Tan tác thú y cơ sở [Bài 2]: Đốt đuốc không tuyển được thú y viên

Bình luận · 886 Lượt xem

Nhiều địa phương tỉnh Thanh Hóa không tìm được cán bộ thú y do chế độ đãi ngộ thấp, nơi bố trí được cán bộ thì lại không có chuyên môn về thú y.

Vận động nhưng không ai làm

Cách đây hơn năm, ông Đinh Trọng Sơn, cán bộ thú y xã Quảng Hòa (Quảng Xương, Thanh Hóa) qua đời. Từ đó đến nay, địa phương này trống cán bộ thú y.

Không có người làm công tác thú y, UBND đã cắt cử cán bộ nông nghiệp kiêm nhiệm chức danh trên. Tuy nhiên, do không có chuyên môn về thú y, nên cán bộ này không thể đảm nhiệm tốt vai trò phòng, chống dịch và tiêm phòng. Bởi vậy, cứ mỗi đợt tiêm phòng, xã đều phải thuê người có chuyên môn bên ngoài để làm nhiệm vụ này.

UBND xã Quảng Hòa nhiều lần thông báo tuyển nhân viên thú y để thay vị trí ông Sơn, nhưng không có ai ứng tuyển. Nguyên nhân là do thu nhập của nhân viên thú y xã quá thấp so với mức sống hiện nay.

“Thời điểm anh Sơn bị ốm, con trai cán bộ này cũng vừa tốt nghiệp trường Trung cấp thú y. Chúng tôi động viên cháu về xã làm việc, nhưng vì thu nhập thấp nên cháu từ chối. Tôi cũng vận dụng các mối quan hệ quen biết để tìm người làm, nhưng cũng không được. Họ nói làm thuê một ngày bên ngoài có khi bằng nhân viên thú y làm việc quần quật cả tháng. 

Trong khi đó, người có tuổi, có kinh nghiệm về thú y lại không thể bố trí công việc vì sức khỏe yếu. Xã cũng tính phương án hợp đồng thời vụ với cán bộ thú y xã khác, nhưng không ổn vì công việc thú y nhiều và họ không muốn mất thời gian chạy đi chạy lại từ xã này sang xã khác”, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) cho biết.

Hiện, xã Quảng Hòa có quy mô chăn nuôi khoảng hơn 6.000 con gia cầm và gần 300 con trâu. Việc không có và không tìm được nhân viên thú y khiến công tác tiêm phòng dịch, kiểm soát dịch bệnh động vật trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn. Thời điểm tiêm phòng, xã phải phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Xương thuê sinh viên Khoa Nông - Lâm, trường Đại học Hồng Đức để thực hiện nhiệm vụ, với mức thù lao 200.000 đồng/người/ngày. 

Tuy nhiên, công tác thú y đâu chỉ có mỗi việc tiêm phòng. Bất cập ở chỗ, nếu phát sinh dịch bệnh, xã phải báo cáo lên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, rồi huyện mới điều người về phối hợp. Việc phòng, chống dịch là vấn đề gấp gáp phải thực hiện ngay từ cơ sở chứ không thể chờ đợi hay báo cáo lòng vòng. Ngược lại, nếu có thú ý chuyên trách tại cơ sở như trước đây, thông tin dịch bệnh sẽ được nắm bắt nhanh hơn.

Mặt khác, khi cán bộ Trung tâm Dịch vụ xuống xã kiểm tra công tác dịch bệnh, chủ yếu nắm thông tin qua Phó Chủ tịch UBND xã, chứ không thể sát sao địa bàn như cán bộ thú y địa phương. Bởi vậy, công tác thú y cần những người lăn lộn với công việc thực tế bằng cả trí tuệ lẫn sức khỏe, thậm chí phải chấp nhận hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích cộng đồng", ông Dũng chia sẻ.

Ông Dũng thừa nhận, không phải ai cũng làm được công tác thú y, bởi đây là công việc phức tạp, đòi hỏi chuyên môn sâu. Bởi, cán bộ thú y có thể làm được công tác khuyến nông, nhưng người có chuyên môn khuyến nông không thể làm công tác thú y. Ngay cả y tá thôn cũng vậy, họ chỉ biết tiêm cho người chứ không thể tiêm cho động vật.  

Từ những bất cập trên, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa kiến nghị, đối với những xã thuần nông như Quảng Hòa cần bố trí cán bộ thú y chuyên trách chứ không nên kiêm nhiệm hoặc bán chuyên trách. Bên cạnh đó, cần nâng mức phụ cấp cho nhân viên thú ý để họ đảm bảo đời sống, yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Nếu mức phụ cấp nhỏ giọt như hiện nay, cán bộ thú y rất khó hết mình vì công việc.

Nhiều cán bộ thú y cơ sở đang 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng'. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều cán bộ thú y cơ sở đang "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Ảnh: Quốc Toản.

Tại xã Thọ Hải (Thọ Xuân, Thanh Hóa) chức danh thú y đã khuyết từ năm 2021 đến nay. Mặc dù cán bộ xã "đốt đuốc" tìm người để đảm nhiệm chức danh này nhưng vẫn không sao thực hiện được.

