Triển vọng phát triển du lịch nông nghiệp

Bình luận · 208 Lượt xem

Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn. Loại hình du lịch này không chỉ góp phần đa dạng hóa các hoạt động thương mại, gi?

Thời điểm này, vào các dịp cuối tuần đang có khá nhiều khách du lịch tìm đến với các trang trại trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình để được tham gia những hoạt động chăm sóc, thu hoạch cam cùng các chủ vườn. Được biết, với mục tiêu đón đầu xu thế du lịch nông nghiệp, nhiều nhà vườn ở Cao Phong đã kết hợp cùng các đơn vị lữ hành tổ chức các chương trình phong phú như “Khám phá đồi cam”; “Một ngày làm nông dân vùng cao”… Tham gia những chương trình này, ngoài việc “được ăn cam thỏa thích tại vườn”, khách du lịch sẽ có cơ hội được tìm hiểu, trải nghiệm các hoạt động như trồng, chăm sóc, thu hái cam. Đồng thời, được chủ vườn bán lại toàn bộ số cam tự tay mình thu hoạch. Vừa lựa chọn những trái cam vàng óng, du khách Phạm Như Quỳnh vừa vui vẻ chia sẻ: “Du lịch, khám phá vườn cam thực sự là những trải nghiệm lý thú đối với chúng tôi, nhất là những gia đình có các bạn nhỏ. Mọi người ai cũng hào hứng với những khu đồi cam rộng lớn, những cây cam sai trĩu quả vào chính vụ thu hoạch…”.

Tìm hiểu được biết, không chỉ riêng tỉnh Hòa Bình mà tại nhiều địa phương khác trong cả nước, du lịch nông nghiệp đang là một xu hướng phát triển với những hiệu quả khá toàn diện. Du lịch nông nghiệp là dịch vụ du lịch được tổ chức dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp để phục vụ du khách có nhu cầu giải trí hoặc giáo dục. Du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động như: tham quan và tìm hiểu về quy trình sản xuất nông nghiệp; được tự tay thu hoạch trái cây, rau củ,… Du lịch nông nghiệp đã được phát triển ở nhiều địa phương thuộc các vùng miền khác nhau như Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bạc Liêu… Việc thu hút du khách đến với các hoạt động du lịch nông nghiệp đã mang đến trải nghiệm mới lạ cho khách du lịch, cũng như gia tăng thu nhập của người nông dân.

 

Anh Quách Văn Thành, một chủ vườn cam ở thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong cho biết: “Tham gia mô hình du lịch nông nghiệp thu hút du khách đến vườn cam, thu nhập của gia đình tăng lên khá nhiều. Cam bán cho du khách tại vườn được giá hơn so với xuất bán cho thương lái; nhà vườn lại không mất tiền thuê nhân công thu hoạch, không mất tiền vận chuyển cam…”.

 

Thực tế cho thấy, du lịch nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn. Loại hình du lịch này không chỉ góp phần đa dạng hóa các hoạt động thương mại, giải quyết các vấn đề đầu ra cho các mặt hàng nông sản, mà còn trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Mặt khác, du lịch nông nghiệp ở một số địa phương còn gắn liền với chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm nông nghiệp” (OCOP), chương trình bảo tồn các giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống với việc phát triển đa dạng sản phẩm... Do đó, đã có ý nghĩa lớn trong hỗ trợ duy trì và quảng bá đời sống nông thôn, nâng cao ý thức về phong tục tập quán cũng như bảo tồn các phương thức canh tác truyền thống của địa phương.

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc phát triển du lịch nông nghiệp hiện đang tồn tại một số bất cập như: các vấn đề liên quan quản lý đất đai, hạ tầng, mở rộng các cấp quản lý du lịch nông thôn, các chính sách hỗ trợ, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn... Du lịch nông nghiệp chủ yếu mới được phát triển ở quy mô nhỏ với những đặc thù, riêng lẻ của các địa phương. Bên cạnh đó, việc chưa có một chính sách tổng thể về phát triển du lịch nông nghiệp cấp quốc gia cũng hạn chế các nguồn lực đầu tư cho loại hình du lịch này.

 

Theo TS Ngô Kiều Oanh, Chuyên gia du lịch nông nghiệp, nông thôn, để tạo ra thương hiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn thu hút du khách, chúng ta cần hoàn thiện chính sách đặc thù cho sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; tạo sức mạnh nội sinh trong cộng đồng dân cư, kết nối với nguồn lực bên ngoài cho sự phát triển kinh tế nông thôn toàn diện gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tăng cường quảng bá hình ảnh miền quê đáng sống, thân thiện và các nét đặc sắc riêng có về văn hóa, lịch sử, các sản phẩm OCOP đặc hữu, đặc sản hấp dẫn du khách...

 

Để việc phát triển du lịch nông nghiệp mang lại những hiệu quả thiết thực, bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như hoàn thiện cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn về phát triển du lịch nông nghiệp; huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông nghiệp; tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp; bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông nghiệp; ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch n nông nghiệp; tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phát triển du lịch nông nghiệp…

 

Với hàng vạn mô hình trang trại nông nghiệp, hàng nghìn làng nghề nông nghiệp truyền thống về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nghề muối và thủ công mỹ nghệ, chế biến, du lịch nông nghiệp ở Việt Nam đang có những triển vọng phát triển rất lớn. Đa dạng hóa các hình thức, biện pháp hỗ trợ gắn với đặc điểm của từng địa phương, vùng miền sẽ là tiền đề thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp, nhằm tạo đột phá về chất lượng đời sống người dân khu vực nông thôn; giúp nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước./.

Bình luận