm soát, thì đó sẽ là hệ thống đầu mối để hạn chế các tác động của xâm nhập mặn trong mùa khô 2023-2024.

 

Về lâu dài, Bộ NN-PTNT đang tiếp tục tiến hành các dự án đầu tư để khép kín các tiểu dự án như Nam Bến Tre, Bắc Bến Tre, dự án Nam Mang Thít ở Trà Vinh và Vĩnh Long… Ông Khôi cho rằng, khi các hệ thống thủy lợi đã hoàn thiện, chúng ta sẽ chủ động trong việc kiểm soát mặn, lấy nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô.

 

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, so với mùa khô 2019-2020, hiện tại chúng ta đã có hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé với vùng hưởng lợi gần 400 ngàn ha. Các cống Tân Vinh, cống Vũng Liêm… cũng là những hệ thống công trình thủy lợi lớn để điều tiết nước cho một hoặc nhiều tỉnh. Khi các địa phương hưởng lợi từ phối hợp với ban quản lý các hệ thống công trình này để bố trí lại mùa vụ một cách hợp lý, thì càng ngày chúng ta càng có nhiều kinh nghiệm hơn, có những thích ứng tốt hơn trước những yếu tố bất lợi.

 

Theo ông Nguyễn Huy Khôi, bên cạnh các hệ thống thủy lợi lớn do Bộ NN-PTNT quản lý, với các hệ thống thủy lợi nhỏ do địa phương quản lý, các tỉnh cần chủ động có các giải pháp nhằm tăng cường khả năng phòng chống hạn mặn, tích trữ nước ngọt. Trước hết là xem xét lại hệ thống kênh mương nội đồng, nếu bồi lắng quá thì có kế hoạch nạo vét để gia tăng dung tích trữ. Một số nơi chưa có công trình thì đắp đập tạm ngăn mặn, trữ nước ngọt vào cuối mùa mưa.

 

Các địa phương cũng cần theo dõi chặt chẽ các dự báo về thủy văn. Bởi trong thời kỳ mặn lên cao, vẫn có những thời điểm xuất hiện nước ngọt trên sông. Thời gian xuất hiện nước ngọt thường rất ngắn, chỉ trong 1 ngày hoặc trong một vài tiếng đồng hồ. Do đó, các địa phương cần nắm rõ diễn biết nguồn nước và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện lấy nước ngọt, để khi nguồn nước ngọt xuất hiện thì sử dụng ngay các phương tiện đưa ngay nước ngọt vào trong nội đồng.

 

Bên cạnh đó, các địa phương phải có các kế hoạch trữ nước ngọt, đặc biệt là tuyên truyền cho người dân trong việc phải trữ được nước ngọt tại chỗ. Ngoài trữ nước cho sinh hoạt, người dân cũng cần trữ nước trong các ao, mương để tưới cây ăn trái. Thậm chí, người dân phải trang bị các dụng cụ trữ nước lại phòng khi thiếu nước nghiêm trọng.

Bình luận