Những lưu ý phòng bệnh trên hươu nuôi

Bình luận · 302 Lượt xem

Hươu là loài vật dễ nuôi, kháng bệnh tốt, nhưng nếu bị bệnh lại có tốc độ lây lan nhanh, ảnh hưởng lớn tới cả đàn.

Cách nhận biết và chữa bệnh trên hươu

TS Trần Văn Thăng, Khoa Chăn nuôi Thú y (Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) cho rằng, hiện nay có rất nhiều địa phương nuôi hươu trên cả nước. Tuy nhiên, bà con chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm, ít chú trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh. Việc phát hiện, phòng trừ dịch bệnh của người chăn nuôi còn rất hạn chế nên khi hươu bị bệnh hầu hết đã ở giai đoạn nặng, biến chứng và chết.

Cũng theo TS Trần Văn Thăng, một số bệnh chủ yếu trên hươu hiện nay gồm tụ huyết trùng, ký sinh trùng đường máu, chướng bụng, sán lá gan, viêm phổi... Do đó, giải pháp hữu hiệu nhất là phòng bệnh thông qua việc cho hươu ăn uống sạch sẽ, chuồng trại khô ráo, thoáng khí.

Bệnh tụ huyết trùng

Hươu bị bệnh tụ huyết trùng sẽ có các triệu chứng như: sốt cao, mắt đỏ ngầu, nước mắt, nước mũi chảy ra, thở gấp,... Người nuôi có thể dùng các loại thuốc như: Peniciline kết hợp Streptomicine; B.complex; ADE.

Bệnh ký sinh trùng đường máu

Bệnh ký sinh trùng đường máu có các triệu chứng ở cả 3 thể: quá cấp tính, cấp mãn tính và mãn tính (thường gặp thể cấp tính và mãn tính). Hươu bệnh thể hiện các triệu chứng lâm sàng chủ yếu như: sốt cao 40-41 độ C; các cơn sốt gián đoạn không theo quy luật, khi sốt cao thường thể hội chứng thần kinh như quay cuồng, đi vòng tròn, run rẩy từng cơn. Triệu chứng này thường gặp ở hươu bị bệnh cấp tính.

Hươu thiếu máu và suy nhược sốt trong quá trình bị bệnh. Một số hươu bị viêm kết mạc và giác mạc thể hiện mắt đỏ, niêm mạc sưng đỏ. Hầu hết hươu bệnh suy nhược, mất dần sức đề kháng, thường chết do kiệt sức, chết đột tử.

Bà con có thể điều trị bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Tripamidium, Azidin, Naganin (tuỳ thuộc vào thể trạng từng con và triệu chứng mà chỉ định thuốc cũng như liều lượng cụ thể). Trong thời gian bị bệnh cần có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng đầy đủ.

Bệnh liên quan đến đường tiêu hóa

Khi bị bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, hươu bị đầy hơi, chướng bụng, đi ngoài, hươu bỏ ăn, không nhai lại, đi lại chậm chạp, lờ đờ... Nguyên nhân do ăn phải thức ăn ôi, thiu, mốc hoặc do chuống quá ẩm, bị ngâm nước tới bụng, bị ngộ độc do ăn phải lá độc, vỏ sắn, củ sắn chảy nhựa, bị cảm,... Cách phòng, chữa như các loài gia súc ăn cỏ khác như điều chỉnh thức ăn, đảm bảo nước uống sạch sẽ…

Nhiễm giun sán

Khi phong trào chăn nuôi hươu phát triển dẫn đến tình trạng thiếu thức ăn cho hươu, nên nông dân đã thường tận dụng thu hái các loại cỏ, nhất là cây cỏ nước, nguồn thức ăn này thường là nguyên nhân dẫn đến hươu bị nhiễm bệnh giun sán. Khi nhiễm bệnh, hươu vẫn ăn uống bình thường bụng phình to, lông xơ xác, gầy mòn và chết. Để điều trị, bà con có thể dùng các loại tẩy giun sán như Fasciolid và Dextin B.

Bệnh viêm phổi

Bệnh viêm phổi thường gặp ở hươu con. Nguyên nhân do hươu con sinh ra gặp điều kiện bất lợi về thời tiết nắng nóng, gió lạnh lùa vào chuồng. Các triệu chứng gồm: Thở mạnh ép cả hai cơ bụng, đứng dạng hai chân để thở, khô mũi, chảy nước mắt, nước mũi; Hươu con bỏ bú, lười ăn.

