Ưu tiên nguồn nước khi bố trí sản xuất lúa đông xuân

Bình luận · 186 Lượt xem

Trước nguy cơ hạn mặn trên diện rộng trong mùa khô 2023 - 2024 ở ĐBSCL, việc bố trí sản xuất lúa đông xuân phải dựa trên sự ưu tiên về nguồn nước.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, những ngày cuối tháng 9, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang ở mức thấp. Ông Nguyễn Huy Khôi, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam), cho biết, các dự báo cho thấy, mùa lũ chính vụ năm nay rơi vào khoảng nửa đầu tháng 10, với đỉnh lũ từ 3,1 đến 3,3 m, tức là thấp hơn báo động 1 từ 20 - 40cm.

 

Một điều rất đáng quan tâm là mùa mưa năm nay có thể kết thúc sớm vào khoảng cuối tháng 10, tức là kết thúc sớm hơn khoảng 1 tháng so với trung bình nhiều năm. Đây là điều tương đối lo ngại, bởi vào cuối vụ, nền nước ở ĐBSCL mà thấp thì hạn mặn sẽ xảy ra.

 

Lũ năm nay là lũ nhỏ, mùa mưa lại có thể kết thúc sớm. Các dự báo cũng cho thấy ít có khả năng xảy ra mưa trái mùa, trong khi El Nino đã và đang xảy ra. Theo nhận định của các tổ chức quốc tế cũng như Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xác suất xuất hiện của El Nino từ nay đến hết năm 2023 là trên 90%. Từ đầu năm 2024 đến giữa mùa khô (tháng 3/2024), xác suất xuất hiện El Nino là 75%. Như vậy, khả năng rất cao là El Nino sẽ tiếp tục kéo dài đến hết quý I năm sau, qua đó ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Theo ông Nguyễn Huy Khôi, nguồn nước về ĐBSCL đến thời điểm này vẫn đang cao hơn 10 - 15% so với cùng kỳ năm 2015 và 2019, là những năm xảy ra hạn mặn khốc liệt. Tuy nhiên, cần phải theo dõi tiếp các dự báo về mưa. Hiện nay, theo các tài liệu dự báo mưa ở thượng nguồn sông Mekong, khả năng trong 3 tháng cuối mùa mưa, lượng mưa sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-25%. Trên cơ sở đó, Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam nhận định, trong mùa khô 2023-2024, hạn mặn sẽ diễn ra khá gay gắt ở Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Về đảm bảo an toàn cho sản xuất lúa vụ đông xuân, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, trước đây, khi chưa bị ảnh hưởng về nguồn nước, trong sản xuất lúa đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta ưu tiên cho phòng chống dịch bệnh như vàng lùn, lùn xoắn lá … Bây giờ tất cả phải ưu tiên cho nguồn nước.

 

Việc ưu tiên cho nguồn nước khá đơn giản, vì thực hiện theo một công thức chung. Vụ đông xuân kéo dài trong 100 ngày. Về nguyên tắc, chúng ta cần có 100 ngày có nước ngọt để cây lúa sinh trưởng tốt. Nếu dự báo cuối tháng 1 nước mặn sẽ xâm nhập vào cách bờ biển khoảng 20 hay 40km, với nồng độ ảnh hưởng đến sản xuất lúa, thì phải bố trí mùa vụ như thế nào đó để khi nước mặn lên, nông dân đã thu hoạch lúa, hoặc khi cần đóng các hệ thống công trình thủy lợi để ngăn mặn, đã có đủ nước cho lúa chín.

 

Về nguyên tắc là cần 100 ngày có nước ngọt, nhưng nếu địa phương bố trí thời vụ khéo léo, sử dụng giống ngắn ngày thì chỉ cần 90 ngày hay 80 ngày nước ngọt, cũng có thể đảm bảo cho cấy lúa sinh trưởng bình thường. Nhưng ở những vùng mà thời gian có nước ngọt dự báo dưới 80 ngày, trồng lúa sẽ không còn an toàn. Khi ấy, những vùng đó hoặc là chuyển sang cây trồng khác, hoặc nếu đủ tích nước cho sản xuất được trên bao nhiêu diện tích là phải tính toán thật kỹ để đảm bảo sản xuất an toàn. Còn đến mức độ chỉ được 60 ngày có nước ngọt, bắt buộc phải để đất trống.

 

Ông Tùng chia sẻ, trong thời gian qua, Cục Trồng trọt đã cùng với các sở NN-PTNT ở Đồng bằng sông Cửu Long và các viện xây dựng một bản đồ kỹ thuật số gọi là bản đồ rủi ro khí hậu và thích ứng. Các địa phương sẽ căn cứ vào các dự báo về sự dịch chuyển ranh nước mặn, ranh nước ngọt trên bản đồ để bố trí thời vụ sản xuất.

Bình luận