Mỗi năm đến hè lại lo cháy rừng

Bình luận · 252 Lượt xem

Nghệ An có diện tích rừng rất lớn, đa số là rừng rất dễ cháy, trong khi cơ sở vật chất phục vụ phòng chống cháy rừng còn rất yếu và thiếu.

Nghệ An hiện có gần 1 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên khoảng 789.000ha, rừng trồng 211.000ha, độ che phủ rừng đạt 58,4%. Mùa hè năm nay, Nghệ An không những nắng nóng, nhiệt không khí nhiều ngày trên 40 độ C, hạn hán kéo dài, lại thêm gió Tây Nam (gió Lào) khô nóng thổi mạnh, ẩm độ không khí nhiều thời điểm chỉ 35 - 40%. Vì vậy nguy cơ cháy rừng luôn rình rập, nhất là vùng có nhiều rừng thông và vùng núi cao, đồng bào các dân tộc có tập quán đốt rừng làm nương rẫy.

Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo công tác khắc phục, phòng chống cháy rừng tại xã Thượng Sơn (huyện Đô Lương) sau vụ cháy rừng thông ở đây ngày 5/5/2023. Ảnh: Văn Trường.

Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo công tác khắc phục, phòng chống cháy rừng tại xã Thượng Sơn (huyện Đô Lương) sau vụ cháy rừng thông ở đây ngày 5/5/2023. Ảnh: Văn Trường.

Nguy cơ luôn rình rập

Ông Đinh Văn Cường, nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An đã nghỉ hưu hơn 20 năm nói với chúng tôi: Diễn biến thời tiết chưa có năm nào như năm nay, nắng nóng và gió Lào về sớm, kéo dài. Sản xuất nông nghiệp vụ hè thu này rất khó gieo cấy hết diện tích vì nắng nóng và khô hạn. Về lâm nghiệp, nguy cơ cháy rừng rất dễ xảy ra ở nhiều nơi. Vấn đề này, lãnh đạo tỉnh, ngành nông nghiệp và nhất là Chi cục Kiểm lâm cần phải chủ động bằng mọi biện pháp phòng cháy rừng tốt nhất mới hạn chế được.

Thực tế, việc bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng hiện nay được thực hiện khá bài bản về mặt chủ trương và biện pháp đề ra. Nhưng, quan trọng nhất vẫn là ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân phải luôn cảnh giác, đề phòng cháy rừng. Đây là vấn đề rất khó cho ngành kiểm lâm hiện nay.

Trong khi đó, với diện tích rừng lớn, nhiều diện tích rừng có lớp thực bì được dày, được tích lũy lâu năm rất dễ gây cháy, nhất là ở rừng thông lại càng dễ cháy.

Một nguy cơ nữa rất đáng lo sợ trong mùa hè, đó là nạn đốt rừng làm nương rẫy để gieo lúa, ngô… Hiện mỗi năm ở Nghệ An còn có từ 10.000 - 11.000ha lúa nương rẫy. Trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Kỳ Sơn (khoảng 7.000ha) và Tương Dương (khoảng 4.000ha). Tình trạng này đến nay vẫn còn tồn tại, chưa có xu thế giảm vì ở những vùng này diện tích lúa nước quá ít (huyện Kỳ Sơn chỉ có 150ha, huyện Tương Dương 800ha).

Rất nhiều vụ cháy rừng, nhất là rừng thông dễ cháy đã xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng tại Nghệ An. Ảnh: ST.

Rất nhiều vụ cháy rừng, nhất là rừng thông dễ cháy đã xảy ra, gây thiệt hại nghiêm trọng tại Nghệ An. Ảnh: ST.

Ngày 5/5/2023, cháy rừng đã xảy ra, gây thiệt hại 5,3ha rừng ở khu vực núi Tích Tích, xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương. Tiếp đến ngày 19/5/2023, lại xảy ra vụ cháy rừng thông ở địa bàn khối Trường Sơn, thị trấn Nam Đàn, gây thiệt hại 0,2ha rừng.

