Giám sát chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

Bình luận · 216 Lượt xem

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung yêu cầu các địa phương chấn chỉnh vi phạm liên quan đến cấp, quản lý số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Thời gian qua, mặc dù Bộ NN-PTNT đã nhiều lần cảnh báo, yêu cầu chấn chỉnh tình trạng vi phạm liên quan đến công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, song chuyển biến ở các địa phương rất chậm. Hầu hết các tỉnh chỉ quan tâm hướng dẫn thiết lập và cấp mới, chưa tập trung nguồn lực cho giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được phê duyệt.

Tại Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, thu đông, mùa năm 2023, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024 vùng ĐBSCL (tổ chức ngày 14/9), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung đã đề nghị các cơ quan chức năng liên quan, các địa phương quan tâm, lưu ý hơn khi cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), bám sát nội dung của Nghị định thư, đáp ứng các quy định của nhà nhập khẩu.

Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá, công tác quản lý mã số vùng trồng cây ăn trái hiện còn nhiều hạn chế, nhất là việc liên kết không chặt chẽ, tình trạng bẻ kèo, mua tranh thường xuyên xảy ra. Thời gian tới, nếu các địa phương không có biện pháp khắc phục, không chỉ một loại mà hàng loạt trái cây sẽ có nguy cơ mất thị trường.

Hiện nay, cả nước có gần 7.000 mã số vùng trồng, gần 1.500 cơ sở đóng gói được cấp để phục vụ xuất khẩu. 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng với 439 trường hợp vi phạm.

Trong khi đó, 89% sản lượng trái cây của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 10 loại trái cây chủ lực của Việt Nam cũng đều có mặt ở quốc gia này. Điển hình, mỗi năm cả nước xuất khẩu từ 1,9 - 2 triệu tấn thanh long sang thị trường Trung Quốc. Với mặt hàng sầu riêng, quốc gia tỷ dân này cũng là thị trường số 1 của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, nếu Trung Quốc áp dụng các biện pháp tăng cường như ngừng nhập khẩu, cấm nhập khẩu, nước ta sẽ mất thời gian ít nhất từ 3 - 5 năm để đàm phán lại. Việc xuất khẩu trái cây vì vậy sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy nếu không làm tốt khâu quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong thời gian tới.

Tính đến hết tháng 7/2023, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng xuất khẩu đã được cấp cho 25 sản phẩm. ĐBSCL là khu vực có số lượng mã số vùng trồng lớn nhất cả nước, chiếm 57% tổng số mã số đang hoạt động

Bình luận