Làm du lịch nông nghiệp cần “độc, lạ” không trùng lắp

Bình luận · 199 Lượt xem

Du lịch nông nghiệp nông thôn là không gian để sản phẩm OCOP quảng bá, phát huy và lan tỏa các giá trị về chất lượng, văn hóa, tri thức bản địa của từng địa phương, nâng cao giá trị và “xuất khẩu tại chỗ” đặc sản đ?

Ngày 22/9/2023 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

DU LỊCH NÔNG THÔN LÀ KHÔNG GIAN ĐỂ QUẢNG BÁ SẢN PHẨM OCOP

Ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương nhận định, thời gian qua chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền. 

Qua đó, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Du lịch nông thôn là không gian để sản phẩm OCOP quảng bá, phát huy và lan tỏa các giá trị về chất lượng, văn hóa, tri thức bản địa của từng địa phương, nâng cao giá trị và “xuất khẩu tại chỗ” đặc sản địa phương.

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết một số thế mạnh du lịch gắn với nông lâm nghiệp của Đồng Nai là du lịch trải nghiệm rừng, du lịch miệt vườn, du lịch công trình hồ đập. Do mới triển khai các kế hoạch liên quan đến phát triển du lịch nông nghiệp, Đồng Nai rất quan tâm đến khung pháp lý, cũng như các vấn đề liên quan tới an ninh trật tự, phát triển bền vững.

Ông Phi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng một chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp mang định hướng dài hạn, giúp nhà đầu tư yên tâm rót vốn. Đây cũng là tiền đề cho tỉnh xây dựng các cơ chế hỗ trợ hạ tầng, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá giới thiệu sản phẩm…

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho hay Hậu Giang hiện có hơn 40.000ha cây ăn trái, nên đang tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp hiện hữu của người dân, hỗ trợ đầu tư thêm thu hút khách du lịch. Ví dụ như vườn măng cụt 100 tuổi, vườn chôm chôm, sầu riêng, trại sữa dê Mộc Đào, vườn dâu Thiên Ân, khu du lịch mùa xuân.

“Tuy thế, Hậu Giang cũng đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông. Sản phẩm du lịch mùa vụ không thể kinh doanh thường xuyên, số lượng du khách không ổn định”, ông Tuyên nói.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trăn trở về vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất trong phát triển du lịch nông nghiệp. Do đó, ông Trương Cảnh Tuyên kiến nghị sửa đổi Nghị định 57 về phát triển du lịch nông thôn, tuy chính sách đã được ban hành nhưng doanh nghiệp vẫn đang khó tiếp cận.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Saigon Asset, nêu vấn đề: Khi tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, chúng ta đều thấy nhiều sản phẩm na ná giống nhau. Ví dụ như quả bưởi da xanh, xuất phát đầu tiên ở Bến Tre nhưng khi tới miền Trung cũng được nhận là đặc sản nơi đây. 

"Ở góc độ làm du lịch các tour tuyến khi giới thiệu đây là sản phẩm đặc sản của địa phương thì khách hàng nói sản phẩm nơi này nơi kia cũng có, khiến doanh nghiệp du lịch thấy “hơi ngại” với khách hàng, liệu đây có thật sự là sản phẩm đặc sản của địa phương này không?", ông Nghĩa băn khoăn, đồng thời cho rằng cần chọn lọc kỹ lưỡng hơn nữa để sản phẩm OCOP thật sự là đặc sản mang tính đặc thù, hương vị đặc trưng của văn hóa của mỗi địa phương

“Hiến kế” tại Diễn đàn, ông Đoàn Văn Khanh, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Long Thuận (xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho rằng: Làm cái gì phải độc, lạ và có tính bền vững mới thu hút được khách du lịch. Mình không chỉ giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp mà còn tạo không gian cho những ai mỗi khi đến tham quan, thưởng ngoạn và được sống với không gian yên tĩnh của chốn quê.

Ông Khanh chia sẻ mô hình vườn du lịch của mình, trong đó thiết kế những cây cầu bằng thép cao chót vót trên ngọn dừa, thành một hệ thống giao thông trên cao, có bậc thang đi lên để dạo vòng quanh khu vườn. Nhờ cách làm độc đáo này, vườn của ông đã thu hút được đông đảo du khách đến tham quan trải nghiệm.

