Hiến kế để phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn bền vững

Bình luận · 215 Lượt xem

(Thanh tra) - Tại Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP” được diễn ra vào ngày 22/9 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, nhiều ý kiến

Khuyến khích, tạo động lực để người dân cùng chung sức

Ông Dương Minh Bình, Giám đốc Công ty CBT, chia sẻ bí quyết thành công khi đầu tư vào dịch vụ homestay như: Làm du lịch nông nghiệp nông thôn phải gắn với lợi ích của người nông dân. Thông qua việc truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm, phải làm sao để người dân nâng cao thu nhập ngoài hoạt động sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng tầm đời sống văn hóa của người dân.

Khách du lịch tìm đến để tìm hiểu về thiên nhiên và văn hóa của địa phương, nên nếu người dân để mất một trong 2 điều này, thì họ sẽ không đến nữa. Vì du khách đến mang lại thu nhập đáng kể cho người dân, nên từ đó, họ phải tự có ý thức giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên, văn hóa, bản sắc của mình.

 Ông Dương Minh Bình, Giám đốc Công ty CBT. Ảnh: PV

Mỗi địa phương đều có những sản vật đặc trưng, ở những nơi tiến hành đầu tư, ông Bình đã cất công mời những đầu bếp của các khách sạn 5 sao hàng đầu đến để chế biến, hướng dẫn người dân làm để cho du khách nước ngoài hay trong nước đều có thể ăn được, ăn ngon và ấn tượng với hương vị đặc sắc của sản vật địa phương

Bên cạnh việc khuyến khích người dân cùng tham gia, ông Bình còn thiết lập bản đồ kết nối giữa các làng du lịch với điểm tham quan hiện tại để gửi đến các công ty lữ hành, kết nối các chương trình du lịch.

Chọn lọc các sản phẩm OCOP mang bản sắc của từng địa phương

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Saigon Asset, cho biết, các lĩnh vực kinh doanh của đơn vị liên kết với rất nhiều các sản phẩm OCOP, cũng như các tour tuyến về du lịch nông nghiệp và nông thôn. Vì vậy, với hơn 10.000 sản phẩm OCOP, đây là nguồn tài nguyên rất lớn để làm cơ sở phát triển tour tuyến về du lịch nông nghiệp nông thôn.

Sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc thù của từng địa phương, từng khu vực, tuy nhiên với hơn 10.000 sản phẩm của các địa phương thì sự trùng lặp là khá nhiều như các sản phẩm về rượu, mật ong… Vì vậy, cần có sự chọn lọc để mỗi địa phương có ít các sản phẩm OCOP hơn nhưng lại mang tính đặc thù hơn, phải có tính khác biệt, tính nhân văn, thật sự bắt nguồn từ địa phương và có hồn văn hóa của từng địa phương. Từ đó, các công ty lữ hành, du lịch sẽ dễ dàng liên kết để phát triển hơn.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Saigon Asset. Ảnh: PV

Mặt khác, các sản phẩm mang tính đặc sắc, đặc sản, sản xuất thủ công, gia truyền thì cần có những kênh phân phối đặc biệt, thậm chí, nên có những sản phẩm chỉ phân phối tại địa phương với những nguyên liệu và phương pháp chế biến đặc thù nhất, để làm nền tảng, nền văn hóa của từng địa phương, của từng chủ sở hữu.

Doanh nghiệp du lịch góp phần quảng bá cho các sản phẩm OCOP và ngược lại, chính các sản phẩm OCOP lại tạo ra sự đặc sắc, thu hút khách du lịch đến các tour của các doanh nghiệp du lịch lữ hành. Đây là mối quan hệ tương trợ lẫn nhau.

Du lịch sức khỏe, một mảnh ghép cần bổ sung, hoàn thiện

Theo Ông Đỗ Tân Khoa, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền TP HCM, mảnh ghép cần hoàn thiện thêm trong phát triển du lịch, đó là du lịch sức khỏe. Thông thường, khi nhắc đến phát triển du lịch, chúng ta thường hay chú trọng các dịch vụ như ăn uống, ngắm cảnh, nghủ nghỉ, tắm… mà chưa đề cấp đến chăm sóc sức khỏe.

The ông Khoa, du lịch sức khỏe có thể hiểu là du lịch khám phá, tìm hiểu về dược liệu và các vị thuốc cổ truyền, du lịch chăm sóc sức khỏe bằng y dược cổ truyền và khám phá y dược cổ truyền, văn hóa bản địa.

Ông Đỗ Tân Khoa, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền TP HCM. Ảnh: PV

Trong đó, y học cổ truyền có thể tham gia như là một sản phẩm trong chuỗi sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn đó là du lịch phục hồi sức khỏe (xoa bóp bấm huyệt, gội đầu dưỡng sinh, tắm dược liệu…), dược liệu (cây thuốc, con vật làm thuốc, từ nguồn suối khoáng...); các dược phẩm có nguồn gốc từ dược liệu (trà thuốc, vị thuốc đã sơ chế, rượu ngâm dược liệu, mật ong...) và những câu truyện về cây thuốc, vị thuốc, về văn hóa, về con người, về đặc sản của vùng miền, những sản phẩm OCOP.

Ở nước ta có những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sức khỏe như: Đa dạng về sản phẩm từ nông nghiệp, các địa phương giàu truyền thống của về văn hóa, con người và nông sản vật; cùng đó là xu hướng phát triển về du lịch y tế, du lịch sức khỏe, xu thế hướng về thiên nhiên, hướng về y dược cổ truyền của du khách.

Vì vậy, việc xây dựng và phát triển mô hình “du lịch sức khỏe” gắn kết với các chương trình phát triển nông thôn, du lịch y tế và du lịch y tế bằng cung cấp sản phẩm của y dược cổ truyền hoàn toàn có cơ sở phát triển và lan rộng.

Chủ động liên kết, quảng bá để phát triển ngày càng chuyên nghiệp

Bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam. Ảnh: PV

Theo bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam, muốn xây dựng và phát triển được các tour du lịch kết hợp được với nông nghiệp tiến tới phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững, bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, các sở, ban, ngành có liên quan, các nhà cung ứng dịch vụ du lịch nông nghiệp, các doanh nghiệp lữ hành và chính những chủ thể của tour du lịch nông nghiệp “các nông dân” hay “trang trại viên” phải chủ động phối hợp, liên kết hoạt động, nghiên cứu thị trường tìm khách hàng mục tiêu để có sản phẩm phù hợp, cùng quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp một cách chuyên nghiệp hơn…

Với các sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo, chúng ta sẽ mang lại các trải nghiệm thú vị, hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch, phối hợp xây dựng nông thôn mới và cùng cộng đồng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Nguồn: https://thanhtra.com.vn/kinh-te/kinh-te-tong-hop/hien-ke-de-phat-trien-du-lich-nong-nghiep-nong-thon-ben-vung-215330.html

Bình luận