Hải Phòng: Tháo gỡ khó khăn để phát triển du lịch nông nghiệp

Bình luận · 297 Lượt xem

Hiện nhiều doanh nghiệp, cá nhân muốn đầu tư vào du lịch nông nghiệp nhưng không thực hiện được do có quá nhiều rào cản.

Đó là ý kiến của ông  Vũ Huy Thưởng - Phó Giám đốc Sở Du lịch Tp.Hải Phòng nói về nguyên nhân khiến du lịch nông nghiệp Tp.Hải Phòng phát triển “chậm” nhiều năm qua.

Được biết, tiềm năng du lịch của Tp.Hải Phòng nói chung đến nay vẫn chưa được khai thác, phát huy. Hiện trên địa bàn Tp.Hải Phòng chưa có điểm du lịch nông nghiệp nào được công nhận. Trước đây, Tp.Hải Phòng cho phép triển khai thí điểm hai điểm du lịch nông nghiệp là Trường Thành Farm và Du lịch đảo Bầu (cùng huyện An Lão, Tp.Hải Phòng). Đến nay, hai điểm du lịch này đã hết thời hạn thí điểm mà vẫn chưa triển khai tiếp.

Bởi để xây dựng điểm du lịch nông nghiệp, chủ đầu tư phải hoàn thiện hệ thống thăm quan, trải nghiệm, lưu trú, ăn uống. Trong khi đất tích tụ là đất nông nghiệp mà theo quy định của pháp luật không được phép xây dựng công trình kiên cố. Đối với công trình tạm phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng nào.

Hiện nhiều doanh nghiệp, cá nhân muốn đầu tư vào du lịch nông nghiệp nhưng không thực hiện được do có quá nhiều rào cản.

Hiện nhiều doanh nghiệp, cá nhân muốn đầu tư vào du lịch nông nghiệp nhưng không thực hiện được do có quá nhiều rào cản.

Đơn cử, huyện Kiến Thuỵ, TP Hải Phòng là huyện nổi tiếng với nhiều loại đặc sản liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong đó có thể kể đến cá mòi kho, gạo ruộng rươi, mật ong rừng ngập mặn. Ngoài ra, nơi đây còn có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái - nông nghiệp, như quần thể núi Đối - sông Đa Độ, hơn 700 ha rừng ngập mặn ở xã Đại Hợp, khu vực ruộng rươi rộng lớn ở hai xã Kiến Quốc và Ngũ Phúc.

Đặc biệt, huyện Kiến Thụy còn có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh đa dạng. Nhiều nơi được du khách trong nước và quốc tế lựa chọn trong hành trình khám phá Hải Phòng, như: Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc, đền Mõ có cây gạo ngàn năm tuổi, Văn miếu Xuân La.

Nhưng thực tế cho thấy, huyện Kiến Thuỵ năm 2022, địa phương đón hơn 50.000 lượt du khách, chỉ bằng 1/140 lượt khách du lịch đến Tp.Hải Phòng trong năm (hơn 7 triệu lượt).

Về vấn đề này ông Nguyễn Duy Minh - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, thẳng thắn thừa nhận, ngoài hệ thống cơ sở hạ tầng, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chưa đáp ứng nhu cầu của du khách, nguyên nhân chủ yếu là địa phương chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh du lịch nông nghiệp.

Được biết, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, ngày 11/5/2023, UBND Tp.Hải Phòng ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng đến năm 2030.

Du khách tham quan tại Khu du lịch Đảo Bầu

Du khách thăm quan tại Khu du lịch Đảo Bầu

Thực hiện theo Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ, Tp.Hải Phòng phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất hai điểm du lịch nông thôn được công nhận là điểm du lịch.

Bên cạnh đó, Tp.Hải Phòng dự kiến hỗ trợ mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một điểm trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù, sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP theo mô hình chuỗi liên kết cung ứng với sự tham gia của các chủ thể Nông dân - Hợp tác xã - Hộ kinh doanh - Doanh nghiệp.

Đồng thời, Tp.Hải Phòng sẽ nghiên cứu, xem xét ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ nhà đầu tư, trong đó có tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quá trình tích tụ ruộng đất cũng như xây dựng các công trình phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp.

Theo thông tin từ UBND Tp.Hải Phòng, dự kiến thành phố sẽ trích ngân sách tổng cộng 24 tỷ đồng, trung bình 3 tỷ đồng/năm được lồng ghép trong kinh phí thực hiện các chương trình, đề án, sự nghiệp của các sở, ngành trong dự toán chi ngân sách hằng năm cho du lịch nông nghiệp.

Các huyện trên địa bàn Tp.Hải Phòng dự kiến chi 8 tỷ đồng ngân sách, trung bình 1 tỷ đồng/năm phục vụ chương trình OCOP. Đồng thời, xem xét huy động các nguồn thu hợp pháp và vốn xã hội hóa khoảng 72 tỷ đồng, trung bình 9 tỷ đồng/năm cho phát triển du lịch nông thôn.

Du khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp

Du khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp

Hiện, một số doanh nghiệp đã triển khai mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn nhưng chưa đáp ứng các quy định pháp luật của địa phương đang xây dựng lại các đề án phát triển mô hình du lịch cho phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch của địa phương, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Ông Bùi Minh Hoạ - Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh Xăng dầu An Hòa Chủ Khu du lịch Đảo Bầu chia sẻ, Khu du lịch Đảo Bầu nằm trên khúc sông Đa Độ, thuộc xã Mỹ Đức, huyện An Lão, Hải Phòng, xưa kia, nơi đây giao thông đi lại khó khăn, ruộng đồng hầu như bị bỏ hoang. Chúng tôi quyết tâm mạnh dạn đầu tư, quy hoạch và tích gom được gần 80 ha đất để phát triển theo ý tưởng du lịch gắn với nông nghiệp. Sau 20 năm xây đắp, bằng cả công sức lẫn tiền của, đặc biệt đã được UBND TP Hải Phòng và các Sở ban ngành, tập trung hỗ trợ và giúp đỡ, dự kiến thời gian tới, gần nhất sẽ xây dựng thành khu du lịch gắn với nông nghiệp có quy mô lớn, đẹp nhất miền Bắc.  

Thời gian tới, với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng tháo gỡ các vướng mắc đối với mô hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn cũng như sớm xem xét, giải quyết các đề án, đề xuất của doanh nghiệp sẽ nhanh chóng phát triển mô hình du lịch này. 

Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/hai-phong-thao-go-kho-khan-de-phat-trien-du-lich-nong-nghiep-251183.html

Bình luận