“Cán bộ thú y ít nhất phải có bằng Trung cấp chuyên ngành chăn nuôi, thú y trở lên, nhưng xã vẫn không tìm được người làm việc. Cách đây không lâu, chúng tôi đã rà soát toàn xã và tìm được 1 người có chuyên môn chăn nuôi thú y đã nghỉ hưu. Tuy nhiên, nhân viên này chỉ làm được vài tháng rồi bỏ việc với lý do mức đãi ngộ không đủ sống. Còn sinh viên trẻ càng không muốn làm thú y xã”, ông Bùi Hữu Quyết, Chủ tịch UBND xã Thọ Hải cho hay.

Chính vì không tuyển được nhân viên thú y, như nhiều địa phương khác trong tỉnh, cứ vào đợt tiêm phòng, xã Thọ Hải phải thuê người để thực hiện các đợt tiêm phòng trong năm.

Trong khi đó, tại một số phường trên địa bàn thành phố Thanh Hóa lâm vào tình trạng khốn đốn vì bị cắt chức danh nhân viên thú y. Một số lãnh đạo phường cho rằng, nguồn kinh phí hàng năm được thành phố hỗ trợ không đủ để thực hiện công tác thú y, đặc biệt là triển khai vấn đề tiêm phòng, an toàn dịch bệnh, chứ chưa nói đến việc ký hợp đồng và tăng mức phụ cấp đối với nhân viên thú y. Bởi vậy, một số đơn vị này chỉ dám hợp đồng thời vụ để thực hiện công tác tiêm, phun phòng dịch bệnh.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, một số phường, xã không có lực lượng nhân viên thú ý để tiếp nhận thông tin từ người chăn nuôi, trong khi chính quyền địa phương chậm nắm được thông tin dịch bệnh động vật xảy ra trên địa bàn dẫn đến hệ quả dịch bệnh có nguy cơ lây lan rộng, kéo dài, làm tăng chi phí, thời gian chống dịch và thiệt hại do dịch.

Thú y cơ sở có như không

Một con số rất đáng chú ý, toàn tỉnh Thanh Hóa có 70 xã, phường không có nhân viên thú y, trong đó có 10 đơn vị không tuyển được nhân viên thú y. Việc thiếu nhân viên thú y tại các xã, phường khiến công tác quản lý chuyên ngành về thú y trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, công tác giám sát phát hiện dịch bệnh bị chậm trễ, việc triển khai các biện pháp chống dịch không kịp thời, không nhất quán, khó khăn trong công tác kiểm dịch động vật và quản lý thuốc thú y.

Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 69 xã, thị trấn có chức danh cán bộ thú y nhưng không có chuyên môn thú y, tập trung tại các huyện như Hoằng Hóa, Mường Lát, Nga Sơn, Quảng Xương, Yên Định, Như Thanh, Quan Hóa, Ngọc Lặc...

Cá biệt, nhiều cán bộ kiêm nhiệm chức danh thú y nhưng chuyên môn đào tạo không hề liên quan gì về lĩnh vực này (môi trường, quản trị kinh doanh, luật, quân sự, bảo hiểm, điều dưỡng). Nguyên nhân của việc "râu ông nọ cắm cằm bà kia" trong việc bố trí cán bộ làm công tác thú y chủ yếu là do các địa phương không tìm được người làm chuyên môn do chế độ đãi ngộ thấp.

Nhân viên thú y cơ sở đối diện với áp lực công việc và gánh nặng cơm áo gạo tiền. Ảnh: Quốc Toản.

Nhân viên thú y cơ sở đối diện với áp lực công việc và gánh nặng cơm áo gạo tiền. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa mặc dù bố trí được cán bộ thú y kiêm nhiệm, nhưng chức danh này có cũng như không. Ông Lê Đức Tuấn - Chủ tịch UBND xã Bình Lương (huyện Như Xuân, Thanh Hóa) cho biết, do không tìm được người có chuyên môn về mặt thú ý, nên xã đã bố trí cán bộ trái ngành đảm nhiệm công tác này.

“Chúng tôi có thể tìm được người tốt nghiệp chuyên ngành thú y nhưng vì mức phụ cấp quá thấp, nên dù đã vận động nhiều lần nhưng họ không làm. Cán bộ được phân công nhiệm thú y chỉ có nhiệm vụ tổ chức tập huấn, thống kê sổ sách. Tuy cán này được tập huấn tiêm phòng nhưng chuyên môn không đảm bảo, nên vào mỗi đợt tiêm phòng, xã phải thuê người có chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ”, ông Tuấn cho hay.  

Theo phản ánh của các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, việc thiếu lực lượng chuyên môn thú y cơ sở gây khó khăn trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là việc ứng phó, khoanh vùng dập dịch khi dịch xuất hiện trên địa bàn.

Trước thực tế trên, Sở NN-PTNT Thanh Hóa kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem tăng mức thù lao đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã... Đồng thời, sớm tái lập hệ thống thú y ngành dọc để đảm bảo hoạt động này được diễn ra xuyên suốt và cáng đáng tốt nhất công tác phát hiện, phòng, chữa bệnh.

 
Bình luận