Thiếu trầm trọng phương tiện chữa cháy rừng

Ông Đặng Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương cho biết, toàn xã có hơn 7.200ha rừng, trong đó có 5.700ha rừng tự nhiên, 1.500ha rừng sản xuất, nguy cơ cháy rừng rất cao, bởi ở đây có khá nhiều diện tích rừng hỗn gieo tre, nứa.

Đáng lo ngại là hiện toàn xã chỉ có 2 máy thổi gió, trong đó 1 máy được cấp từ năm 2014 và 1 máy cấp năm 2020. Cả 2 máy thổi gió này hiện nay rất khó sử dụng vì hư hỏng nhiều bộ phận trong máy, khó nổ, hơi kém. Cả xã chưa có cưa xăng và các dụng cụ như vỉ dập lửa, đồ bảo hộ trang bị cho lực lượng chữa cháy...

Đơn cử năm 2021, trên địa bàn xã đã xảy ra một vụ cháy rừng, xã đã huy động được rất đông bà con nhân dân tham gia dập lửa. Nhưng, do thiếu trang thiết bị chữa cháy rừng, bà con nhân dân phải chặt, bẻ cành cây để dập lửa.

Trang thiết bị chữa cháy rừng thiếu và yếu nên mỗi khi xảy ra cháy rừng, việc khống chế cháy hết sức khó khăn, hiệu quả thấp, gây thiệt hại lớn.

Trang thiết bị chữa cháy rừng thiếu và yếu nên mỗi khi xảy ra cháy rừng, việc khống chế cháy hết sức khó khăn, hiệu quả thấp, gây thiệt hại lớn.

"Biết rằng thiếu trang thiết bị chữa cháy là khó dập tắt lửa rừng, nhưng do là xã miền nũi còn nhiều khó khăn, nên rất mong được nhà nước hỗ trợ để cán bộ và nhân dân địa phương bớt lo khi không may có cháy rừng xảy ra", ông Hạnh tâm sự.

Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Chương, toàn huyện có diện tích rừng lên đến gần 64.870ha, chủ yếu tập trung ở các xã Thanh Đức, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Hạnh Lâm, Ngọc Lâm, Thanh Hà, Thanh Mai… Hiện cả huyện chỉ có 35 máy thổi gió, trong số này có 10 máy được tỉnh hỗ trợ từ năm 2016, còn lại 25 máy do địa phương trích ngân sách để mua. Hiện nay có 5 xã chưa có máy thổi gió, 7 xã chưa có cưa xăng.

Tại huyện Diễn Châu, đây là địa phương có diện tích rừng thông lớn nhất tỉnh, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao và điều đó đã được chứng minh từ năm 2020 - 2021, huyện Diễn Châu đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn ở các xã Diễn An, Diễn Lợi, Diễn Phú…

Ông Hoàng Công Trường - Chủ tịch UBND xã Diễn An chia sẻ, xã có 320ha rừng thông nhưng cả xã hiện chỉ có duy nhất 1 máy cưa xăng. Rừng ở đây 100% là rừng thông và chạy quanh Quốc lộ 1A, đường tỉnh lộ nên chỉ cần một người nào đó vô ý thức, vô trách nhiệm vứt tàn thuốc lá vào cũng sẽ dễ dàng gây ra cháy rừng. Vì vậy, để có thêm phương tiện chống cháy rừng, UBND xã đã phải mượn kiểm lâm huyện Diễn Châu 2 máy thổi gió nhằm chủ động ứng phó khi xảy ra cháy rừng.

Bên cạnh yêu cầu phải khẩn trương đầu tư cơ sở vật chất phục vụ phòng chống cháy rừng, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm cho nhân dân về công tác này cần phải thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh yêu cầu phải khẩn trương đầu tư cơ sở vật chất phục vụ phòng chống cháy rừng, việc nâng cao ý thức, trách nhiệm cho nhân dân về công tác này cần phải thường xuyên, liên tục.

Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Diễn Châu cho biết: "Toàn huyện có khoảng 6.000ha rừng thông. Mùa hè năm nay, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Trong khi đó, cả huyện chỉ có 11 máy cưa xăng, 30 máy thổi gió, chủ yếu được trang bị từ năm 2014 - 2016, đa phần các máy nói trên đã hỏng hóc, khó sử dụng. Huyện chúng tôi đang đề nghị tỉnh hỗ trợ 50 máy thổi gió và 30 máy cưa xăng". 

Đầu tư cơ sở vật chất, tuyên truyền về phòng chống cháy rừng

Theo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, tỉnh có diện tích rừng lớn. Loại rừng nào cũng rất dễ xảy ra cháy nếu người dân không có ý thức và thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng. Trong các loại rừng, cần đề phòng và luôn phải cảnh giác cao đối với khoảng 16.000ha rừng thông. Vấn đề này UBND tỉnh và Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã quán triệt, tuyên truyền đến tận các huyện, xã, làng, bản và mỗi người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng chống cháy rừng.

Cần sớm đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu phòng chống cháy rừng cho tỉnh Nghệ An. 

Cần sớm đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu phòng chống cháy rừng cho tỉnh Nghệ An. 

Về cơ sở vật chất phòng chống cháy rừng, hiện nay toàn tỉnh đã có 2 hệ thống camera giám sát cháy; 180 máy thổi gió, 85 máy cắt thực bì; 122 cưa xăng; 1.610 vỉ dập lửa; 2.574 dao phát; 2.844 cào, cuốc, xẻng; 26 máy bơm nước; 267 loa cầm tay; 1254 can nhựa đựng nước; 17 ống nhòm…

Với những dụng cụ, thiết bị chữa cháy rừng nói trên, so với yêu cầu của công tác phòng chống cháy rừng hiện nay, nhất là trong mùa nắng nóng như đổ lửa, khô hạn gay gắt thì việc đầu tư thêm kinh phí mua trang thiết bị chữa cháy rừng cả về số lượng và chủng loại cần được tiến hành gấp, vừa để dự phòng ở tỉnh, vừa để hỗ trợ cho các địa phương trên cơ sở hợp lý và cần thiết. Vấn đề này, vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản giao Sở NN-PTNT và chính quyền các địa phương khẩn trương chỉ đạo thực hiện càng sớm càng tốt.

Để phòng chống cháy rừng tốt hơn nữa, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Một là tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, trong các hội nghị, hội thảo... và giao cho các tổ chức chính trị xã hội phải có trách nhiệm thường xuyên, liên tục tuyên truyền đến tận mọi người dân về hiểm họa và nguy cơ cháy rừng rất dễ xẩy ra trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài để người dân nâng cao ý thức và trách nhiệm phòng chống cháy rừng.

Cần chú trọng làm nhiều đường băng cản lửa hoặc đường giao thông vào rừng, vừa thuận lợi cho phòng cháy, chữa cháy rừng, vừa có tác dụng cản lửa khi xảy ra cháy rừng. 

Cần chú trọng làm nhiều đường băng cản lửa hoặc đường giao thông vào rừng, vừa thuận lợi cho phòng cháy, chữa cháy rừng, vừa có tác dụng cản lửa khi xảy ra cháy rừng. 

Hai là xây dựng nhiều đường giao thông vào các khu rừng, nhất là khu vực rừng dễ xảy ra cháy, vừa là đường giao thông đi lại tuần tra dễ dàng, vừa là đường băng cản lửa khi cháy rừng xảy ra.

Ba là, ở khu rừng nào cũng cần có chòi quan sát cháy rừng 24/24 để báo động kịp thời khi cháy rừng xảy ra. Đồng thời nghiêm cấm tất cả mọi người không có lý do thì không được tùy tiện vào rừng.

Phải hạn chế đến mức thấp nhất việc đốt rừng làm nương rẫy. Nếu địa phương nào bà con dân bản còn có tập quán đốt rừng làm nương rẫy thì chính quyền các địa phương cần có văn bản ký kết với từng hộ dân về việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy rừng. Nếu để xảy ra cháy rừng thì hộ dân đó phải chịu trách nhiệm về hậu quả gây ra và phải xử lý theo luật pháp quy định.

Bình luận