CHƯA CÓ SẢN PHẨM DU LỊCH NÀO ĐẠT OCOP 5 SAO

Ông Chử Hồng Minh, Phó Tổng Giám đốc Vietravel, Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam, cho biết ông đang là Giám đốc Đề án phát triển thương hiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia. Hiện Đề án đã chọn được 121 món trên 55 tỉnh/thành, cuối năm nay sẽ hoàn thành con số 1.000 món, đưa dữ liệu các món đặc sản này lên bản đồ trực tuyến. Đây là cơ sở để những người làm du lịch, ẩm thực có thể làm đề cương truyền thông.

Dưới góc nhìn lữ hành, bà Phan Yến Ly, Giám đốc Công ty Tư vấn Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam, cho rằng du lịch nông nghiệp Việt Nam chưa thật sự đột phá. Vì vậy, từ chương trình OCOP, có thể phát triển thêm chương trình “Mỗi tỉnh thành một sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng”, xa hơn nữa là “Mỗi huyện, mỗi xã một sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng”. Phong trào này sẽ giúp các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn của các tỉnh thành không bị trùng lặp, tạo nên sức hút du khách qua các thông điệp và câu chuyện truyền thông riêng biệt”, bà Ly đề xuất.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết hiện cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP, tuy nhiên chưa có sản phẩm OCOP du lịch nào được công nhận 5 sao.

Làm du lịch nông nghiệp cần “độc, lạ” không trùng lắp  - Ảnh 1
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

"Liên quan đến câu chuyện vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất, cần xác định đất nông nghiệp trồng cây gì, nuôi con gì chứ không phải để chuyển hết làm homestay. Cần tạo ra cảnh quan nông thôn để giữ khách du lịch, đây mới là mô hình du lịch cộng đồng nông thôn homestay.

Nhất là trong bối cảnh xuất khẩu lúa gạo là điểm nóng trên thị trường kinh tế thế giới thì chúng ta càng cần có ý thức bảo vệ đất nông nghiệp. Bộ cũng sẽ nghiên cứu lại đất hợp tác xã, đất làm trang trại, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Nghị định làm trang trại, nhưng sẽ có tỷ lệ nhất định để giữ đất nông nghiệp”. 

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định phát triển sản phẩm OCOP Việt Nam cần 3 yếu tố.

Thứ nhất: Phát huy thế mạnh địa phương để nâng cao giá trị đó lên, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Ví dụ về sản phẩm cốc uống bia hơi với đặc trưng riêng là có những bọt li ti ở thành cốc. "Tôi trò chuyện với chủ cơ sở, họ bảo chỉ cần dừng một ngày là Hà Nội xôn xao vì đây là cốc uống bia hơi đặc trưng của Hà Nội. Từ câu chuyện nay, chúng ta có thể hiểu tầm quan trọng của một sản phẩm thế mạnh và phát huy sáng tạo của người dân địa phương”, Thứ trưởng chia sẻ.

Thứ hai: Vấn đề liên kết sẽ khắc phục được tính nhỏ lẻ, để hình thành vùng sản xuất có sự liên kết giữa các hộ, các cơ sở thành sức mạnh, ứng phó với áp lực cơ chế thị trường.

Thứ ba: Thương hiệu sản phẩm OCOP ở nông thôn có giá trị lớn mà chưa được nhìn nhận đúng mực.

"Câu chuyện nếp sống của mỗi hộ gia đình tại địa phương, sản phẩm đặc trưng và câu chuyện văn hóa văn nghệ bảo tồn nét truyền thống”, Thứ trưởng gợi ý.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin thêm: Trước mắt, Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam sẽ dành một nguồn vốn tín dụng cho phát triển sản phẩm du lịch OCOP. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký với Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam và triển khai văn bản đến các địa phương để đưa ra cơ chế hỗ trợ.

Nguồn: https://vneconomy.vn/lam-du-lich-nong-nghiep-can-doc-la-khong-trung-lap.htm

Bình luận