Hợp tác xã (HTX) Nông ngư 14/10 ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng là tổ chức kinh tế tập thể bắt tay vào nuôi tôm theo quy trình VietGAP đầu tiên trên địa bàn tỉnh với quy mô gần 27ha, tham gia liên kết được hơn 20 thành viên.
Chia sẻ về những khó khăn trên chặng đường phát triển của HTX tại tọa đàm “Thách thức trong phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác thủy sản ở ĐBSC” do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, ông Ngô Công Luận, Giám đốc HTX Nông ngư 14/10 bày tỏ lo ngại khi khâu tiêu thụ tôm thương phẩm chưa ổn định.
Ông Luận phân tích, để bán tôm với giá cao và thị trường tiêu thụ ổn định, đòi hỏi quy trình nuôi của HTX phải theo tiêu chuẩn, ít nhất là VietGAP. Lần đầu tiên biết đến quy trình VietGAP, ông Luận được tham gia các chương trình tập huấn do Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng tổ chức.
Nhận thấy đây là quy trình nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và mang tính bền vững, ông cùng các thành viên HTX thống nhất đăng ký chứng nhận VietGAP cho sản phẩm tôm nuôi. Từ đó, sản phẩm tôm sạch của HTX được doanh nghiệp tiêu thụ với giá cao hơn tôm thường 5.000 - 7.000 đồng/kg. Hiện sản phẩm tôm sạch của HTX đã có mặt ở nhiều thị trường xuất khẩu khó tính như Châu Âu. Một thị trường được đánh giá có nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng tôm nhập khẩu.
Bối cảnh hiện nay, chi phí nuôi tôm đang ở mức cao, các thành viên HTX cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí là thua lỗ. Cụ thể, giá thành để sản xuất 1 ký tôm (kích cỡ 60 - 100 con/kg) dao động khoảng 65.000 - 85.000 đồng. Trường hợp quá trình nuôi gặp rủi ro về thời tiết, dịch bệnh khiến tôm chậm lớn, chi phí này sẽ còn đội lên gấp nhiều lần. Người nuôi may mắn thì có thể hòa vốn, còn lại sẽ bị thua lỗ nặng. Thời gian gần đây, thị trường biến động khiến giá tôm thương phẩm rớt xuống thấp, nhiều hộ nuôi chỉ xuống giống cầm chừng, khoảng 15% diện tích ao nuôi, còn lại đang trong tình trạng “treo ao” chờ giá.
Bài học kinh nghiệm ông Luận rút ra, để giảm chi phí sản xuất, các hộ nuôi buộc phải tham gia liên kết trong các HTX để hưởng được mức giá mua vật tư đầu vào tốt nhất. Tại HTX Nông ngư 14/10 đã tiến hành liên kết với doanh nghiệp để cung ứng vật tư, thiết bị sản xuất đầu vào cho bà con xã viên.
Để hạ giá thành sản xuất, cần phải giải quyết được bài toán chi phí thu mua vật tư cung ứng đầu vào. Phương án khả thi nhất được ông Luận đưa ra là mua vật tư nuôi tôm bằng tiền mặt để giảm khoảng 15 - 25% lãi suất. Ông giải thích thêm, mua thức ăn bằng tiền mặt giá khoảng 28.000 đồng/kg, thành viên HTX được liên kết có thể mua nợ với giá 34.000 đồng/kg, nhưng với người nuôi nhỏ lẻ khi mua nợ phải chịu mức giá khoảng 40.000 đồng/kg.
Cùng tham gia tọa đàm, PGS.TS Võ Hồng Tú, Trưởng Bộ môn Kinh tế - Xã hội - Nông thôn, Khoa Phát triển nông thôn (Trường Đại học Cần Thơ) đồng ý với quan điểm của ông Luận. Theo đó, hiện nay nhiều HXT thiếu về vốn dẫn đến chi phí nuôi tôm cao. Trong khi chi phí mua thức ăn chiếm tỷ trọng rất cao trong quá trình nuôi, hộ nuôi tôm phải chịu thêm lãi suất do mua thiếu. Nếu mua thức ăn tiền mặt giá 28.000 đồng/kg nhưng khi mua thiếu giá đội lên 40.000 nghìn đồng/kg, lãi suất không dừng ở mức 15 - 25% mà lên đến 40 - 50%.
Để giải quyết khó khăn này, PGS.TS Võ Hồng Tú gợi mở, hiện nay nhiều HTX đang áp dụng hiệu quả mô hình vay vốn ba bên. Theo đó, doanh nghiệp là đơn vị đại diện HTX vay vốn ngân hàng, sau khi được giải ngân, doanh nghiệp sẽ sử dụng nguồn vốn đó để hỗ trợ thành viên trong HTX mua vật tư sản xuất với chi phí thấp không cần phải thế chấp tài sản. Mô hình này dựa trên thỏa thuận, thống nhất giữa doanh nghiệp và HTX để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.