Điều trị: Tiêm trợ sức Vitamin các loại; Kanamycin; Steptomycin; Penicylin.

Điều quan trọng đầu tiên trong việc phòng bệnh cho hươu đó là vệ sinh chuồng trại cẩn thận, sạch sẽ, chuồng cần thoáng mát, có ánh sáng, tránh gió lùa, cần theo dõi thời tiết thường xuyên để có những biện pháp tránh gió thích hợp. Những ngày nắng nên cho hươu vận động ngoài trời từ 2-3 giờ.

"Nguồn thức ăn, dinh dưỡng của hươu phải được đảm bảo. Không cho hươu ăn quá nhiều thức ăn tinh hơn thức ăn thô, không cho ăn quá nhiều thức ăn tinh vào lúc đói. Không ăn quá no hoặc thay đổi khẩu phần ăn đột ngột. Không nên cho hươu ăn cỏ, lá cây bị ướt. Đảm bảo nguồn thức ăn phải sạch, không nấm mốc, ôi thiu", TS. Trần Văn Thăng cho hay. 

Khi nhập hươu mới cần nuôi cách ly và theo dõi tránh lây bệnh cho cả đàn. Đặc biệt, hàng năm cần tiêm phòng tụ huyết trùng và ký sinh trùng.

Các thành viên của HTX Trọng Hùng Tân Hòa luôn chấp hành nghiêm chỉnh quy trình sản xuất, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, thu nhung hươu đúng phương pháp. Ảnh: Quang Linh.

Các thành viên của HTX Trọng Hùng Tân Hòa luôn chấp hành nghiêm chỉnh quy trình sản xuất, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, thu nhung hươu đúng phương pháp. Ảnh: Quang Linh.

Phòng bệnh là điều kiện số một để HTX duy trì lợi nhuận

Hợp tác xã nuôi hươu của Hội cựu chiến binh Trọng Hùng Tân Hòa (HTX Trọng Hùng Tân Hòa) tại xóm Tè, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên thành lập năm 2017, hiện có 33 thành viên, trong đó hầu hết đều là những cựu quân nhân, có cả những người từng tham gia kháng chiến.

Là người đặt nền móng cho HTX nuôi hươu phát triển như hiện nay, ông Ngô Văn Hùng, Giám đốc HTX Trọng Hùng Tân Hòa cho biết, hươu có nhiều ưu điểm khi đây là loài vật ít bị bệnh, dễ nuôi, người dân chủ động được nguồn thức ăn sẵn có, không tốn nhiều công chăn sóc.

Thức ăn của hươu chủ yếu là cỏ vào khoảng 5-6kg/ngày, các loại hoa quả như chuối, ổi dưới 500g/ngày để đảm bảo đủ chất. Ngoài ra, thời gian gần dây, nhiều xã viên còn trồng mía để hươu ăn.

Thời gian nuôi hươu để lấy nhung tốt nhất là 5 năm, khi đó nhung hươu sẽ đạt trọng lượng tối đa khoảng 8 lạng. Nhung chủ yếu lên vào mùa xuân và được thu hoạch vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Giá nhung năm nay dao động từ 10-15 triệu đồng/kg. Mỗi chú hươu đem về lợi nhuận từ 12-14 triệu đồng cho mỗi lần lấy nhung. Với tổng đàn lên tới 230 con, toàn HTX có thể thu về lợi nhuận lên tới 3 tỷ đồng/năm.

Để duy trì lợi nhuận trong nhiều năm, HTX luôn đặt yếu tố an toàn dịch bệnh là số một. Theo lãnh đạo HTX, người tiêu dùng luôn yêu cần sản phẩm phải được tạo ra từ nguyên liệu đảm bảo an toàn dịch bệnh, nổi bật là sản phẩm thịt hươu sấy.

“Hươu sạch bệnh mới ăn khỏe, nhung to. Nếu chúng tôi không đảm bảo an toàn dịch bệnh, hươu ăn yếu do bị chướng bụng nhiều thì chất lượng nhung hươu sẽ không thể đảm bảo.

HTX quán triệt các thành viên đảm bảo an toàn dịch bệnh tối đa cho vật nuôi, chấp hành nghiêm chỉnh quy trình sản xuất, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng,… Đặc biệt, phải báo ngay cho cơ quan thú y địa phương khi phát hiện dịch bệnh”, Giám đốc HTX Trọng Hùng Tân Hòa nhấn mạnh.

Bình luận