Ra mắt nền tảng quản lý bằng bảo hộ giống cây trồng

Bình luận · 203 Lượt xem

Nền tảng UPOV e-PVP được xây dựng theo hình thức website trực tuyến, hỗ trợ các thành viên UPOV trong quá trình thẩm định đơn đăng ký bảo hộ, quản lý dữ liệu hiệu quả.

Phổ biến Luật Sở hữu trí tuệ và bảo hộ giống cây trồng ở ĐBSCL

Đánh giá thực hiện bảo hộ giống cây trồng

Nâng cao nhận thức về bảo hộ giống cây trồng

Ngày 28/9, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Hiệp hội quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV) tổ chức lễ khai trương nền tảng UPOV e-PVP về quản lý đơn, bằng bảo hộ giống cây trồng.

 

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ giống cây trồng nói riêng là hết sức thiết thực và có ý nghĩa đối với quốc gia nông nghiệp như Việt Nam. Hoạt động này nhằm bảo hộ các giống cây trồng do các nhà khoa học trong nước chọn tạo, phát hiện và phát triển. Đồng thời, cũng là động lực thu hút nhập khẩu các giống cây trồng từ nước ngoài và tạo điều kiện đưa giống cây trồng của Việt Nam bảo hộ ở nước ngoài theo mục tiêu mà Chiến lược sở hữu trí tuệ của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030 đã đề ra.

 

Từ khi trở thành thành viên UPOV đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong quá trình xác lập quyền đối với giống cây trồng, trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực về bảo hộ giống cây trồng. Minh chứng là số đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới tăng hàng năm. Tính đến cuối năm 2022, đã có khoảng 2.200 đơn bảo hộ giống cây trồng, trong đó có khoảng 1.000 giống cây trồng đã được cấp bằng bảo hộ.

 

Nhiều giống cây trồng có chất lượng tốt, năng suất cao, đặc tính nổi bật được chọn tạo và đưa ra thị trường đã góp phần không nhỏ nâng cao giá trị sản xuất của ngành trồng trọt. Các giống mới được chọn tạo, phát hiện và phát triển không chỉ tập trung vào một số loài thuộc nhóm cây lương thực, cây công nghiệp như trước đây mà đã trở nên rất đa dạng.

 

Từ năm 2017, khi Việt Nam được thực hiện bảo hộ đối với tất cả các loài cây trồng thì số lượng đơn đăng ký bảo hộ từ nước ngoài ngày càng tăng. Một số doanh nghiệp giống cây trồng của Việt Nam cũng bắt đầu quan tâm, đăng ký bảo hộ giống cây trồng ở nước ngoài.

 

Bên cạnh đó, chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Việt Nam và nhiệm vụ phát triển nền tảng số, Chính phủ điện tử đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 80% thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường mạng nhằm đẩy nhanh quá trình giải quyết thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

 

Trên cơ sở đó, từ năm 2018, được sự hỗ trợ của Nhật Bản và UPOV, Việt Nam đã tham gia UPOV Prisma và từng bước tham gia hệ thống UPOV e-PVP. Nền tảng UPOV e-PVP bao gồm nhiều mô - đun cơ bản được xây dựng theo hình thức website trực tuyến, hỗ trợ các nước thành viên UPOV trong quá trình thẩm định đơn đăng ký bảo hộ, quản lý dữ liệu một cách hiệu quả, nhanh chóng và an toàn. UPOV e-PVP sử dụng công nghệ điện toán đám mây tích hợp block chain.

 

Cũng theo ông Nguyễn Như Cường, Việt Nam vinh dự là quốc gia đầu tiên chính thức sử dụng mô - đun quản lý cơ sở dữ liệu của UPOV e-PVP kể từ ngày 28/9.

 

Ông Peter Button, Phó Tổng thư ký UPOV chia sẻ, UPOV e-PVP sẽ làm thay đổi tính hiệu quả của hệ thống bảo hộ giống cây trồng. Nền tảng này sẽ cung cấp những luồng thông tin điện tử liền mạch từ nhà chọn tạo giống đến văn phòng bảo hộ giống cây trồng thông qua cơ sở dữ liệu của UPOV.

 

UPOV e-PVP được đánh giá là bước phát triển mang tính lịch sử đối với UPOV. Nền tảng sẽ cung cấp những phương tiện, dịch vụ độc đáo để tăng khả năng hoạt động hiệu quả và tạo động lực cho các thành viên UPOV.

 

Việt Nam là thành viên UPOV đầu tiên triển khai tất cả các thành phần của UPOV e-PVP và sử dụng mô - đun quản trị UPOV e-PVP, mô - đun trao đổi báo cáo UPOV e-PVP DUS. Không những vậy, kể từ khi trở thành thành viên của UPOV năm 2006, Việt Nam đã trở thành quốc gia dẫn đầu về bảo hộ giống cây trồng. Cách tiếp cận thực hiện bảo hộ giống cây trồng của Việt Nam là mô hình mà các nước khác có thể xem xét học tập.

 

Bà Akiko Nagano (Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản) đánh giá, việc giới thiệu nền tảng UPOV e-PVP không phải là mục tiêu mà là một cột mốc quan trọng trong hành trình hướng tới hệ thống e-PVP châu Á.

 

Nhật Bản đã đồng hành cùng UPOV nâng cấp hệ thống bảo hộ giống cây trồng trong khu vực với mong muốn các bên liên quan được bảo đảm giống cây trồng của họ được bảo hộ một cách hợp pháp, hài hòa. Bên cạnh đó, hướng tới xây dựng mối quan hệ hợp tác và cùng phát triển trong khu vực vì nền nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực.

Bình luận